Cấm tua công tơ mét: Quản cách nào?

Quách Đồng/VOV-Giao thông |

Tại dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được đưa ra lấy ý kiến, Bộ Công an đã đề xuất việc cấm tua công tơ mét để đảm bảo tình trạng kỹ thuật của phương tiện. Với thực tế hiện nay, điều này có thể thực hiện được không?

Nếu người sử dụng không vào hãng, mà thực hiện sửa chữa, bảo dưỡng tại các gara bên ngoài thì giám sát việc này thế nào? Phóng viên VOV Giao thông đối thoại với TS. Trần Trọng Tuấn, Trường Đại học Công nghệ GTVT xung quanh nội dung này.

PV: Thưa ông, dự thảo Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông có đề xuất việc cấm tua công tơ mét. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

TS. Trần Trọng Tuấn: Tôi rất đồng tình trong việc kiểm soát chặt chẽ, thậm chí là chúng ta phải đưa đến các quy định về pháp luật, trong đó có Luật An toàn giao thông đường bộ vì tình trạng kỹ thuật của động cơ hoặc của phương tiện nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, trong đó có tuổi đời, cũng như số ki-lô-mét di chuyển của xe. Nếu chúng ta kiểm soát cái này thì sẽ có rất nhiều lợi ích.

Cấm tua công tơ mét: Quản cách nào? - Ảnh 1.

Nhân viên Trung tâm đăng kiểm 50-05V (quận Tân Bình, TP.HCM) kiểm tra thông số an toàn kỹ thuật của xe vào đăng kiểm - Ảnh: Tuổi trẻ.

Thông qua việc kiểm soát số ki-lô-mét di chuyển thì người ta sẽ kiểm soát được công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên của phương tiện, thông qua đó thì nó sẽ nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cũng như là các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường của phương tiện. Do đó thì sẽ giảm được các tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường.

PV: Nhưng với thực trạng như hiện nay thì có thể kiểm soát được việc tua công tơ mét hay không và theo ông thì kiểm soát bàng cách nào?

TS. Trần Trọng Tuấn: Với thực trạng hiện nay thì việc kiểm soát cái công tơ mét thì sẽ rất khó vì trước đó chúng ta cũng chưa có luật hoặc các quy định gì cả và với một người dân sử dụng bình thường thì sẽ không có cách nào biết được là xe có bị tua công tơ mét hay không và xe bị tua đi bao nhiêu.

Trừ khi chúng ta phải thường xuyên bảo dưỡng trong hãng có lịch sử bất kỳ ở từng cấp độ bảo dưỡng cấp 1 cấp 2 cấp 3 thì sẽ được lưu lại trong hãng hoặc là ở một số phương tiện đời mới hiện nay thì hãng người ta sẽ có các chip, người ta sẽ lưu lại số ki-lô mét di chuyển được.

PV: Nếu như chủ xe, người sử dụng xe mà họ bảo dưỡng, sửa chữa ở các gara bên ngoài và thậm chí họ thực hiện việc tua công tơ mét ở bên ngoài thì chúng ta kiểm soát bằng cách nào?

TS. Trần Trọng Tuấn: Cái này thì rất là khó, đặc biệt là với các nhóm xe đã qua sử dụng hoặc là nhóm xe có tuổi đời lâu thì công tơ mét sử dụng cơ khí là chính nên việc thực hiện tua này người ta không giám sát được. Còn với các xe hiện đại ngày nay như tôi vừa nói ở trên thì kiểm soát nó sẽ dễ dàng hơn một chút khi chúng ta có các quy định của pháp luật.

PV: Vậy việc chúng ta đặt ra yêu cầu cấm tua công tơ mét thì để thực hiện được theo ông đòi hỏi những điều kiện gì, quy định như thế nào?

TS. Trần Trọng Tuấn: Thứ nhất là chúng ta phải có quy định của pháp luật, quy định cụ thể trách nhiệm của từng bên, người sử dụng, rồi các gara bảo dưỡng, sửa chữa, rồi của hãng trong việc đảm bảo tính đúng đắn của số ki lô mét xe di chuyển và cái cách để chúng ta kiểm tra cái đấy một cách rất rõ ràng, ví dụ thông qua các thiết bị chẩn đoán, hoặc là người sử dụng bình thường cũng có thể kiểm tra được.

Thứ hai là chúng ta cũng cần phải có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp các phương tiện này, sẵn sàng chia sẻ các nguồn dữ liệu hoặc các phương pháp để kiểm tra, đánh giá những cái đấy thì chúng ta mới có cơ sở được.

Thứ ba nữa là chúng ta cũng cần phải tuyên truyền nâng cao ý thức của người sử dụng, các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa hoặc các ga ra.

Thứ tư, một số nước phát triển người ta quy định rất rõ ràng các cơ sở được phép sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện khi chúng ta đi đăng kiểm, chứ không phải chúng ta cứ thích mang vào một cái gara nào cũng được.

Các cơ sở này sẽ gắn liền với vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo tình trạng kỹ thuật của phương tiện, cũng như tính đúng đắn về tình trạng kỹ thuật của phương tiện được hiển thị trên màn hình của chúng ta.

PV: Đó là những điều kiện tiên quyết, nhưng với điều kiện hiện nay thì đưa ra quy định đó và không có chế tài hoặc quy định để ràng buộc cơ chế đặc thù rất khó các quy định mà khó thực thi như thế.

TS. Trần Trọng Tuấn: Chúng ta chưa có các quy định thì chúng ta cảm thấy việc này rất là khó. Nhưng bây giờ chúng ta phải đưa ra các quy định cụ thể cho từng bên, của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, của người sử dụng, hoặc là của các đơn vị bảo dưỡng, sửa chữa… quy định pháp luật rõ ràng trong việc đảm bảo tính đúng đắn của các chỉ số liên quan đến cái đánh giá chất lượng, hay tình trạng kỹ thuật của phương tiện, trong đó có chỉ số công tơ mét.

Khi chúng ta có quy định rồi thì các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, hoặc là các trung tâm sửa chữa người ta sẽ phải sẵn sàng tuân thủ thôi. Khi chúng ta đưa ra các quy định đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp cũng sẽ có các biện pháp đảm bảo được các các trung tâm sửa chữa khó có thể can thiệp vào các chỉ số này.

PV: Xin cảm ơn ông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại