Cấm xe máy trong nội đô: Giao thông Hà Nội liệu có thoát tắc?

VƯƠNG TRẦN |

Theo Sở GTVT Hà Nội, người dân Hà Nội có 13 năm để thay đổi thói quen đi lại, khi có được cơ sở hạ tầng tốt thì sẽ dừng hoạt động của xe máy. Bước đầu, thành phố sẽ tiến hành thống kê niên hạn, chủng loại, sau đó sẽ phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy sao cho phù hợp với cơ sở hạ tầng. Liệu đây có phải là “chìa khóa” giúp thủ đô thoát khỏi nạn “ách tắc giao thông”?

Hơn 10 năm chuẩn bị

Theo Sở GTVT Hà Nội, lưu lượng tham gia giao thông thường xuyên tại thủ đô là trên 10 triệu lượt người/ngày.

Tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp với tốc độ đô thị hóa, tỉ lệ quỹ đất dành cho GTVT mới chỉ đạt khoảng 6-7% diện tích đất đô thị.

Mạng lưới đường phân bố không đồng đều, đường trong đô thị thường ngắn và hẹp (trên 70% tuyến đường có mặt cắt <11m) nên khả năng thông qua bị hạn chế.

Bên cạnh đó là sự gia tăng các phương tiện giao thông cá nhân hằng năm là 15%, với ôtô là 7-8%. Mặt khác xe buýt là loại hình vận tải hành khách công cộng duy nhất phát triển và mới đáp ứng được 10% thị phần.

Tình trạng tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Năm 2016, có hơn 40 điểm ùn tắc giao thông, số vụ tai nạn giao thông tính trên đầu các phương tiện luôn ở tỉ lệ cao khiến cho người dân và các nhà quản lý vô cùng bức xúc.

Theo đó, vừa qua Sở GTVT cũng đã đưa ra thông tin, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển giao thông công cộng và giảm dần phương tiện giao thông cá nhân trên một số tuyến đường.

Khi các tuyến đường có phương tiện giao thông công cộng tốt sẽ dừng hẳn một số loại phương tiện lưu thông.

Tại Hội thảo Kế hoạch tổng thể an toàn giao thông cho thủ đô Hà Nội được Sở GTVT Hà Nội, Ban ATGT Hà Nội và Phòng CSGT Hà Nội tổ chức gần đây, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho hay nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Myanmar, Indonesia hay Trung Quốc chỉ đưa ra lộ trình từ 5 đến 10 năm để cấm xe máy.

Người dân Hà Nội có 13 năm để thay đổi thói quen đi lại, khi có được cơ sở hạ tầng tốt thì sẽ dừng hoạt động của xe máy. Điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông tại thủ đô hơn 1.000 năm tuổi.

Xây dựng hệ thống giao thông công cộng

Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ phát triển giao thông công cộng và giảm dần phương tiện giao thông cá nhân trên một số tuyến đường. Khi các tuyến đường có phương tiện giao thông công cộng tốt sẽ dừng hẳn một số loại phương tiện lưu thông.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định cấm xe máy là việc khó. Nhưng với tình hình giao thông ngày càng phức tạp, Hà Nội không thể không làm. Việc làm này sẽ đáp ứng môi trường sống cho nhân dân thủ đô theo tầm nhìn dài hạn.

Các phương án và lộ trình cấm hoạt động của các phương tiện cá nhân sẽ còn được nghiên cứu, bàn bạc kỹ lưỡng.

Hiện nay, Hà Nội đang triển khai đồng bộ một số giải pháp như tập trung xây dựng theo quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị; đầu tư các tuyến buýt nhanh BRT theo quy hoạch.

Xây dựng đề án mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng xe buýt tạo điều kiện để người dân tiếp cận với xe buýt thuận tiện hơn; phát triển mạng lưới điểm đỗ, các điểm giao thông tĩnh để phục vụ kết nối giao thông cá nhân với phương tiện giao thông công cộng…

Theo lộ trình từ nay đến năm 2030, thành phố sẽ tiến hành thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn.

Hà Nội tiến hành phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030.

Đối với ôtô, thành phố sẽ cấm hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Ngoài ra, Hà Nội sẽ lập các khu vực cấm taxi hoạt động vào giờ cao điểm và toàn bộ thời gian trong ngày, các xe taxi ngoại tỉnh sẽ có quy định hoạt động riêng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại