Cụ thể, các nguồn tin tình báo của Debka tại Syria và Lebanon cho biết, lãnh đạo phong trào Hồi giáo Hezbollah Hassan Nasrallah nghi ngờ các lực lượng đặc nhiệm Nga và Mỹ đã ám sát Mustafa Badr al-Din, thủ lĩnh Hezbollah tại Syria, dù sau đó Nasrallah công khai tuyên bố Badr al-Din chết do pháo kích của phe nổi dậy.
Theo các nguồn tin của Debka, trong bài phát biểu hôm 12/5 nhân ngày "đại họa" của Hezbollah (nakba - tức ngày quốc khánh Israel), Nasrallah đã biết trước rằng Badr al-Din đã thiệt mạng trong một vụ nổ tại trung tâm chỉ huy tối mật của Hezbollah gần sân bay quốc tế Damascus.
Sở dĩ lãnh đạo Hezbollah nghi ngờ Mỹ (và có thể cả Nga) đứng sau cái chết của Badr al-Din, là vì 6 lý do dưới đây:
1. Sau khi Hezbollah tuyên bố nguyên nhân cái chết của Badr al-Din là do pháo kích của phe nổi dậy, giám đốc Trung tâm Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ông Rami Abdulrahman đã phủ nhận thông tin này.
"Hơn một tuần qua chưa hề có một loạt đạn pháo nào bắn từ Đông Ghouta (vị trí của phe nổi dậy - PV) nhắm vào sân bay quốc tế Damascus" - ông Abdulrahman phát biểu với Reuters.
2. Trong vài ngày qua, Mỹ đã điều động đặc nhiệm và trực thăng tấn công tới đóng tại sân bay Remelan, phía bắc Syria, giáp với thành phố Hasakah do người Kurd chiếm đóng.
Việc điều động này giúp trung tâm chỉ huy của Mỹ tại Trung Đông (CENTCOM), có thể tấn công bất kì mục tiêu khủng bố nào tại Syria. Hezbollah có lý do để nghi ngờ rằng Badr al-Din có thể chính là mục tiêu đầu tiên của đặc nhiệm Mỹ.
3. Năm 2013, Mỹ từng liệt Badr al-Din vào danh sách "những kẻ khủng bố toàn cầu dạng đặc biệt". Năm ngoái, Washington đã tuyên bố tịch thu mọi tài sản của Badr al-Din trên khắp thế giới, sau khi nhân vật này được giao nhiệm vụ tư lệnh chỉ huy các lực lượng Hezbollah tại Syria.
Đặc nhiệm Mỹ có liên quan đến vụ ám sát Badr al-Din? Ảnh: alalam.ir
Nói cách khác, trong mắt Hezbollah, Badr al-Din từ lâu đã nằm trong tầm ngắm của Washington.
4. Vị trí căn cứ chỉ huy của Hezbollah gần Damascus là thông tin tuyệt mật, do đó Hezbollah luôn tin chắc rằng không thế lực bên ngoài nào có thể biết được bộ sậu Hezbollah ẩn náu ở đâu tại Syria.
Nhưng sau vụ ám sát Badr al-Din, Hezbollah nghi ngờ rằng có 3 lực lượng tình báo tại Syria đủ khả năng tìm ra được vị trí của căn cứ tuyệt mật nói trên: Mỹ, Nga, và Israel.
5. Việc tư lệnh chỉ huy của một trong 4 lực lượng quân đội ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị ám sát chỉ có thể đồng nghĩa với một điều: người đứng sau vụ này muốn làm Assad trở nên yếu thế.
Theo Debka, trước khi bị ám sát, Badr al-Din đã lên kế hoạch rút quân Hezbollah khỏi nhiều phòng tuyến tại Syria để tập trung vào khu vực biên giới Syria-Lebanon. Giờ với việc "rắn mất đầu", việc điều động sẽ còn diễn tiến nhanh hơn, và Assad sẽ chịu thiệt.
6. Theo một số thông tin tình báo chưa được xác thực, lãnh đạo dòng Shiite của Iraq, Muqtada al-Sadr, đã hội đàm bí mật với Nasrallah và Badr al-Din tại Beirut tuần trước, để thảo luận kế hoạch điều binh lính Hezbollah từ Syria tới Iraq để hỗ trợ al-Sadr.
Do đó, nếu có ai ám sát Badr al-Din, thì người đó nhiều khả năng muốn ngăn chặn kế hoạch nói trên được thực thi.
---
Về phần mình, như một động thái nhằm cảnh cáo Iran và Hezbollah đừng đổ tội cho Mỹ, Nhà Trắng đã đưa ra một tuyên bố khá lạ lùng hôm 13/5 vừa qua, để đáp lại những nguồn tin từ Trung Đông cho rằng Badr al-Din đã thiệt mạng trong một đợt công kích của Mỹ.
Phát ngôn viên Josh Earnest khẳng định, không quân Mỹ và đồng minh không hề hoạt động tại khu vực xảy ra vụ nổ khiến Badr al-Din thiệt mạng. Tuy nhiên, Nhà Trắng không hề nhắc tới khả năng thủ lĩnh Hezbollah đã dính tên lửa bắn từ mặt đất.
Mới đây nhất, Hezbollah quy trách nhiệm cho phe nổi dậy Syria về cái chết của Badr al-Din. Nhưng theo Debka, đây là một lời cáo buộc "vô căn cứ".
"Nếu ngay cả phe nổi dậy mà cũng có thông tin về địa điểm căn cứ ẩn náu của [Badr al-Din] để trực tiếp nhắm vào nhân vật này, thì đúng như những gì Badr al-Din đã tính đến trước khi chết, chẳng có lý do gì để Hezbollah tiếp tục giữ quân tại Syria nữa, mà tốt nhất là nên rút hết về" - trang tin tình báo Israel kết luận.