Tại triển lãm xe ô tô năm 2012, ông Bùi Ngọc Huyên - Chủ tịch Công ty Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) lần đầu tiên giới thiệu về chiếc xe hơi "Made in Vietnam" mang thương hiệu VG (Duyên dáng Việt Nam - Vietnam Graceful). Theo chia sẻ của ông Huyên có tỷ lệ nội địa hóa lên tới 50%.
Đây là mẫu xe nhỏ có kích cỡ tương đương một số mẫu xe hạng nhỏ hiện có trên thị trường như Chevrolet Spark, Chery QQ3... Kiểu dáng xe VG được thiết kế trẻ trung với ba tông màu đỏ, bạc và xanh, khung gầm chắc chắn, vận hành tiết kiệm phù hợp với tiêu chí của người Việt.
Chiếc xe của Vinaxuki có động cơ 1.5 L nhập từ hãng hãng Mitsubishi (Nhật Bản), dung tích bình xăng 45 lít. Xe VG của Vinaxuki gồm 2 phiên bản số sàn và số tự động, phù hợp với nhiều lựa chọn của khách hàng.
Thị trường hướng tới sẽ là giới trẻ, nên phần nội thất được thiết kế rộng rãi hơn. Mẫu xe đầu tiên sẽ có hai loại. Một loại lắp động cơ dung tích là 1.3, một loại động cơ 1.5, hộp số tự động 4 cấp, 16V mạnh mẽ hơn. Khí thải đạt tiêu chuẩn Euro 4 thân thiện với môi trường hơn.
Các chi tiết lốp, la răng chiếc xe trên do DN vốn FDI Hàn Quốc tại Bình Dương sản xuất và cung cấp. Tất cả các chi tiết về đèn do Công ty điện Stanley, một DN vốn FDI Nhật Bản tại Gia Lâm Hà Nội chế tạo và cung cấp.
Phần khung xe hoàn toàn do Vinaxuki thiết kế, lắp ráp. Các thiết bị nội thất được công ty nhập từ Đài Loan hoặc Nhật Bản.
Từ khi xuất hiện lần đầu tiên năm 2012, Vinaxuki dự kiến 2 năm sau đó (khoảng 2014) sẽ bán ra thị trường 200 chiếc đầu tiên với giá dao động từ 310 - 350 triệu đồng/chiếc, thấp hơn so với mức trung bình của dòng xe tương tự trên thị trường (500 triệu đồng).
Tuy nhiên, "đứa con tinh thần" của ông Huyên chưa thành thì giấc mơ đang dần lụy tắt khi doanh nghiệp của ông rơi vào cảnh nợ nần. Tổng nợ của Vinaxuki đã lên tới 1.618 tỷ đồng. Trong đó nợ vay tại BIDV là 763 tỷ đồng, tại VIB là 53 tỷ đồng.
Các khoản nợ tại Vietinbank (159 tỷ đồng) và tại Vietcombank (643 tỷ đồng) đã được các ngân hàng này bán cho VAMC. Nhà máy sản xuất ô tô số 1 Mê Linh (Hà Nội) đang rao bán để trả nợ cho ngân hàng và các tổ chức cá nhân.
Nếu trước đây, vào thời kỳ đỉnh cao của Vinaxuki thì đã có lúc nhà máy của ông Huyên lên tới 1.600 nhân công làm việc liên tục 3 ca/ngày thì đến bây giờ số lượng nhân công của nhà máy chỉ còn vài chục người. Nhà máy bị bỏ hoang, máy móc, dây chuyền tạm ngừng hoạt động.
Để "cứu" doanh nghiệp, thậm chí ông Huyên đã bán căn nhà được phân của bố từ năm 1960, một căn nhà tại Láng Hạ, nhà của con gái, của cháu ngoại. Và ông chủ Vinaxuki tự nhận dó là điều "dại dột".
Nguồn ảnh: DNSG/CafeBiz/Autopro/Công thương/Zing/internet
(Tổng hợp)