Cán bộ mở tài khoản, mua tài sản cá nhân ở nước ngoài, kiểm soát cách nào?

Luân Dũng |

Theo Bộ Nội vụ, việc nghiên cứu các quy định cụ thể liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức mở tài khoản cá nhân và mua tài sản cá nhân đặt ở nước ngoài là cần thiết nhằm góp phần có hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Bộ Nội vụ tiếp thu kiến nghị của cử tri về việc bổ sung quy định “Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không được mở tài khoản cá nhân và mua tài sản cá nhân đặt ở nước ngoài”.

Gửi kiến nghị tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 8, cử tri TP. Đà Nẵng kiến nghị xem xét bổ sung quy định “Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước không được mở tài khoản cá nhân và mua tài sản cá nhân đặt ở nước ngoài” vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức nhằm góp phần có hiệu quả vào công tác Phòng, chống tham nhũng.

Trả lời kiến nghị, Bộ Nội vụ cho biết, tại điều 20, Luật Cán bộ, công chức và khoản 6, điều 19 Luật Viên chức đã quy định về những việc khác mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 đã không sửa đổi, bổ sung nội dung các điều, khoản của 2 Luật nêu trên.

Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc nghiên cứu các quy định cụ thể liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức mở tài khoản cá nhân và mua tài sản cá nhân đặt ở nước ngoài là cần thiết nhằm góp phần có hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Vì vậy, Bộ Nội vụ tổng hợp, tiếp thu ý kiến của cử tri thành phố Đà Nẵng để báo cáo các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cũng liên quan đến việc phòng chống tham nhũng, trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 8, Thanh tra Chính phủ cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng có tăng, nhưng tỷ lệ thu hồi vẫn còn thấp hơn nhiều so với số tài sản bị chiếm đoạt thực tế.

Đặc biệt, đã xuất hiện tình trạng tài sản tham nhũng trong một số vụ án bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. “Đây là vấn đề mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Mặc dù có nhiều tiến bộ so với trước nhưng đúng là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Việc thu hồi tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trường hợp tài sản bị tẩu tán ra nước ngoài”, Thanh tra Chính phủ nhìn nhận.

Một trong những nguyên nhân được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là, tội phạm tham nhũng thuộc nhóm tội có độ ẩn cao cả về hành vi phạm tội và tài sản bị chiếm đoạt.

Kẻ phạm tội luôn có xu hướng che dấu, tẩu tán, hợp pháp hóa những tài sản do tham nhũng mà có, dẫn đến khó khăn cho việc truy tìm, thu hồi tài sản.

Để khắc phục tình trạng trên, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra cho Nhà nước.

Hiện Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập (dự kiến tháng 5/2020 trình Chính phủ), Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (dự kiến tháng 9/2020 trình Thủ tướng Chính phủ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại