Cán bộ phường tự bẻ khóa vào nhà dân bắt gà để tiêu hủy: Có hành vi lạm quyền

Đỗ Việt (thực hiện) |

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng việc cán bộ, dân phòng và lực lượng Công an phường tham gia vào việc “bẻ khóa bắt gà” mà không có bất kỳ một quyết định khám xét nào thì rõ ràng đã có hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép và lạm quyền quá mức.

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội đăng tải đoạn clip về Đoàn kiểm tra của UBND phường 15, quận Tân Bình (TP.HCM) bẻ khóa vào nhà dân bắt và tiêu hủy 9 con gà Đông Tảo.

Theo clip ngày 26/7, Đoàn kiểm tra của UBND phường 15 gồm cán bộ, Công an phường và Tổ dân phố đến nhà anh Đào Tuấn Anh (ngụ đường Phan Huy Ích, phường 15, quận Tân Bình) để kiểm tra việc anh nuôi gà Đông Tảo.

Lúc này, Tuấn Anh không có ở nhà (cửa cổng khóa bên ngoài, bên trong có người thân của Tuấn Anh - PV). Đoàn kiểm tra đã cắt khóa để vào bắt gà.

Ông Lâm Việt Thảo, Chủ tịch UBND phường 15 khẳng định, Đoàn kiểm tra thực hiện theo Chỉ thị số 02/2015 của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 9/01/2015 thì người dân không nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư để ngăn ngừa dịch cúm khu vực nội ô.

Việc có người trong đoàn bẻ khóa cổng là do có người ở nhà nhưng không chấp hành việc kiểm tra.

Sau khi sự việc được lan truyền trên mạng xã hội, chủ nhà là anh Đào Tuấn Anh, người sở hữu căn nhà bị Đoàn kiểm tra của UBND phường 15 bẻ khóa cổng vào nhà bắt 9 con gà Đông Tảo đi tiêu hủy cho biết, nếu phường không xin lỗi, anh sẽ có đơn kiện.

Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (VPLS Chính Pháp) đã trả lời phỏng vấn Báo Công lý xung quanh câu chuyện này dưới góc độ pháp lý.

PV: Dư luận đang quan tâm việc Đoàn kiểm tra của UBND phường 15, quận Tân Bình đã tự ý bẻ khóa cổng nhà anh Đào Tuấn Anh (ngụ đường Phan Huy Ích) để bắt 9 con gà Đông Tảo trị giá khoảng 10 triệu đồng đem đi tiêu hủy khi anh này không có nhà. Luật sư có ý kiến gì về hành động của đoàn kiểm tra?

Ths, LS Đặng Văn Cường: Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định.

Như vậy, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Việc khám xét chỗ ở không thể tiến hành khám xét một cách bừa bãi, mà phải tuân thủ theo trình tự thủ tục luật định.

Việc khám nhà, khám chỗ ở của công dân phải tuân thủ quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về việc khám xét chỗ ở, việc thu giữ tài sản, tang vật phương tiện vi phạm hành chính cũng phải tuân theo thủ tục hành chính.

Việc làm của Đoàn kiểm tra của UBND phường 15 tự ý bẻ khóa cổng vào nhà anh Đào Tuấn Anh bắt gà mà không có sự cho phép của chủ nhà, không phải tình trạng khẩn cấp khi dịch bệnh bùng phát, chưa đe dọa sức khỏe cộng đồng, nên việc khám xét, thu giữ tài sản như báo chí đã phản ánh là chưa tuân thủ quy định pháp luật.

Cán bộ phường tự bẻ khóa vào nhà dân bắt gà để tiêu hủy: Có hành vi lạm quyền - Ảnh 1.

Đoàn kiểm tra tự ý vào nhà dân bắt gà đi tiêu hủy

PV: Sau khi sự việc xảy ra, Chủ tịch UBND phường 15 cho rằng Đoàn kiểm tra đang thực hiện theo chỉ đạo trong Chỉ thị 02/2015 của UBND Thành phố. Luật sư có ý kiến gì về cách lý giải này?

Ths, LS Đặng Văn Cường: Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình cho rằng Đoàn kiểm tra đang thực hiện theo chỉ đạo trong Chỉ thị 02/2015 của UBND thành phố, còn có người trong đoàn bẻ khóa cổng là do có người ở nhà nhưng không chấp hành việc kiểm tra là không thuyết phục.

Bởi lẽ, theo Chỉ thị 02/2015 của UBND TP Hồ Chí Minh ngày 9/01/2015 có nội dung đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn chứ không cấm người dân nuôi gia súc, gia cầm.

Việc người dân nuôi gia súc, gia cầm cần tuân thủ các điều kiện về chăn nuôi. Đặc biệt, quy định tại điểm 1 Chỉ thị 02/2015/CT-UBND về trách nhiệm của UBND quận, huyện đối với người dân:

"Quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên địa bàn; đôn đốc việc chấp hành tiêm phòng các bệnh bắt buộc; tăng cường tần suất kiểm tra tình hình vận chuyển, kinh doanh, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, nhất là việc nhập xuất động vật, sản phẩm động vật trong thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết".

Tuy nhiên trong trường hợp này, Đoàn kiểm tra đã tiến hành phá khóa cổng vào bắt gà và chủ nhà có bằng chứng cho thấy Đoàn kiểm tra đến bắt gà của anh, còn đối với số bồ câu thì không thấy đoàn kiểm tra nhắc nhở.

Như vậy, việc Đoàn kiểm tra đến nhà dân tự ý bắt 9 con gà Đông Tảo là không rõ ràng, thiếu minh bạch.

Chủ nhà cũng cho biết đã không nhận được quyết định hay thông báo nào về việc thu giữ và tiêu hủy số gà này.

Cán bộ phường tự bẻ khóa vào nhà dân bắt gà để tiêu hủy: Có hành vi lạm quyền - Ảnh 2.

Thạc sỹ, luật sư Đặng Văn Cường

PV: Đối chiếu với các quy định pháp luật, có quy định nào cho phép Đoàn kiểm tra của phường được phép bẻ khóa cổng để vào bắt gà của người dân hay không?

Ths, LS Đặng Văn Cường: Hiện nay không có quy định pháp luật nào cho phép việc đoàn kiểm tra được phép tự ý bẻ khóa cổng nhà dân để lấy tài sản.

Theo như ông Chủ tịch UBND phường 15 lý giải thì Đoàn kiểm tra đang thực hiện theo chỉ đạo trong Chỉ thị 02/2015 của UBND Thành phố càng không hợp lý.

Bởi lẽ, theo nội dung chỉ thị, không có bất kỳ quy định nào cho phép UBND quận, huyện được tự ý bắt gà đi tiêu hủy khi chưa có tình trạng dịch cúm gia cầm bùng phát đe dọa cộng đồng.

Do đó, việc tự ý bẻ khóa vào nhà người dân bắt gà của Đoàn kiểm tra là không đúng quy định pháp luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo quy định tại Điều 124 BLHS.

PV: Có ý kiến cho rằng, hành động của một số cán bộ phường tự ý bẻ khóa cửa và tiêu hủy 9 con gà có dấu hiệu của việc xâm phạm chỗ ở và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Ý kiến của luật sư thế nào?

Ths, LS Đặng Văn Cường: Trong vụ bắt 9 con gà Đông Tảo, lực lượng của địa phương đã tự động bẻ khoá, đột nhập vào nơi ở của công dân mà không có bất kỳ một quyết định khám xét nào thì rõ ràng, họ đã có hành vi xâm phạm chỗ ở trái phép, là hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Bất kỳ lời biện minh nào cũng không thể có giá trị cao hơn pháp luật. Chỉ thị của một địa phương không thể đứng trên luật pháp. Nếu hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng thì những cán bộ đó sẽ bị kỷ luật, xin lỗi và bồi thường cho công dân.

Tôi cho rằng, cán bộ, dân phòng và lực lượng Công an phường tham gia vào việc bẻ khóa nhà anh Đào Tuấn Anh không những thiếu hiểu biết về luật pháp, mà còn có dấu hiệu lạm quyền.

PV: Được biết, anh Đào Tuấn Anh, chủ nhà cho biết sẽ kiện đoàn kiểm tra về việc này, liệu có cơ sở pháp lý không, thưa ông?

Ths, LS Đặng Văn Cường: Việc làm của anh Đào Tuấn Anh là hoàn toàn có cơ sở pháp lý, bởi Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.

Vậy nên việc Đoàn kiểm tra bẻ khóa cổng vào nhà và viện dẫn là có tổ dân phố tham gia chứng kiến là hoàn toàn không đúng.

Dẫu cho hành vi thực thi công vụ của Đoàn kiểm tra là đúng pháp luật thì hành vi cắt khóa nhà người khác là sai.

Việc Đoàn kiểm tra bẻ khoá đột nhập vào nhà khám xét như thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, tội xâm phạm chỗ ở của công dân quy định tại Điều 124 BLHS.

PV: Xin cảm ơn luật sư!

Bẻ khóa xông vào nhà dân bắt gà là quá lạm quyền

"Con gà, con heo, bó rau đều là tài sản. Việc tịch thu tài sản phải có quyết định của các cấp có thẩm quyền. Cần lưu ý, nếu các tài sản nói trên là tang vật của vi phạm hành chính thì trước khi ban hành quyết định hành chính, phải lập biên bản vi phạm hành chính, giữ tang vật. Người vi phạm được quyền giữ một bản. Do vậy, việc đoàn kiểm tra bắt 9 con gà Đông Tảo của người dân là sai", Luật sư Nguyễn Ngọc Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại