Một ngày đầu tháng 3, anh Đỗ Vũ ở Quảng Nam chụp khoảnh khắc người mẹ tóc bạc trắng đút từng muỗng cơm cho con trai ăn ở di sản Chùa Cầu khiến nhiều người cảm động.
Điều đặc biệt, người con trai ấy đã 59 tuổi chứ không còn là một em bé. Vừa đút cơm, người mẹ vừa cười vỗ về, dỗ dành để con ăn được no bụng.
Anh Vũ chia sẻ: “Tôi tình cờ đi qua Chùa Cầu, thấy hình ảnh người mẹ đã lớn tuổi vừa dỗ dành vừa cho con trai hơn 50 tuổi ăn, quá đỗi cảm động về tình mẫu tử nên mượn máy bạn chụp vài tấm.
Nhìn hai mẹ con mà tôi cũng nghèn nghẹn, rơi nước mắt…”
Để tìm hiểu câu chuyện đằng sau tấm ảnh đó, chúng tôi đã đến Chùa Cầu để hỏi thăm.
Anh Hồ Quốc Đạt - một người dân sống ở phố cổ Hội An cho hay, đã mấy chục năm qua, người dân và khách du lịch đã quá quen thuộc với hình ảnh người đàn ông được mẹ cho ăn ở Chùa Cầu.
Cả hai mẹ con như một “di sản về tình mẫu tử” khiến bao người rơi lệ vì cảm động.
Theo anh Đạt, người mẹ đó tên là Quý, còn người con trai tên Tùng, nhà ở phường Minh An, TP Hội An.
Lần theo địa chỉ anh Đạt cung cấp, chúng tôi cũng đã tìm được người mẹ già và con trai trong câu chuyện.
Bà Quý nở nụ cười rạng rỡ chào đón chúng tôi và nói: “Mọi người quen gọi tôi tên Quý nhưng tôi tên thật là Ngô Thị Dy, năm nay đã 82 tuổi, còn người con trai của tôi tên Trần Thành Tùng, 59 tuổi…”
Theo lời bà Dy, bà lấy chồng năm 20 tuổi, sinh được 8 người con. Tùng là con trai thứ 5 trong nhà và cũng là người kém may mắn nhất, anh không được bình thường từ khi chào đời.
“Khi tôi sinh thằng Tùng, bác sĩ bảo con bị nhiễm chất độc da cam. Mặc dù cơ thể không khiếm khuyết gì nhưng đầu óc lú lẫn, ngờ nghệch như trẻ lên 5. Tôi đã chăm lo cho con từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh hơn 50 năm qua”, bà Dy tâm sự.
Khi Tùng đến tuổi biết đi thì bắt đầu chạy quanh xóm làng, phố cổ Hội An để chơi. Mỗi lần đi như vậy, bà Dy phải đi tìm để đút cơm cho ăn vì sợ con đói lả.
Chị Chinh - người hàng xóm bà Dy chia sẻ: “Hơn 50 năm qua, người dân phố cổ Hội An đã quá quen thuộc với hình ảnh bà Dy nấu cơm rồi đùm vào tô, cột chặng miệng, bỏ vào giỏ rồi đi tìm anh Tùng.
Trời nắng hay trời mưa, khắp các ngõ ngách bà Dy đều tìm hỏi thăm cho được anh Tùng đang chơi ở đâu để cho ăn từng muỗng cơm, ly nước”.
Khi chúng tôi đưa tấm ảnh bà Dy đang đút cơm cho anh Tùng ăn trước di sản Chùa Cầu, bà Dy nở nụ cười, chỉ vào hình rồi nói: “Tôi đó, con trai tôi nữa đó, hơn 50 năm qua tôi đều cho con ăn như thế!
Tôi thương con nên không muốn con bị đói, dù sao cũng phải tìm được con cho ăn no mới yên lòng về lại nhà”, bà Dy bùi lòng nói.
Theo bà Dy, chồng bà mất cách đây đã 20 năm, hiện tại bà sống một mình, 7 người con còn lại đã lập gia đình ở riêng.
Niềm lo lắng tuổi xế chiều của bà là khi bà mất đi sẽ không ai “cho thằng Tùng được miếng no” khi mải rong chơi nơi phố Hội.
“Tôi chỉ mong sức khỏe mình được tốt để lo chăm lo cho con trai. Khi nào tôi mất đi, tôi sẽ để tài sản lại cho các con.
Tôi muốn các con yêu thương nhau, lo lắng cho anh trai là thằng Tùng được tốt để tôi nhắm mắt cũng yên lòng nơi chín suối”, bà Dy tâm niệm.