Cái giá Mỹ và đồng minh phải “gánh” ở Ukraine

Hoàng Phạm |

Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) của Nga liên tiếp trong hơn 2 tháng qua đã tàn phá cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng của Ukraine và khiến Kiev đối mặt với thảm họa kinh tế.

Trước các cuộc tấn công tên lửa và UAV của Nga, Ukraine dự kiến cần ít nhất 55 tỷ USD hỗ trợ từ nước ngoài trong năm 2023 để đáp ứng các chi phí cơ bản. Con số này nhiều hơn toàn bộ chi tiêu hàng năm của Kiev trước khi xung đột bùng phát.

Giờ đây, khi hệ thống năng lượng bị tàn phá nặng nề và khả năng Nga sẽ tiếp tục các cuộc tấn công tương tự, một số quan chức tin rằng Ukraine có thể sẽ cần thêm 2 tỷ USD mỗi tháng. Giới lãnh đạo chính trị ở Kiev đã bắt đầu tìm cách lôi kéo sự ủng hộ của phương Tây cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Cái giá Mỹ và đồng minh phải “gánh” ở Ukraine - Ảnh 1.

Ảnh: Washington Post

Ukraine đối mặt kịch bản “ngày tận thế”

Khai thác và sản xuất - chiếm khoảng 1/5 nền kinh tế Ukraine - là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng mất điện. Hai trong số các nhà máy thép lớn nhất Ukraine, nằm ở khu công nghiệp phía Đông Nam, đã phải đóng cửa vào tháng trước.

Ông Dennis Sakva, nhà phân tích năng lượng tại Dragon Capital, một công ty đầu tư của Ukraine, cho biết: “Đối với các nhà máy công nghiệp và luyện kim lớn, sự cố mất điện rất nguy hiểm. Nếu bạn đang ở giữa một quy trình kỹ thuật phức tạp với nhiệt độ cao và bị mất điện, nó có thể gây ra đủ loại vấn đề”.

Mất điện khiến dịch vụ Internet bị dừng hoạt động và điều này cũng có thể tàn phá lĩnh vực tài chính. Nó làm gián đoạn các dịch vụ tài chính công và tư cơ bản, chẳng hạn như thanh toán lương hưu, ngân hàng di động, thu thuế và bán hàng kỹ thuật số…

Tại một cuộc họp kín vào đầu tháng 12, các quan chức Ngân hàng Trung ương Ukraine đã cân nhắc về những hậu quả có thể xảy ra nếu các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở năng lượng gia tăng. Người dân có thể ồ ạt rời khỏi Ukraine và mang theo tiền của mình, đồng tiền quốc gia có thể bị phá giá khi họ tìm cách đổi đồng hryvnia lấy euro hoặc USD.

Khi đó, khủng hoảng cán cân thanh toán có thể xảy ra. Chính phủ Ukraine có thể không còn đủ dự trữ quốc tế để thanh toán cho các mặt hàng nhập khẩu quan trọng và không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài. Đó sẽ là một kịch bản “ngày tận thế”.

Theo một quan chức Ukraine giấu tên, nền kinh tế nước này có thể giảm thêm 5% trong năm tới, trên mức đã giảm 33% trong năm nay,.

Tại một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế ở Paris ngày 13/12, Thủ tướng Denys Shmyhal kinh tế Ukraine có thể giảm tới 9% tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các cuộc tấn công mà Nga tiến hành.

“Bạn sẽ làm gì khi không thể sưởi ấm ngôi nhà của mình, không thể điều hành các cửa hàng, nhà máy hoặc xí nghiệp và nền kinh tế không hoạt động? Chúng tôi sẽ phải yêu cầu hỗ trợ tài chính nhiều hơn và Nga đang làm điều này để phá hủy sự đoàn kết giữa các đồng minh”, ông Oleg Usenko, Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết.

Kinh tế trở thành mặt trận then chốt

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài gần 10 tháng, sự sống còn của Ukraine phụ thuộc nhiều vào cả viện trợ vũ khí lẫn viện trợ kinh tế từ bên ngoài. Nga dường như đang muốn làm cho các khoản viện trợ đó trở nên tốn kém đến mức các nước phương Tây sẽ phải từ bỏ việc hỗ trợ Kiev.

Trước khi Nga bắt đầu làn sóng tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine vào đầu tháng 10, Kiev cho rằng viện trợ tài chính của phương Tây có thể giúp họ lấp đầy lỗ hổng ngân sách trong năm 2023.

Liên minh châu Âu và Mỹ đã cam kết viện trợ hơn 30 tỷ USD cho Ukraine vào năm 2023, mặc dù không phải tất cả số tiền đó đều đã được phê duyệt chính thức. Ngày 15/12, EU cũng đã đồng ý cung cấp khoản vay 18 tỷ euro (tương đương hơn 19 tỷ USD), cho Ukraine trong năm 2023.

Mặt khác các khoản viện trợ nước ngoài, cho dù được thực hiện đầy đủ, cũng chỉ có thể giữ cho Ukraine tồn tại từng ngày chứ không thể giải quyết thiệt hại hàng trăm tỷ do chiến tranh gây ra.

Hệ thống năng lượng của Ukraine bị tàn phá khiến các trụ cột chính của nền kinh tế - khai thác than, sản xuất công nghiệp, công nghệ thông tin - không thể hoạt động. Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng nghèo đói có thể tăng gấp 10 lần. Tỷ lệ thất nghiệp, đã ở mức gần 30%, có khả năng tăng cao hơn nữa.

“Trong trường hợp mất điện hoàn toàn trong thời gian dài hơn, chúng tôi chắc chắn sẽ cần thêm nguồn lực để tránh thảm họa nhân đạo”, ông Sergiy Nikolaychuk, Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Theo giới chức Ukraine và các nước phương Tây, những đánh giá kể trên cho thấy Nga đang biến nền kinh tế Ukraine trở thành một mặt trận then chốt của cuộc chiến, một mặt trận mà Moscow được cho là thành công hơn nhiều so với trên tiền tuyến.

Sức ép của Mỹ và đồng minh

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen viện trợ hàng tỷ USD khi ông lần đầu tiên cảnh báo bà về các vụ tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng.

Vào thời điểm đó, ngày 16/10, có vẻ như Mỹ và Châu Âu có thể giúp ngăn chặn thảm họa kinh tế ở Ukraine. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã giúp giải quyết một phần đáng kể thâm hụt ngân sách của Ukraine. EU, dù chậm trễ trong các cam kết, cũng đang cung cấp viện trợ.

Ukraine là một mớ hỗn độn tài chính từ rất lâu trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự. Xung đột toàn diện đã khiến nền kinh tế Kiev rơi vào tình trạng khó khăn.

Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, tình trạng khẩn cấp ngay lập tức đã được thiết lập. Vào mùa hè, các quan chức phương Tây thậm chí đã bắt đầu nói về việc buộc Nga phải trả tiền tái thiết sau chiến tranh, mà Ngân hàng Thế giới ước tính sẽ tiêu tốn 350 tỷ USD. Các quan chức Ukraine đã đề cập đến một “Kế hoạch Marshall” thời hiện đại nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với phương Tây.

Khi gặp bà Yellen vào tháng 10, ông Marchenko đã cảnh báo rằng các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng ở Ukraine có thể phá vỡ những tính toán trước đó, nhưng ông không biết mọi thứ sẽ tồi tệ đến mức nào.

“Thậm chí khi đó, chúng tôi không thể ước tính được Nga có thể phá hủy các cơ sở hạ tầng năng lượng của chúng tôi ở bao xa”, ông Marchenko cho biết hôm 12/12.

Cả Ukraine và chính quyền Tổng thống Biden đều lo ngại về những tuyên bố cứng rắn từ các thành đảng viên Cộng hòa Mỹ - đảng đã giành được quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua. Ông Kevin McCarthy, người dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện đã cảnh báo rằng sẽ không có “séc trắng” cho Ukraina.

Khi nhu cầu nhân đạo tăng lên, các quan chức kinh tế Ukraine đã đề xuất với các quan chức phương Tây về một chương trình hỗ trợ thu nhập khoảng 50 USD/người/tháng - với chi phí 12 tỷ USD trong 6 tháng, một người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Tuy nhiên, những gì họ nhận được là sự lạnh nhạt từ các quan chức phương Tây, những người vốn đã cảnh giác với việc viện trợ quá nhiều cho Ukraine.

Sau các cuộc tấn công của Nga vào hệ thống năng lượng ở Ukraine, một số chuyên gia cho rằng phương Tây có thể sẽ “làm quá ít” chứ không phải quá nhiều.

“Mỹ và các nước phương Tây đã cung cấp cho Ukraine vừa đủ để tránh siêu lạm phát. Nhưng rõ ràng có nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng hơn và cách duy nhất để ngăn chặn điều đó là cung cấp thêm hỗ trợ tài chính. Tôi không biết liệu họ có sẵn sàng làm như vậy không”, Jacob Kirkegaard, một thành viên cấp cao tại Quỹ Marshall của Mỹ cho biết./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại