Camera sử dụng AI tại biên giới Mỹ có thể phát hiện mục tiêu xa hàng km

Minh Tâm |

Ngày 4/4, tờ The Guardian đưa tin các camera sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại các tháp canh ở biên giới miền Nam nước Mỹ có thể phát hiện các mục tiêu đáng chú ý từ cách xa hàng km. Nhiều ý kiến cho rằng điều này có thể khiến những người di cư bất hợp pháp tìm đường đi vào vùng sa mạc nguy hiểm.

Camera sử dụng AI tại biên giới Mỹ có thể phát hiện mục tiêu xa hàng km - Ảnh 1.

Người di cư Trung Mỹ cố gắng trèo qua hàng rào tại cửa khẩu El Chaparral ở Tijuana, bang Baja California (Mexico) để sang Mỹ. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Báo trên dẫn thông tin của Electronic Frontier Foundation (EFF) - tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi về quyền riêng tư kỹ thuật số - nêu rõ một bản đồ mới cho thấy dọc biên giới Mỹ - Mexico hiện có hơn 300 tháp canh và khoảng 50 tháp khác đang được đề xuất thiết lập.

Những tháp giám sát này do công ty công nghệ quốc phòng Anduril của Mỹ phát triển, hoạt động 24/24 và sử dụng AI để phát hiện các mục tiêu đáng chú ý như con người và phương tiện. Đặc biệt, các camera xoay 360 độ được lắp đặt tại những tháp này có thể xác định người từ cách xa 2,7km.

Những người chỉ trích chiến lược "ngăn chặn bằng cách răn đe" của chính quyền Washington khiến người di cư tìm đường đi qua sa mạc và các vùng núi, từ đó hàng nghìn người có thể mất tích hoặc bỏ mạng trong những hành trình nguy hiểm này. Theo The Guardian, lực lượng biên phòng đã tìm thấy gần 10.000 thi thể người di cư trong 25 năm qua.

Báo trên cũng viện dẫn một nghiên cứu của Đại học Arizona cho thấy các tháp canh biên giới liên quan đáng kể tới tình trạng gia tăng số người di cư thiệt mạng vì họ phải tìm cách đi đường vòng qua sa mạc để tránh bị phát hiện.

Liên quan vấn đề người di cư, ngày 4/4, hàng chục người đã tập trung trước trụ sở của Bộ An ninh Công cộng Canada ở Toronto, gửi kiến nghị Bộ trưởng Marco Mendicino bãi bỏ hiệp ước về tị nạn giữa Canada và Mỹ mang tên Thỏa thuận quốc gia thứ ba an toàn (STCA).

Người đứng đầu Hiệp hội lao động di cư Syed Hassan cho biết ngoài nội dung này, kiến nghị có chữ ký của hàng nghìn người ủng hộ cũng bày tỏ mong muốn chính quyền sở tại xem xét cấp cơ chế thường trú cho tất cả người di cư.

Động thái trên diễn ra sau vụ 8 người di cư chết đuối do tìm cách vượt biên từ Canada sang Mỹ. Trước đó chưa đầy 2 tuần, giới chức trách đã tiến hành sửa đổi hiệp ước STCA vốn có hiệu lực từ năm 2004.

Theo hiệp ước ban đầu, những người xin tị nạn tìm cách vượt biên từ Mỹ vào Canada hoặc ngược lại tại các cửa khẩu sẽ phải quay trở về và nộp đơn xin tị nạn tại quốc gia an toàn đầu tiên mà họ đặt chân tới. Hiệp ước STCA được đánh giá là biện pháp tốt nhất giúp quản lý biên giới trên bộ dài nhất thế giới này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại