Dự án Nhà máy liên hợp gang thép Vạn Lợi chính thức khởi công năm 2008, tọa lạc trên diện tích hơn 25,8 ha thuộc Khu Kinh tế (KKT) Vũng Áng 1 (phường Kỳ Thịnh, TX. Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nằm sát quốc lộ 1A. Đây được xem là vị trí lý tưởng.
Tổng mức đầu tư dự án này lên đến hơn 1.700 tỷ đồng do Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư (trong đó có 2 cổ đông lớn nhất là Công ty Vạn Lợi 64% và Công ty Hợp Thành 34%).
Dự án này triển khai theo hình thức các ngân hàng hùn vốn cho dự án với mức ngân hàng chịu cho vay 85% (trên tổng mức đầu tư dự án) và chủ đầu tư là 15% còn lại.
Toàn bộ khu nhà máy thép Vạn Lợi chưa kịp khai sinh đã phải khai tử.
Theo chứng nhận đầu tư, trong giai đoạn 1 thực hiện dự án, có 3 ngân hàng tham gia cho Công ty gang thép Hà Tĩnh vay vốn và đã giải ngân gần 1.000 tỉ đồng.
Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hơn 600 tỉ đồng, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) gần 50 tỉ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 70 tỉ đồng.
Theo dự kiến, nhà máy này sẽ có công suất 250.000 tấn/năm giai đoạn 1, giai đoạn 2 nâng lên 500.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động địa phương.
Nhà máy thép nghìn tỷ nay chỉ còn đống sắt vụn hoang tàn.
Sau khi dự án được triển khai vài tháng, Công ty Gang thép Hà Tĩnh cơ bản đã đưa các hệ thống thiết bị công nghệ cao về lắp đặt, xây dựng hệ thống nhà điều hành, nhà trộn, các khu nhà xưởng, cột khói lò cao.
Thế nhưng chỉ được mấy tháng, đến cuối năm 2009, chủ đầu tư thông báo cho cán bộ, công nhân làm việc nơi đây tạm dừng thi công một số hạng mục. Dần dần, toàn bộ dự án bị ngừng thi công hoàn toàn.
Theo dự kiến, tháng 8/2010, nhà máy sẽ sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm. Tuy nhiên, dự án đã không thực hiện được như cam kết và chưa kịp khai sinh đã phải khai tử.
Hiện giờ cơ quan chức năng đang phối hợp ngân hàng kê biên tài sản của nhà máy để đấu giá, thu hồi vốn cho các ngân hàng giải ngân đầu tư vào dự án này.
Cuối năm 2015, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định thu hồi chứng nhận đầu tư của dự án Nhà máy thép Vạn Lợi sau gần 7 năm chậm tiến độ.
Sau khi có quyết định thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận giấy phép đầu tư, cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư phối hợp để thanh lý dự án, tháo dỡ máy móc, thiết bị.
Đến nay, sau 10 năm bỏ hoang, toàn bộ khu đất trở thành hoang tàn. Nhiều máy móc, thiết bị, nhà xưởng trong dự án thành đống sắt vụn, hoen gỉ, hư hỏng.
Bên trong nhà máy hoang tàn, lạnh lẽo.
Được biết, hiện lực lượng thi hành án đang phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp để kê biên, định giá tài sản của dự án nhà máy thép Vạn Lợi để tiến hành đấu giá theo quy định. Dự kiến thời gian cưỡng chế kê biên khoảng 25 ngày từ 27/11-22/12.
Được biết, tài sản thế chấp để chủ đầu tư vay vốn các ngân hàng thực hiện dự án này là tài sản hình thành sau đầu tư. Có nghĩa, tài sản thế chấp của chủ đầu tư chỉ còn là một đống sắt rỉ bỏ hoang 10 năm qua và các ngân hàng sẽ phải thu hồi vốn bằng cách chia nhau đống sắt vụn này.
Phía ngoài cổng nhà máy thép hiện đã được chăng thép kín.
Bên trong toàn bộ bị cỏ dại mọc bao trùm.
Những đống sắt vụn này sắp tới sẽ được đưa ra đấu giá để thu hồi vốn cho các ngân hàng đã giải ngân đầu tư vào nhà máy.
Những nhà xưởng làm chưa hoàn thành này phải tháo dỡ.
Những căn nhà cho cán bộ, công nhân viên cũng chưa 1 lần được sử dụng.
Những máy móc được lắp đặt lâu ngày nay hoen gỉ, hư hỏng.
Nhiều cổng vào nhà máy đều bị bịt bằng tôn.
Nơi đây được xem là vị trí thuận lợi, "khu đất vàng" cho nhà máy nhưng nay thành đống hoang tàn.
Những khối sắt vụn đang dần hư hỏng.
Dự án nhà máy thép nghìn tỷ chưa kịp khai sinh đã phải "chết yểu".