Cảm biến sinh học phát hiện nước ô nhiễm của nhóm nghiên cứu Việt

Nhật Phong |

Sau khi tìm hiểu các công nghệ có thể ứng dụng cho mục tiêu cảnh báo sớm ô nhiễm nguồn nước, TS Phương nhận ra cảm biến sinh học có thể là một giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Phát hiện nhanh nguồn nước ô nhiễm giúp đời sống người dân an toàn hơn.

Phát hiện nhanh nguồn nước ô nhiễm giúp đời sống người dân an toàn hơn.

TS Phương cùng các cộng sự Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa nhận được tin vui là công trình "A novel biosensing system for rapid estimation of BOD5 and sensitive detection of toxicity in water (BODTOX)" (dùng cảm biến sinh học để phát hiện môi trường nước ô nhiễm) đã xuất sắc giành giải thưởng Best Innovation Award của Quỹ Hitachi Global Foundation.

TS Phạm Thị Thùy Phương cho biết, ý định phát triển thiết bị có khả năng xác định nhanh mức độ ô nhiễm nước đã được cả nhóm ấp ủ từ năm 2016 khi những sự cố về cá chết hàng loạt liên tục xảy ra trên khắp các tỉnh, thành Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu các công nghệ có thể ứng dụng cho mục tiêu cảnh báo sớm ô nhiễm nguồn nước, TS Phương nhận ra cảm biến sinh học có thể là một giải pháp phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Năm 2017, với nguồn tài trợ đầu tiên trị giá 30 nghìn yên từ Quỹ KURITA-AIT dành cho các nghiên cứu về nước, TS Phương đã có được kinh phí, tuy không lớn nhưng cũng đủ để mua sắm một số hóa chất, thiết bị cơ bản để bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng của mình.

Với mục tiêu tạo ra sản phẩm công nghệ có khả năng ứng dụng cao, nhóm nghiên cứu đã chọn đi một con đường riêng, không trùng lặp với những nghiên cứu về cảm biến sinh học hiện đang được tiến hành trên thế giới.

Không chọn hướng nghiên cứu phát triển cảm biến sinh học (biosensor), vốn yêu cầu các thiết bị nghiên cứu đắt tiền cũng như phòng thí nghiệm đạt chuẩn, nhóm đã tập trung phát triển hệ thiết bị hoàn chỉnh với nguyên lý đo mới và thiết bị phản ứng sinh học (bioreactor) mới kết hợp với cảm biến thông thường.

Hướng tiếp cận này được kỳ vọng sẽ giúp nhóm phát triển được các cảm biến sinh học có thể được chế tạo hàng loạt với giá thành thấp và nguồn nguyên vật liệu có sẵn trong nước.

Ý tưởng về nguyên lý đo bán liên tục do kĩ sư Nguyễn Phúc Hoàng Duy đề xuất đã đem lại nhiều ưu điểm cho công nghệ BODTOX so với phương pháp đo liên tục hoặc theo mẻ như các nghiên cứu và hệ cảm biến sinh học thương mại hiện tại đang phát triển: Chỉ cần sử dụng một cảm biến oxy hòa tan có thể xác định được cả oxy đầu vào và đầu ra; đồng thời có thể rút ngắn thời gian đo (so với phương pháp liên tục) và có thể xác định theo thời gian thực (so với phương pháp theo mẻ).

Tuy nhiên, phải chờ đến năm 2018, khi nhóm nghiên cứu nhận được nguồn tài trợ từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho đề tài độc lập cấp Viện Hàn lâm "Nghiên cứu chế tạo cảm biến sinh học ứng dụng trong phân tích nhanh và liên tục nhu cầu oxy sinh hóa (BOD)" mã số VAST07.01/19-20, hệ thiết bị hoàn chỉnh mới được hiện thực hóa.

TS Phạm Thị Thùy Phương cho hay, những ngày sau đó là chuỗi thử nghiệm gian nan để tìm ra được quy trình chế tạo giá thể, nuôi cấy và cố định vi sinh, và quan trọng là quy trình đo sao cho kết quả thu nhận được từ thiết bị trùng khớp với kết quả đo bằng phương pháp xác định BOD5 truyền thống.

Hai năm thực hiện đề tài, nhóm đã đạt được một số thành công nhất định như đã chế tạo được hệ thiết bị đơn giản, rẻ tiền cho thời gian đo chỉ 10 phút, có khả năng xác định nhanh BOD5 trong nước thải thủy sản và nước kênh rạch trong nội thành TPHCM với hệ số biến thiên lớn nhất là < 10% (với phương pháp đo BOD5 truyền thống < 20%) và không có sự khác biệt về mặt thống kê giữa hai phép đo khi sử dụng nước thải mô hình theo công thức từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) làm dung dịch chuẩn.

Để công nghệ này có thể triển khai ứng dụng vào thực tế, độ chính xác so với phương pháp đo BOD5 truyền thống cần được nghiên cứu thêm trên nhiều loại nước thải thực khác nhau cũng như khả năng xác định độc tính trong nước chứa các loại độc tố khác nhau.

May mắn là nhóm nghiên cứu lại tiếp tục nhận được sự hỗ trợ kinh phí từ Quỹ NAFOSTED dành cho đề tài nghiên cứu ứng dụng "Nghiên cứu phát triển phương pháp và thiết bị đơn giản, chi phí thấp ứng dụng trong phân tích trực tuyến nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5)", mã số: NCUD.02-2019.52 ngay trong năm đầu tiên chương trình được khởi động.

Nhờ nguồn tài trợ này, nhóm đã tiếp tục thực hiện những nội dung nghiên cứu phát triển tiếp theo nhằm hoàn thiện công nghệ BODTOX.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại