Cấm địa phương nhận xe DN tặng: Củng cố niềm tin về Chính phủ liêm chính

N. Huyền (thực hiện) |

Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch; tạo lập sự công bằng, bình đẳng trong xã hội, cần nghiêm cấm các cơ quan công quyền nhận quà tặng có giá trị của các DN, chủ thể do mình phụ trách, vào mục đích sử dụng cho cơ quan hoặc các cá nhân.

ĐBQH - PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân) trả lời phóng viên Báo Infonet nhấn mạnh: Không chỉ tôi mà đông đảo người dân đều đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng cương quyết chỉ đạo “địa phương không nhận ô tô doanh nghiệp tặng".

Infonet: Dưới góc nhìn của một người giảng dạy, nghiên cứu về quản lý về kinh tế, ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền thông qua việc tặng xe tiền tỷ?

ĐBQH - PGS. TS Hoàng Văn Cường: Bản chất các hoạt động của doanh nghiệp là luôn hướng tới mục tiêu lợi nhuận; trong khi đó Chính quyền là người thực thi pháp luật, có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các qui định pháp luật của đối tượng quản lý, trong đó có doanh nghiệp.

Do vậy việc doanh nghiệp tặng xe ô tô tiền tỉ cho chính quyền – người mình đang phải chịu sự quản lý và giám sát, rõ ràng có mục tiêu mưu cầu lợi ích, còn chính quyền đã dùng quyền năng của mình để nhận được lợi ích là chiếc xe ô tô tiền tỷ.

Như vậy, việc doanh nghiệp tặng xe cho chính quyền chỉ là hình thức che đậy cho một sự thỏa thuận ngầm trong mối quan hệ về lợi ích kinh tế.

Theo qui định pháp luật hiện hành, các khoản kinh phí của doanh nghiệp mang cho tặng, tài trợ đều được tính vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp và được khấu trừ thuế.

Như vậy, khi doanh nghiệp dùng tiền lợi nhuận mua xe sang tặng cho chính quyền thì đã làm thất thu phần thuế thu nhập doanh nghiệp đáng ra phải nộp cho nhà nước tương đương với phần thu nhập của doanh nghiệp dành để mua chiếc xe đó.

Theo qui định về tiêu chuẩn và định mức sử dụng xe ô tô, khi cơ quan chính quyền đã đủ số lượng xe theo qui định hoặc giá trị chiếc xe được tặng cao hơn tiêu chuẩn xe được sử dụng thì những chiếc xe được tặng đó sẽ vẫn là xe tư không được đăng ký thành xe công và tài sản công.

Do vậy, những chiếc xe này rất có thể được sử dụng tùy tiện, không dùng vào các hoạt động công mà có thể nhằm mục đích phục vụ tư và sử dụng như xe cá nhân của một vị nào nào đó trong bộ máy công quyền.

Infonet: Với tư cách là ĐBQH, ông có nhận được dư luận của người dân về hành động này của doanh nghiệp hay không? Theo ông, người dân cho rằng việc làm này vô tình tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp trên địa bàn là có cơ sở?

ĐBQH - PGS. TS Hoàng Văn Cường: Nhiều người dân tỏ ra ngạc nhiên, bất ngờ khi thấy cơ quan chính quyền lại nhận quà tặng tiền tỉ của doanh nghiệp!

Mặc dù không có bằng chứng nào về sự thỏa thuận hoặc không có sự thỏa thuận rõ ràng giữa chính quyền và doanh nghiệp trong quan hệ cho – nhận xe tiền tỉ nhưng hiển nhiên rằng việc cho – nhận đó ít nhất đã tạo nên một quan hệ thân hữu và từ đó sẽ dần dần phát sinh các quan hệ lợi ích qua lại.

Đương nhiên rằng, các doanh nghiệp có quan hệ thân hữu nhận được các ưu ái và nắm bắt được các cơ hội thì đồng thời làm mất đi cơ hội cho các doanh nghiệp không có được lợi thế do không có mối quan hệ thân hữu.

Infonet: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “địa phương không được nhận ô tô do doanh nghiệp tặng”, ông cảm nhận như thế nào về việc này?

ĐBQH - PGS. TS Hoàng Văn Cường: Không chỉ tôi mà đông đảo người dân đều rất đồng tình, ủng hộ khi Thủ tướng chỉ đạo “các địa phương không được nhận ô tô do doanh nghiệp tặng”.

Qua sự việc này, một lần nữa củng cố thêm niềm tin của nhân dân đối với quyết tâm của Thủ tướng từ tuyên bố đến hành động xây dựng Chính phủ liêm chính, minh bạch.

Mỗi người dân chúng ta đã đặt niềm tin vào quyết tâm của Thủ tướng thì hãy cùng hành động phát hiện, vạch trần những tiêu cực, khuất tất đang tồn tại đâu đó trong bộ máy công quyền, cùng lên án những thế lực cản trở để góp phần cùng Chính phủ xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo – nền tảng của một xã hội công bằng, bình đẳng và phát triển.

Infonet: Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ lần lượt Đà Nẵng, Cà Mau đã có động thái trả lại xe cho doanh nghiệp. Ông có tin rằng, sau Cà Mau, Đà Nẵng sẽ là nhiều địa phương, bộ, ngành khác... tự nguyện trả lại xe không?

ĐBQH - PGS. TS Hoàng Văn Cường: Tôi tin rằng không chỉ có Cà Mau và Đà Nẵng mà còn nhiều địa phương và bộ ngành đã nhận xe tặng của các doanh nghiệp.

Đương nhiên rằng những địa phương, bộ ngành nào đã nhận xe thì phải trả chứ không phải là có nên trả hay không!

Mặc dù về phía doanh nghiệp tặng xe cho chính quyền là không vi phạm luật nhưng cơ quan công quyền nhận quà tặng của doanh nghiệp thuộc phạm vi mình phụ trách là không liêm chính, thiếu minh bạch; nếu có bằng chứng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp tặng thì còn phạm tội tham nhũng.

Vì vậy, không chỉ là xe ô tô mà tất cả những quà tặng có giá trị đã nhận của doanh nghiệp thuộc phạm vi phụ trách đều phải trả.

Nếu vì trách nhiệm xã hội, các doanh nghiệp có thể tặng tiền, tài sản cho các hoạt động xã hội từ thiện, cho y tế, giáo dục hoặc các hoạt động trợ giúp các đối tượng yếu thế.

Infonet: Vậy với tư cách là một nhà kinh tế, vừa là một ĐBQH ông có “hiến kế” gì cho Chính phủ nhằm ngăn ngừa tình trạng này?

ĐBQH - PGS. TS Hoàng Văn Cường: Việc này không chỉ làm xấu hình ảnh của các cơ quan công quyền, làm hoen ố thanh danh của bộ máy nhà nước mà là một hình thức che đậy, biến tướng của tham nhũng, hối lộ.

Do vậy, để xây dựng một Chính phủ liêm chính, minh bạch; tạo lập sự công bằng, bình đẳng trong xã hội thì Chính phủ cần nghiêm cấm các cơ quan công quyền nhận quà tặng có giá trị của các doanh nghiệp hoặc chủ thể thuộc phạm vi phụ trách vào mục đích sử dụng cho cơ quan hoặc các cá nhân trong cơ quan.

Nếu vi phạm sẽ áp dụng xử lý như đưa, nhận hối lộ, tham nhũng.

Infonet: Xin cảm ơn ông!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại