Camera an ninh nhà dân đã ghi lại được một phần diễn biến của vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên Quốc lộ 45, thuộc xã Tế Thắng (Nông Cống, Thanh Hóa). Theo nội dung đoạn clip ghi lại thì vào thời điểm xảy ra vụ việc, hai nữ sinh chở nhau trên xe đạp điện lưu thông tới trường.
Khi chạy qua đoạn đường phơi thóc, không may bị mất tay lái, hai nữ sinh ngã văng xuống đường. Đúng lúc đó, một xe máy chạy từ phía sau lên đã cán trúng khiến cả hai em phải nhập viện.
Khu vực 2 nữ sinh gặp nạn, người dân có phơi thóc ra ngoài, nhưng ở trong hành lang của rãnh thoát nước trên Quốc lộ 45.
Camera an ninh ghi lại vụ nữ sinh gặp nạn khi chạy xe trên đoạn đường phơi thóc. (Nguồn: Mạng xã hội)
Theo thông tin thì một trong hai nữ sinh đã tử vong, em còn lại bị chấn thương nhẹ và hiện vẫn đang nằm viện để điều trị. Sự việc khiến dư luận không khỏi xót xa và lo lắng về những nguy cơ xảy ra tai nạn trên những đoạn đường được người dân tận dụng phơi thóc.
Theo khoản 3, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép là hành vi bị cấm. Điểm d, khoản 2, điều 35 cũng quy định cấm phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định như sau:
Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ.
Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ.
Do đó, hành vi trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: "buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ".
Ngoài ra, nếu hành vi phơi thóc, lúa, rơm, rạ trên đường bộ có dấu hiệu cấu thành tội cản trở giao thông đường bộ thì người dân có liên quan phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 261 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 73, Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.