Cân bằng quan hệ Mỹ-Trung: Biệt tài ngoại giao ấn tượng của ông Kim Jong-un

Hồng Anh |

Thăm Trung Quốc trước thềm cuộc gặp dự kiến với Tổng thống Donald Trump cho thấy ông Kim Jong-un đang tìm cách cân bằng quan hệ với 2 nước lớn.

Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2018, là một phần trong chiến lược của Bình Nhưỡng nhằm cân bằng quan hệ với hai nước lớn.

Triều Tiên và Trung Quốc – quan hệ không thể tách rời

Trong bối cảnh chương trình hạt nhân của Triều Tiên đạt được nhiều tiến bộ nhanh chóng thời gian gần đây, mối quan hệ giữa nước này với Trung Quốc lại rơi vào sóng gió bởi Bắc Kinh xem năng lực hạt nhân của Bình Nhưỡng là một trong những yếu tố gây bất ổn trong khu vực. Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, sau cuộc gặp Thượng đỉnh lần đầu tiên với nhà lãnh đạo Donald Trump vào tháng 4 năm 2017, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên càng thêm căng thẳng.

Tuy nhiên hồi cuối tháng 3 vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh, chỉ một tháng trước Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4. Chưa đầy 1 tuần sau Hội nghị này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm Triều Tiên trong hai ngày 2 và 3/5.

Hãng tin Sputnik dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng, nỗ lực của Triều Tiên nhằm hàn gắn quan hệ với Trung Quốc khi đang thúc đẩy một cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa và bình thường hóa quan hệ, phù hợp với chiến lược của Triều Tiên trong cân bằng vị thế với các nước lớn.

Paik Hak-soon, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc nhận định: “Triều Tiên muốn độc lập và không quá phụ thuộc vào một quốc gia đơn lẻ nào đó, chẳng hạn như Trung Quốc hoặc Mỹ. Trên thực tế, những cải cách kinh tế trong nước của ông Kim Jong-un đã cho thấy sự thành công đáng kể. Song tôi cho rằng, ông Kim Jong-un – một nhà lãnh đạo trẻ và tài năng vẫn luôn hiểu rằng để phát triển kinh tế một cách toàn diện và tích cực, Triều Tiên cần phải cởi mở với thế giới bên ngoài. Bằng cách này, Triều Tiên mới có thể thu hút được đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng và nền kinh tế. Ý định của Triều Tiên rất rõ ràng. Nước này thấy rằng họ có thể bù đắp sự thiếu hụt ảnh hưởng từ Trung Quốc bằng sự đầu tư của các nước láng giềng khác, trong đó có cả đồng minh của Mỹ.”

Theo chuyên gia Paik Hak-soon, để đạt được mục đích đó, Triều Tiên đang áp dụng các chiến lược tương tự như chiến lược thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Chiến lược tồn tại và phát triển của Triều Tiên trong thế kỷ 21 được hình thành ngay sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991. Chúng ta đều biết rằng, Triều Tiên đã hưởng lợi khi Liên Xô và Trung Quốc đối đầu nhau trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Và bây giờ, Triều Tiên cũng nhận thấy rằng, việc phụ thuộc quá mức vào một nước nào đó sẽ không có lợi cho Triều Tiên. Vì thế lựa chọn cân bằng chính sách là nước cờ tốt nhất”, ông nói.

Nhìn lại lịch sử gắn kết giữa Trung Quốc và Triều Tiên

Cùng với việc huy động quân đội hỗ trợ Triều Tiên trong suốt thời kỳ chiến tranh, Trung Quốc đã liên tục viện trợ kinh tế cho nước Bình Nhưỡng nhằm giúp quốc gia này chống lại các mối đe dọa từ Mỹ. Trong chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hồi tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc và Triều Tiên là “một kho báu” đã được tạo ra và được phát triển bởi những người sáng lập của cả hai quốc gia. Chính sự gắn kết về lịch sử đã giúp cho Triều Tiên và Trung Quốc hàn gắn quan hệ song phương, bất chấp những thay đổi lớn đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.

“Mặc dù quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên có thể căng thẳng tại một thời điểm nào đó, nhưng về bản chất nó không thay đổi. Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều cần có nhau. Trong lịch sử cũng có một giai đoạn hiếm hoi là vào năm 1972, khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên lúc đó vẫn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Cuối cùng Trung Quốc đã chấp nhận một điều kiện do phía Triều Tiên đưa ra liên quan đến Mỹ và đưa vào Thông cáo chung Thượng Hải. Đó là vì Trung Quốc phải tính đến những quan ngại và lo lắng của Triều Tiên đối với sự thay đổi đáng kế trong quan hệ quốc tế. Ngày nay, đó là điều tự nhiên cho cả hai nước để hợp tác với nhau tại thời điểm quan trọng này”, ông Paik Hak-soon nói.

Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Triều Tiên của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có thể mở đường cho chuyến thăm tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Một trong những vấn đề nổi bật trong chuyến thăm Triều Tiên lần này của ông Vương Nghị sẽ là thảo luận về khả năng diễn ra chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Nhìn lại lịch sử, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã từng đến thăm Bình Nhưỡng, gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành, trước khi Thông cáo chung Thượng Hải được đưa ra năm 1972. Và lần này, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tới thăm Bắc Kinh để gặp Chu tịch Tập Cận Bình trước. Vì vậy không có lý do nào để Chủ tịch Tập Cận Bình không tới thăm Bình Nhưỡng nếu Trung Quốc không muốn bị đứng rìa các cuộc đàm phán hòa bình tương lai trên bán đảo Triều Tiên và điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị trí của Trung Quốc.

Các học giả Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm Bình Nhưỡng của ông Tập Cận Bình nhiều khả năng diễn ra sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều: “Ông Tập Cận Bình có thể tới Bình Nhưỡng sau cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump. Nếu điều này xảy ra trước Hội nghị Thượng đỉnh, đó sẽ là một bất lợi vì ông Kim Jong-un chưa sẵn sàng còn ông Trump thì chắc chắn không đồng ý”, Shi Yinhong, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho biết.

Triều Tiên kỳ vọng gì từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều?

Hãng tin CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thuyết phục được nhà lãnh đạo Kim Jong-un tổ chức cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên. Đây là địa điểm thuận lợi nhất về mặt hậu cần cho ông Kim, bởi vì các cơ sở và phương tiện truyền thông đã có sẵn để cho phép cuộc họp thượng đỉnh diễn ra vào cuối tháng 5.

Thực tế, đàm phán Mỹ - Triều sẽ bao gồm nhiều chủ đề rộng lớn và quá trình này thực thi chúng có thể kéo dài nhiều năm đặt trong trường hợp mọi thứ khởi động suôn sẻ. Theo giới quan sát, Triều Tiên có thể đề cập việc dỡ bỏ “vòng kim cô” cấm vận quốc tế vốn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế nước này. Trong các thỏa thuận tại những vòng đàm phán trước mà sau đó đã không thành công, Triều tiên từng đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí đổi lấy viện trợ và cam kết không xâm lược của Mỹ.

Bên cạnh đó, nước này cũng từng nhất trí quay lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân và mời Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đến thanh sát như yêu cầu thường có của quốc tế. Một chủ đề khác có thể đưa ra thảo luận tại cuộc gặp này là thay thế hiệp định đình chiến bằng một hiệp ước hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên “một cách hoàn toàn và không thể đảo ngược” cũng như mong muốn của Triều Tiên về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc không phải là điều có thể thực hiện trong “một sớm một chiều”.

“Tôi cho rằng điều tốt nhất chúng ta có thể hy vọng tại Hội nghị này là một thỏa thuận nhằm mở ra nhiều cuộc đối thoại hơn nữa, trong đó có cả vai trò của Trung Quốc. Chúng ta vẫn cần lạc quan một cách thận trọng”, Ed Griffith, chuyên gia nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương tại Đại học Central Lancashire nhận định.

Ông Ed Griffith cho biết thêm, ông cũng rất ấn tượng với tài ngoại giao của nhà lãnh đạo Kim Jong-un: “Có lẽ chúng ta chưa thật sự đánh giá đúng biệt tài ngoại giao của nhà lãnh đạo Triều Tiên. Từ cuộc gặp của ông Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho thấy ông thực sự biết cách điều chỉnh các mối quan hệ và đã thực hiện một chính sách ngoại giao với kết quả tích cực nhất. Để có được thành công này, ông Kim Jong-un phải rất am hiểu và nhanh nhạy trong các vấn đề quốc tế”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại