Các bia mộ ở Kyrgyzstan ngày nay đã tiết lộ những chi tiết đáng kinh ngạc về nguồn gốc của Cái chết Đen, trận đại dịch hạch tàn khốc nhất thế giới, được ước tính đã giết chết một nửa dân số châu Âu thời Trung cổ trong vòng 7 năm.
Nguồn gốc của đại dịch Cái chết Đen đã được các nhà sử học tranh luận trong nhiều thế kỷ. Trên những bia mộ khắc được khai quật - một số trong đó đã ám chỉ một trận dịch bệnh bí ẩn - và vật liệu di truyền từ các thi thể được khai quật từ hai khu mộ có từ thế kỷ 13 đã cung cấp một số thông tin cụ thể - một câu trả lời cho câu hỏi lâu nay.
Bức vẽ minh họa đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu. Ảnh: CNN.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên khai quật các khu chôn cất vào những năm 1880. Các dòng chữ trên bia mộ, được viết bằng ngôn ngữ Syriac, đã được nhà sử học Phil Slavin, Phó Giáo sư tại Đại học Stirling ở Scotland, nghiên cứu lại vào năm 2017.
Ông nhận thấy rằng trong số 467 ngôi mộ được xác định niên đại chính xác, 118 ngôi mộ đã được xây dựng trong hai năm: 1338 và 1339. Đó là một tiết lộ mà ông mô tả là "đáng kinh ngạc".
"Khi bạn có một hoặc hai năm với tỷ lệ tử vong quá mức, đồng nghĩa với việc một điều gì đó đã xảy ra. Một điều gì đó đã ập tới bảy hoặc tám năm trước khi bệnh dịch thực sự đến châu Âu", ông Slavin nói trong một cuộc họp báo.
"Tôi luôn bị cuốn hút bởi Cái chết Đen. Và một trong những ước mơ của tôi là thực sự có thể giải được câu đố về nguồn gốc của nó", ông nhấn mạnh.
Các dòng chữ trên bia mộ đề cập đến một dịch bệnh bí ẩn. Ảnh: CNN.
Slavin và các cộng sự của ông đã phát hiện ra hài cốt của 30 người được chôn cất trong các khu mộ ở Kyrgyzstan. Những hài cốt này đã được đưa đến Bảo tàng Nhân chủng học và Dân tộc học Peter Đại đế ở St.Petersburg, Nga. Nhóm nghiên cứu đã được phép trích xuất DNA từ các bộ xương để tìm ra nguyên nhân cái chết như thế nào.
Đối với 7 người trong số các hài cốt, các nhà nghiên cứu đã có thể trích xuất và trình tự DNA từ răng của họ. Đối với vật liệu di truyền này, họ đã tìm thấy DNA của vi khuẩn dịch hạch - mà các nhà khoa học gọi là "Yersinia pestis" - ở 3 trong số các thi thể, tất cả đều có năm mất được khắc trên bia mộ là 1338.
Điều này khẳng định rằng dịch bệnh bí ẩn được đề cập trên bia mộ thực sự là bệnh dịch hạch, lây lan từ loài gặm nhấm sang người qua bọ chét.
Năm 1347, bệnh dịch hạch lần đầu tiên xâm nhập vào Địa Trung Hải thông qua các tàu thương mại vận chuyển hàng hóa từ các vùng lãnh thổ xung quanh Biển Đen.
Căn bệnh này sau đó lan rộng khắp châu Âu, Trung Đông và bắc Phi, chiếm tới 60% dân số, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature.
Bức vẽ minh họa đại dịch Cái chết Đen ở châu Âu. Ảnh: CNN.
Một số nhà sử học tin rằng bệnh dịch hạch gây ra Cái chết Đen bắt nguồn từ Trung Quốc, trong khi những người khác cho rằng bệnh dịch xuất hiện gần Biển Caspi. Ấn Độ cũng đã được nêu ra như một nguồn gốc có thể. Chủng bệnh dịch hạch đã tiếp tục lưu hành khắp thế giới trong suốt 500 năm.
Sự phát triển của chủng bệnh dịch hạch
Nghiên cứu mới nhất đã bổ sung thêm nhiều thông tin được tiết lộ bằng cách giải trình tự các mầm bệnh cổ xưa như bệnh dịch hạch, đã để lại dấu ấn di truyền trong DNA của con người.
Năm 2011, các nhà khoa học lần đầu tiên giải trình tự bộ gen của vi khuẩn dịch hạch - Yersina pestis - được tìm thấy trong 2 nạn nhân bệnh dịch hạch được chôn trong một hố ở London. Kể từ đó, nhiều vật liệu di truyền hơn đã được lấy ra từ các khu mộ trên khắp châu Âu và miền nam nước Nga.
Trang phục những thầy thuốc trong đại dịch Cái chết Đen. Ảnh: CNN.
Công trình nghiên cứu này đã cho thấy sự bùng nổ đa dạng của các chủng bệnh dịch hạch - được xem như một vụ nổ lớn - xảy ra trong quá trình tiến hóa của vi khuẩn dịch hạch vào khoảng thời gian trước khi Cái chết Đen tàn phá châu Âu - rất có thể là vào thế kỷ 10 và 14.
Các nhà nghiên cứu tham gia vào nghiên cứu mới nhất này tin rằng khu vực xung quanh hai nghĩa trang gần Hồ Issyk-Kul ở Kyrgyzstan chắc chắn là nguồn gốc của chủng bệnh dịch hạch gây ra Cái chết Đen, bởi hai bộ gen bệnh dịch hạch cổ đại mà nhóm nghiên cứu ghép lại với nhau từ những chiếc răng đã tiết lộ một bộ gen duy nhất.
Và chủng bệnh dịch hạch chính là nguyên nhân gần đây nhất cho sự kiện lớn này, ngay vào thời điểm bắt đầu bùng phát đại dịch Cái chết Đen và trước khi đại dịch đến châu Âu.
Maria Spyrou, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tübingen, Đức cho biết: "Chúng tôi phát hiện ra rằng các chủng cổ đại từ Kyrgyzstan được định vị chính xác tại điểm mấu chốt của sự kiện lịch sử này".
Vùng núi Tian Shan ở Kyrgyzstan, nơi các nhà khoa học xác định được nguồn gốc của đại dịch Cái chết Đen. Ảnh: CNN.
Các bằng chứng khác để chứng minh cho tuyên bố của các nhà nghiên cứu đến từ việc so sánh các chủng bệnh dịch hạch được tìm thấy ở các loài gặm nhấm ngày nay với những chủng mà chúng được giải mã từ các nghĩa trang.
Họ phát hiện ra rằng các chủng bệnh dịch hạch hiện đại có liên quan chặt chẽ nhất với chủng cổ xưa, ngày nay được tìm thấy ở các loài gặm nhấm hoang dã, chẳng hạn như bọ ngựa, sống ở vùng núi Tian Shan, rất gần với hai khu mộ.
"Điều thực sự đáng chú ý là ngày nay, trong các loài gặm nhấm sống ở khu vực đó, chúng ta có những họ hàng gần nhất của vi khuẩn dịch hạch", tác giả nghiên cứu cao cấp Johannes Krause, Giám đốc tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Leipzig, Đức cho biết.
"Chúng tôi không chỉ tìm thấy tổ tiên của Cái chết đen, mà còn thực sự tìm thấy tổ tiên của phần lớn các chủng bệnh dịch đang lưu hành trên thế giới ngày nay".
Văn bia trên ngôi mộ này được viết bằng tiếng Syriac rằng: "Đây là ngôi mộ của tín đồ Sanmaq chết vì bệnh dịch". Ảnh: CNN.
Vẫn còn nhiều điều mà nhóm nghiên cứu chưa biết, chẳng hạn như dịch bệnh lây sang người chính xác từ động vật nào. Nhưng hiểu được nguồn gốc của đại dịch lớn nhất trong lịch sử loài người đã có thể giúp chuẩn bị cho sự lây lan của những dịch bệnh trong tương lai, Krause nói.
Krause khẳng định: "Cũng giống như đại dịch Covid-19, Cái chết Đen là một dịch bệnh mới nổi và là khởi đầu của một đại dịch lớn kéo dài khoảng 500 năm. Điều rất quan trọng là phải hiểu nguồn gốc xuất hiện trong hoàn cảnh nào".