Campuchia kiểm tra tất cả người nước ngoài trên toàn quốc

Duy Linh |

Cảnh sát Campuchia đang mở chiến dịch truy quét các hoạt động bất hợp pháp ở nước này, trong đó có trấn áp các nhóm mua bán người và hỗ trợ các nạn nhân chủ yếu là người nước ngoài.

Cơ quan thực thi luật pháp Đài Loan áp giải một nghi phạm đứng sau đường dây lừa đảo người Đài Loan sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" ngày 18-8 - Ảnh chụp màn hình Washington Post

Cơ quan thực thi luật pháp Đài Loan áp giải một nghi phạm đứng sau đường dây lừa đảo người Đài Loan sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao" ngày 18-8 - Ảnh chụp màn hình Washington Post

Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng xác nhận bộ của ông đang mở một cuộc kiểm tra toàn quốc đối với tất cả người nước ngoài sống ở Campuchia, ngoại trừ các nhân viên đại sứ quán.

Nhà chức trách Campuchia sẽ đặc biệt tìm kiếm những người nước ngoài có dấu hiệu là nạn nhân của những kẻ mua bán người, theo Hãng thông tấn AP và báo Washington Post.

Là một phần trong chiến dịch, cảnh sát hai tỉnh Kandal và Sihanoukville đã kiểm tra các khách sạn, sòng bạc và bất động sản cho thuê có người nước ngoài sinh sống.

Ông Kheang Phearum, người phát ngôn của chính quyền tỉnh Sihanoukville, cam kết sẽ truy lùng bằng được những kẻ đứng sau đường dây mua bán người và đưa chúng ra pháp luật.

"Chúng tôi cũng có đường dây nóng bằng tiếng Khmer, tiếng Trung và tiếng Anh để mọi người liên lạc và nhận được phản hồi ngay lập tức. Chúng tôi sẽ giúp đỡ và giải cứu các nạn nhân, bao gồm cả người nước ngoài thuộc mọi quốc tịch", ông Kheang Phearum nói thêm với báo Khmer Times ngày 21-8.

Campuchia kiểm tra tất cả người nước ngoài trên toàn quốc - Ảnh 1.

Một nạn nhân của đường dây mua bán người Indonesia ký vào biên bản sau khi được giải cứu hồi tháng 6-2022 - Ảnh chụp màn hình Khmer Times

Trước đó, theo Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng, tính đến ngày 19-8, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ một số người vì tổ chức mua bán người và đã đưa một vài người tự nhận là nạn nhân vào diện bảo vệ.

Ông Sar Kheng không nói rõ có bao nhiêu người bị bắt hoặc quốc tịch của họ là gì, nhưng có không ít người nước ngoài nói với cảnh sát rằng họ bị thu hút bởi "công việc hợp pháp với mức lương cao" ở Campuchia.

"Tuy nhiên, khi đến Campuchia, họ buộc phải làm việc bất hợp pháp với những công việc không đúng như những gì họ đã đồng ý", ông Sar Kheng nêu thực trạng.

Rất nhiều người là công dân các nước Đông Nam Á đã nghe những lời dụ dỗ "việc nhẹ lương cao" để đến Campuchia làm việc.

Hồi giữa tuần này, chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan đã đề nghị Campuchia hỗ trợ tìm kiếm, giải cứu hơn 330 người Đài Loan bị các nhóm tội phạm dụ đến nước này. Indonesia cũng nằm trong số các nước có công dân bị dụ đến Campuchia và bị bắt làm các việc trái ý muốn.

Theo Khmer Times, hơn 200 người Indonesia dự kiến sẽ được hồi hương trong đầu tuần tới sau khi được giải cứu ở Campuchia.

Trước tình trạng nhiều người Việt Nam bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia, trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia cùng các cơ quan khác ở Việt Nam và Campuchia đã phối hợp tiếp nhận thông tin, xác minh, triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân.

Theo Bộ Ngoại giao, nhờ các biện pháp này mà Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ công dân gặp khó khăn, hoạn nạn và cứu thoát, đưa hơn 500 công dân về nước an toàn cũng như hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại