Cán bộ rủ nhau trốn việc, xử sao?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - MAI NGUYỄN |

Liên tiếp các trường hợp cán bộ bỏ việc trong giờ hành chính làm dư luận bức xúc đặt câu hỏi: “Dân chờ giải quyết thủ tục từng phút còn cán bộ lại bỏ việc đi chơi? Xử sao?”.

Mới đây, trong giờ hành chính ngày 10-6, lãnh đạo các phòng, ban và đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã “rủ nhau” dùng xe công đến nhà ông Lê Minh Tấn - giám đốc sở mới nhậm chức - để dự tiệc.

Trước đó, chiều 9-6 (tức mùng 5-5), toàn bộ các phòng, ban thuộc trụ sở UBND xã Vĩnh Bình Nam, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang đóng cửa. Trụ sở công an và Ban chỉ huy Quân sự xã cũng không một bóng người.

Không có việc gì làm nên mới đi chơi?

Một bạn đọc đã đặt vấn đề như vậy khi nghe lời giải thích của ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM - rằng công việc ở sở vẫn có người làm.

“Đi dự tiệc gần hết mà vẫn có người làm việc?! Vậy thì các cán bộ ấy chẳng phải đang dư thừa, không có việc gì làm hay sao? Hãy tinh giảm vì không có họ Sở LĐ-TB&XH TP.HCM vẫn làm việc bình thường” - bạn đọc nói.

Bạn Minh Đăng (Q.9, TP.HCM) bức xúc: “Làm vậy mà nói là hỗ trợ tối đa cho người dân và doanh nghiệp. Giải quyết cái gì cũng phải lên xuống nhiều lần mới xong”.

Nhiều bạn đọc băn khoăn về việc những cán bộ sử dụng xe công để đi dự tiệc. “Chuyện này không quá bất ngờ vì thường ngày vẫn thấy. Chỉ không hiểu sao chưa thấy ai bị xử lý.

Từ các trường hợp này, nhiều bạn đọc ở các địa phương khác cũng “thi nhau” thông tin về một số cán bộ của địa phương mình với TTO: “Cán bộ địa phương tôi đa số sáng 9g mới vô cơ quan, chiều 3g về nhậu; Ở quê tôi, 8g cán bộ còn đi ăn sáng, uống cà phê. Nếu có việc thì 9g đến cho chắc...”.

Truy trách nhiệm người đứng đầu

Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM.

Ông Hậu cho biết theo quy định tại điều 18 Luật cán bộ, công chức 2008 thì trường hợp cán bộ hành chính nhà nước trốn việc hoặc làm việc cá nhân trong giờ làm việc thuộc những hành vi cán bộ không được làm.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cán bộ phải chịu một trong những hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc bãi nhiệm.

Luật sư Lê Quang Vũ - phó trưởng Văn phòng luật sư người nghèo - cho rằng: “Cán bộ, công chức, viên chức bỏ cơ quan đi ăn tiệc trong giờ hành chính là vi phạm chỉ thị 05/2008/CT-TTg ngày 31-1-2008 của Thủ tướng quy định: Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành và sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc theo quy định của pháp luật, nội quy, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; không sử dụng thời giờ làm việc vào việc riêng; không đi muộn, về sớm...”.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với trường hợp trốn việc ăn mùng 5-5, trong trường hợp tất cả các phòng, ban không làm việc thì căn cứ theo điều 12 và 13 nghị định 34/2011/NĐ-CP, công chức lãnh đạo có thể bị xử lý hình thức kỷ luật là giáng chức hoặc cách chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu bổ sung: “Điều 10, Luật cán bộ, công chức 2008 quy định: ngoài các nghĩa vụ cơ bản mà cán bộ phải tuân theo thì cán bộ là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị còn phải thực hiện các nghĩa vụ gồm tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống quan liêu, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm về việc để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị gây phiền hà cho công dân...

Khối lượng công việc ngày càng nhiều, còn rất nhiều nhiệm vụ cấp bách, trong khi chúng ta không có nhiều thời gian.

Vì vậy, phải xử lý nghiêm kể cả những trường hợp sử dụng xe công. Không thể để hành động của những người này làm xấu đi hình ảnh của cả một bộ máy hành chính”.

Theo luật sư Lê Quang Vũ, việc dùng xe công để đi việc riêng là sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, bị nghiêm cấm tại khoản 3 điều 6 Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước 2008.

Luật xử thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho biết: "Hình thức khiển trách áp dụng trong trường hợp cán bộ chây lười, trốn tránh trách nhiệm hoặc thoái thác nhiệm vụ đã được nhắc nhở, phê bình nhưng không sửa chữa; cán bộ tự ý bỏ việc lần đầu nhưng chưa quá ba ngày làm việc...

Hình thức cảnh cáo áp dụng đối với cán bộ đã bị khiển trách mà tái phạm hoặc vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng khuyết điểm có tính chất thường xuyên hoặc tuy mới vi phạm lần đầu nhưng có tính chất tương đối nghiêm trọng; vi phạm lần đầu nhưng liên quan đến tư cách, phẩm chất của cán bộ, công chức, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị...

Đối với hình thức hạ bậc lương áp dụng đối với cán bộ vi phạm nghĩa vụ cán bộ, công chức đang trong thời gian bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm; liên quan đến đạo đức công vụ và vi phạm kỷ luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định;...

Đối với hình thức hạ ngạch áp dụng đối với cán bộ, công chức có hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ mà xét thấy không đủ phẩm chất đạo đức và tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của ngạch đang đảm nhiệm;…

Đối với hình thức cách chức áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ có hành vi vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng không thể để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ được giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại