Cái khó của Trung Quốc ở sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trong tháng 5 tới, Trung Quốc sẽ tổ chức sự kiện ngoại giao lớn nhất năm nay đối với nước này là hội nghị về sáng kiến "Một vành đai, một con đường" (One Belt, One Road - OBOR).

OBOR được Trung Quốc đưa ra nhân dịp Hội nghị cấp cao của APEC tại Bắc Kinh cuối năm 2014.

"Một vành đai" là Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa (SREB) - được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á từ bờ biển Thái Bình Dương tới biển Baltic. "Một con đường" là Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI (MSR). Chúng còn được gọi chung là Những con đường Tơ lụa mới.

Cụm từ Con đường Tơ lụa được sử dụng ở đây không đơn giản chỉ biểu hiện nguồn gốc ý tưởng ở xa xưa trong quá khứ lịch sử mà còn là ước vọng khai phá và tham vọng dẫn dắt.

Từ đó cho tới nay, Trung Quốc kiên định theo đuổi ý tưởng này và cũng đã có được kết quả ban đầu cụ thể như Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan, nhưng vẫn còn rất ít ỏi, chưa thể đủ để đem lại cho ý tưởng cao xa này của Trung Quốc bước tiến mang tính quyết định, bước chuyển thật sự rõ nét về tính khả thi, chưa có được đủ mức về tính hấp dẫn và lôi kéo để đối tác xa gần chuyển hẳn từ chỉ để ý đến sang nhận thức rằng cần thiết phải tham gia.

Cũng chính vì thế mà hội nghị sắp tới về OBOR có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc nói chung và đối với số phận tương lai của OBOR nói riêng.

Cái khó của Trung Quốc ở sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm - Ảnh 1.

Ở Trung Quốc, OBOR là một trong những biểu trưng cho "Thời đại Tập Cận Bình" (Ảnh: douban.com)

Theo Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, sẽ có đại diện của khoảng 110 quốc gia trên thế giới tham dự hội nghị. Về số lượng tuyệt đối mà nói thì như thế rất cao. Sự tham gia đông đảo là một trong những tiêu chí hàng đầu để đảm bảo cho hội nghị có thể thành công, nhưng mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải là đủ.

Cũng theo lời ông Vương Nghị, sẽ có 28 vị đứng đầu nhà nước và chính phủ trong số 110 nước này tới Bắc Kinh, trong đó có Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni thuộc các nước thành viên của Nhóm G8 trước đây và G7 hiện tại, ngoài ra có lãnh đạo của nhiều nước thành viên ASEAN và của một số thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Củng cố lòng tin đối tác

Có thể nhận thấy sự khác biệt rất rõ, ít nhất thì vào thời điểm hiện tại đang như thế, giữa nhiều nước phát triển và mới nổi với các nước khác trên thế giới về dự án lớn này.

Nhiều nước phát triển và mới nổi ở cách xa chứ không phải gần tuyến trải dài của "con đường và hành lang", tức là không liên quan trực tiếp trên thực địa nên nhìn nhận dự án này thiên về chính trị mà lệch về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Họ hiện vẫn còn lo ngại về ý định chính trị của Trung Quốc với OBOR nên tỏ ra thận trọng. Họ không cự tuyệt tham gia mà chỉ coi đó là một trong những dự án có thể tham gia và sẽ chỉ tham gia khi đã chắc chắn không bị ảnh hưởng bởi các kế hoạch chính trị của Trung Quốc.

Italy nhiệt tình tham gia vì con đường tơ lụa mới trên biển nhiều hơn là trên bộ và cũng vì nhìn nhận hợp tác với Trung Quốc là sự đối trọng cho quan hệ với EU mà Rome có thể và phải tận dụng.

Những nước liên quan trực tiếp trên thực địa đều tham gia vì OBOR thực sự đưa lại những cơ hội mới cho phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế vùng trong quốc gia, kết nối các nền kinh tế, mở rộng thị trường.

Tham gia không chỉ đơn thuần là tận dụng cơ hội mới mà còn để có đóng góp trực tiếp vào việc hoạch định cụ thể và thực hiện cụ thể OBOR. Việc tân tổng thống Mỹ Donald Trump thiên lệch hẳn về chủ nghĩa bảo hộ đã giúp Trung Quốc trở nên càng hấp dẫn đối với những nước đang tìm kiếm đối tác hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư mới.

Cái khó của Trung Quốc ở sự kiện ngoại giao lớn nhất trong năm - Ảnh 2.

Ở hội nghị này, Trung Quốc và các nước tham dự phải cụ thể hóa hơn nữa ý tưởng, mục đích và lộ trình thực hiện, để tất cả những ai muốn tham gia đều hiểu được từ điểm xuất phát đến đích, để có thể thấy mình tham gia được vào cái gì và vào thời điểm nào cũng như thấy rõ những cái khác có bất lợi cho mình không.

Hội nghị phải đưa được ra câu trả lời dứt khoát về sự đảm bảo cho tính khả thi về tài chính cũng như chính trị. 

Chỉ như vậy, Trung Quốc và các nước tham gia mới có thể loại trừ được ngay từ đầu mọi rủi ro về chính trị.

Cái rủi ro đặc biệt đối với OBOR còn ở chỗ nó trải rộng và dài qua nhiều khu vực và châu lục, liên kết với nhau như những mắt xích mà chỉ cần một hay một vài mắt xích trong chuỗi bị tuột thì con đường sẽ bị gián đoạn, hành lang sẽ bị tắc trở.

Ở hội nghị này, Trung Quốc sẽ nỗ lực khắc phục những nghi ngại trên của đối tác.

Cái khó nữa đối với Trung Quốc là vừa muốn giữ vai trò chủ đạo vừa phải tạo cảm nhận OBOR do Trung Quốc khởi xướng nhưng là của chung của tất cả các nước tham gia chứ không phải của riêng của Trung Quốc. Với OBOR, Trung Quốc đặt mục tiêu lớn để vươn ra xa, và đường đi tới đích đó hiện vẫn còn rất xa.

(Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại