Người đồng tình, kẻ phản đối
Sau vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, Hà Nội lấy đi sinh mạng của 56 người, thì nhiều khu nhà trọ, chung cư mini… tại Hà Nội đã đưa ra khuyến cáo cho các gia đình không sạc xe đạp điện và xe máy điện ở dưới hầm hay cắm sạc qua đêm.
Thông tin này nhận được sự ủng hộ của khá nhiều người, nhưng cũng không ít cá nhân phản đối vì sự bất cập và không thuận tiện... Và cho rằng đây không phải giải pháp cho vấn đề này, mà chỉ là chống chế nhất thời, theo kiểu “không xử lý được thì cấm”!
Theo chị Nguyễn Thị Bình – hiện đang sinh sống tại một khu chung cư mini ở Mỹ Đình, Hà Nội cho biết, dù hiện tại vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra về nguyên nhân cháy xảy ra tại Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội, nhưng nếu được lựa chọn giữa cho sạc và không cho sạc xe điện dưới hầm thì tôi sẽ ủng hộ việc cấm sạc. Vì cũng đã có nhiều vụ cháy xảy ra do liên quan đến xe điện do sạc qua đêm hay không đúng cách. Nó giống như điện thoại, nếu pin bị chai hay phồng rộp thì việc tiếp tục sử dụng và sạc rất dễ gây ra cháy nổ, mà cháy nổ từ pin thì rất sợ và khó dập.
Sạc xe đạp điện, xe máy điện dưới hầm là điều phổ biển ở nhiều chung cư tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)
“Tạm thời, chưa có giải pháp cho vấn đề này thì tôi nghĩ cứ hạn chế được đến đâu hay đến đó, an toàn vẫn là trên hết” – chị Bình chia sẻ.
Cùng quan điểm với chị Bình, anh Nguyễn Văn Nam – CT3B, Mễ Trì, Hà Nội cho biết, hiện khu chung cư của anh sinh sống chưa có thông báo về vấn đề này, tuy nhiên, anh ủng hộ việc không cắm sạc pin xe qua đêm. Vì rủi ro về cháy chập điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chiếc xe không đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật do không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
“Hiện tại trên thị trường xe đạp điện và xe máy điện có rất nhiều chủng loại và nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Những mẫu xe được sản xuất theo tiêu chuẩn và có nguồn gốc rõ ràng thì không đáng lo lắm, nhưng nhiều loại không rõ nguồn gốc xuất xứ thì lại khác vì có thể được độ hay chế rất nguy hiểm về mặt tiêu chuẩn kỹ thuật. Chưa kể sau một thời gian sử dụng sẽ xuống cấp, pin sẽ không đảm bảo khi đó việc cháy chập là hoàn toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, tôi nghĩ các khu chung cư, nhà trọ… nên ra soát các loại xe này để tránh các nguy hiểm về sau” – anh Nam bày tỏ.
Ngoài các ý kiến ủng hộ việc không cắm sạc xe đạp điện và xe máy điện dưới hầm hay qua đêm thì nhiều người lại bày tỏ quan điểm không đồng tình và cho rằng điều này là quá bất cập và thiếu hợp lý.
Như anh Nguyễn Xuân Hữu – sống ở chung cư An Bình City – Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, tuy khu anh chưa có thông tin về vấn đề này nhưng nếu bảo cấm hay hạn chế không cho sạc xe đạp điện và xe máy điện dưới hầm là điều vô lý. "Vì nếu cháy thì xe xăng và xe điện đều như nhau. Không phải chỉ có xe điện mới cháy còn xe xăng thì không. Và cũng không phải cứ sạc pin là có thể gây cháy, nếu như vậy thì nhà sản xuất chả mấy mà đóng cửa nhà máy. Vậy nên chúng ta muốn giải quyết vấn đề này thì cần phải có giải pháp thuyết phục chứ không phải cấm hay hạn chế nhu cầu sử dụng của người dân".
Nhiều người ủng hộ việc không cho sạc pin xe điện dưới hầm nhưng cũng không ít người phản đối. (Ảnh minh họa: Sức khỏe & Đời sống).
Cũng theo anh Hữu, việc sạc xe điện gây mất an toàn thì có nhiều nguyên nhân: Xe kém chất lượng, xe độ chế gây sai tiêu chuẩn kỹ thuật, nguồn sạc không đảm bảo…vì vậy, khi chúng ta sử dụng bất kể món đồ nào cần hiểu về cách sử dụng như vậy mới an toàn. Chứ không phải xe cháy nổ là do sạc hay thậm chí là cắm qua đêm.
Cùng quan điểm như anh Hữu, anh Nguyễn Tuấn Kiên – C6, Mỹ Đình (Hà Nội) cho biết, nếu khu nhà anh mà cấm sạc xe điện dưới hầm vì gây mất an toàn cháy nổ thì anh sẽ kịch liệt phản đối vì thật vô lý. Nếu người dân đi xe điện không được cắm sạc dưới hầm khu mình ở thì cắm ở đâu? Mà người dân mua xe trôi nổi không rõ nguồn gốc thì đã đành, nhưng xe của công ty sản xuất theo các tiểu chuẩn kỹ thuật được cơ quan chức năng phê chuẩn thì sao lại không được sạc? Nếu vậy thì cấm cả ô tô điện sạc dưới hầm?
“Cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đều đang cố gắng chuyển đổi sử dụng nhiên liệu xanh, không phát thải mà giờ lại cấm không cho người dân cắm sạc xe dưới hầm thì phải chăng gây khó và hạn chế việc phát triển. Vì vậy, thay cho việc cấm hay hạn chế thì chúng ta cần có giải pháp để giúp mọi thứ trở nên hợp lý mà vẫn đảm bảo an toàn” – anh Kiên nêu ý kiến.
Chị Nguyễn Thu An – đang sống trong một khu chung cư mini trên phố Phạm Văn Đồng, Hà Nội và có sử dụng xe máy điện chia sẻ, chị cũng nghe một số người nói là đã có nhiều khu trọ hay chung cư mini khuyến cáo không cho người dân sạc pin dưới hầm hay qua đêm để đảm bảo an toàn. Nhưng theo chị thì điều này là không hợp lý và bất cập, vì không phải xe đạp điện hay xe máy điện nào cũng có thể tháo pin ra mang lên trên nhà để sạc, nên nếu không cho sạc dưới hầm thì biết sạc ở đâu? Cũng không thể bê xe lên nhà để sạc vì rất mất công hay thậm chí là không thể do thang bộ và thang máy đều quá bé…
“Nếu không cho sạc dưới hầm thì không nhẽ tôi mua xe điện giờ bỏ không đi hay bán lỗ? Và hiện Bộ GTVT cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; và đến năm 2030 có 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đến năm 2050, có 100% phương tiện giao thông, máy thi công chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh, đồng thời hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Lúc đó thì tính sao hay cũng cấm, hạn chế?” – chị An cho biết.
Tìm giải pháp thay vì các quy định tự phát
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng - Admin cộng đồng xe OTO+, kiêm Tổng Giám đốc Whatcar Việt Nam chia sẻ, nếu ở khu nhà trọ hay chung cư mini nào cấm không cho sạc xe đạp điện hay xe máy điện dưới hầm thì quả thật là “vớ vẩn”. Vì cả thế giới đang khuyến khích sử dụng xe năng lượng sạch như xe điện thì việc sạc ở đâu đều có thể. Còn về việc an toàn hay không thì phải đánh giá ở nhiều khía cạnh.
Thứ nhất, hệ thống lưới điện và sạc cho xe phải đảm bảo kỹ thuật, đủ tải. Thứ hai, xe phải đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất không được độ, chế. Thứ 3, dù xe máy xăng hay điện thì đều phải được bảo dưỡng định kỳ vì như vậy mới đánh giá được mức độ an toàn của các bộ phận và chiếc xe nói chung.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Admin cộng đồng xe OTO+, kiêm Tổng Giám đốc Whatcar Việt Nam (Ảnh: NVCC)
“Theo tôi, một chiếc xe đúng tiêu chuẩn kỹ thuật do nhà máy sản xuất và xuất xưởng thì việc sạc ở đâu cũng an toàn. Tuy nhiên, trước khi cắm sạc thì người sử dụng nên xem nguồn điện và địa điểm sạc có đảm bảo an toàn. Thay vì việc cấm sạc dưới hầm thì những người quản lý chung cư, nhà trọ nên quy định khu vực sạc cho xe điện, ra soát các xe điện có đảm bảo tiêu chuẩn hay xe quá cũ, nát… thiếu an toàn” – ông Thắng cho biết.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng cũng khuyến cáo, để hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất thì người sử dụng xe điện cũng không nên cắm sạc xe qua đêm vì nếu không có hệ thống tự ngắt nguồn điện khi được sạc đầy, pin sẽ bị quá tải do một lượng điện lớn được nạp suốt đêm. Dễ gây tình trạng chai pin, phồng pin, dễ bị hỏng hoặc thậm chí là gây cháy nổ.
Là chủ một tòa nhà cho thuê tại Mễ Trì, Hà Nội – anh Nguyễn Mạnh Tuấn chia sẻ, việc cấm người thuê nhà sạc xe điện dưới hầm là điều không thể vì như vậy chẳng khác gì đuổi khách nếu người ta có nhu cầu. Là người cung cấp dịch vụ ta phải đáp ưng các yêu cầu của khách. Nên thay vì hạn chế, cấm thì các chủ nhà trọ, chung cư mini… nên đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy đầu tiên. Vì cháy sẽ có nhiều nguyên nhân chứ không phải do sạc pin xe điện. Còn nếu người thuê sử dụng xe điện và cần chỗ sạc thì nên bố trí khu vực riêng, thường xuyên có người qua lại hay camera theo dõi. Đồng thời, khu vực sạc phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật để không bị quá tải gây mất an toàn.
Nhiều khu chung cư quy định khu vực sạc riêng cho xe đạp điện và xe máy điện
“Hiện tại khu nhà tôi xây dựng đều đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn phòng cháy chữa cháy, các gia đình thuê cũng có người sử dụng xe điện nên tôi phải bố trí một khu vực riêng, đường dây riêng…nhằm đảm bảo an toàn, tránh chập cháy do quá tải. Ngoài ra, sau 22h thì khu vực này cũng sẽ bị ngắt điện để đảm bảo an toàn. Đồng thời, xe của gia đình nào nếu nhìn quá cũ thì tôi đều khuyên nên đi kiểm tra, hoặc yêu cầu cắm sạc lúc còn sớm hoặc có người theo dõi” – anh Tuấn cho biết.
Trong khi đó, với vai trò là một người quản lý cả một khu chung cư tại Cầu Diễn, Hà Nội – chị Nguyễn Thị Xuân Anh cho biết, khu chị đang làm quản lý có rất nhiều người sử dụng xe đạp điện và xe máy điện nên việc không cho cắm sạc dưới hầm hay sạc qua đêm rất khó. Không thể tự ý đưa ra quy định và áp đặt cho người dân sinh sống tại đây được.
Các khu chung cư cũng đã loại bỏ các ổ cắm dưới hầm để tránh việc sạc pin sai khu vực quy định
Thay vào đó, chị cho bố trí khu vực riêng để sạc cho xe đạp điện và xe máy điện. Đây là khu cách xa các loại xe máy xăng, ô tô và đặc biệt là gần với chốt bảo vệ 24/24. Đồng thời, tiến tới, các khu vực sạc sẽ có công tắc điều khiển tắt mở theo giờ. Sau 22h đêm các ổ điện khu vực sạc sẽ bị cắt điện và mở lại từ 6h sáng hôm sau. Còn nếu ai có nhu cầu sạc qua đêm thì phải thông báo cho ban quan lý hoặc đội ngũ bảo vệ trực đêm hôm đó để theo dõi.