Con tàu treo cờ Hồng Kông - được công ty Đài Loan Bunker Group thuê - ghé cảng Yeosu của Hàn Quốc hôm 11-10 để nạp dầu tinh chế của Nhật. Tuy nhiên, thay vì tới Đài Loan như kế hoạch, tàu Lighthouse Winmore chuyển dầu sang tàu Triều Tiên Sam Jong 2 và 3 con tàu khác (không phải của Triều Tiên) ở vùng biển quốc tế hôm 19-10. Đến ngày 24-11, tàu Lighthouse Winmore trở lại cảng Yeosu và bị hải quan Hàn Quốc kiểm tra.
Một ngày trước đó, UNSC cấm cập cảng toàn cầu đối với 4 tàu Triều Tiên tình nghi vận chuyển hàng hóa bị cấm theo lệnh trừng phạt. Lệnh cấm 4 tàu nói trên - gồm Ul Ji Bong 6, Rung Ra 2, Sam Jong 2 và Rye Song Gang 1 - do Mỹ đề xuất. Cùng ngày 28-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự thất vọng trước cáo buộc Trung Quốc tuồn dầu trái phép cho Triều Tiên.
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) trong tuần này trích nguồn tin chính phủ cho hay vệ tinh do thám của Mỹ phát hiện tàu Trung Quốc chuyển dầu cho các tàu của Triều Tiên khoảng 30 lần kể từ tháng 10. Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận.
Trong cuộc phỏng vấn báo The New York Times, ông chủ Nhà Trắng ẩn ý: "Tôi nhẹ tay với Trung Quốc bởi điều quan trọng nhất với tôi hơn cả thương mại chính là chiến tranh (...). Năm ngoái, chúng ta thâm hụt thương mại với Trung Quốc ít nhất là 350 tỉ USD, đó là chưa kể nạn đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá thêm 300 tỉ USD nữa. Nếu họ hỗ trợ trong vấn đề Triều Tiên, tôi có thể xem vấn đề thương mại khác đi một chút. Nhưng khi dầu vẫn vào được Triều Tiên, tôi không thấy thoải mái".
Tuy nhiên, các chuyên gia nói với đài CNN rằng chưa chắc lệnh cấm vận dầu có tác dụng trong việc cản trở chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Một số nghiên cứu cho rằng Triều Tiên có thể cắt giảm lượng dầu sử dụng trong các lĩnh vực phi quân sự để bảo đảm quân đội không bị ảnh hưởng trong tương lai gần.
Đó là chưa kể quân đội Triều Tiên có thể sở hữu kho dự trữ dầu đáng kể. Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng Triều Tiên đã đạt được công nghệ thay thế dầu bằng các nguồn hydrocarbon tự sản xuất.
Hơn nữa, Triều Tiên đang chạy nước rút để hoàn thiện năng lực răn đe hạt nhân, tức họ đang bước sang giai đoạn mà lệnh cấm vận nhiên liệu khó lòng kiềm chế được nữa. Ngược lại, việc hạn chế nguồn cung dầu có khả năng củng cố thêm quyết tâm chính trị của Bình Nhưỡng nhằm đạt được vũ khí hạt nhân.
Theo đài CNN, nhiều nước hiểu được những điều trên song vẫn ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới nhất với hy vọng thiếu hụt nhiên liệu có thể làm bất ổn chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng nếu đúng vậy, sẽ nảy sinh câu hỏi thứ hai: Liệu thế giới đã sẵn sàng đối phó với một Triều Tiên hỗn loạn?