Cách xử lý quyết đoán của bà mẹ ở Hà Nội khi bắt gặp con hút thuốc lá

Hiểu Đan |

Hai lần con bị mẹ bắt gặp hút thuốc, và sau đó con không bao giờ có lần thứ 3. Giờ đây con là một chàng trai yêu thương mẹ, hiểu chuyện và rất có ý thức.

Hút thuốc lá gây hại cho sức khỏe, hầu như ai cũng đều biết, nhưng điều đó không ngăn cản được 100% người dùng từ bỏ thói quen độc hại này. Với người lớn, đây có thể là thú vui, cách xả stress. Còn với những đứa trẻ tuổi teen, thông thường tìm đến khói thuốc do đua đòi, học theo bạn bè, thấy hay hay nên thử rồi có em thành nghiện. Đa phần khi bị phát hiện, các em sẽ bị mắng, thậm chí bị đánh đòn để buộc từ bỏ. Nhưng điều đó cũng không khiến trẻ thay đổi được.

Con trai chị Lê Thị Mùi (tác giả sách - hiện sống ở Hà Nội), năm nay học lớp 9. Con chị Mùi cũng từng có thời gian "nổi loạn" ngay từ khi học lớp 6, trong đó có việc hút thuốc. Phát hiện con phì phèo điều thuốc khiến bà mẹ này khá sốc và buồn. Muốn ngay lập tức lao đến cầm điếu thuốc trên tay con vò nát đi, muốn hét lên cho đỡ cơn giận.

Nhưng rất may, sau một hồi tự trấn tĩnh, bà mẹ này đã chọn cách cư xử khác. Hai lần con bị mẹ bắt gặp hút thuốc, và sau đó con không bao giờ có lần thứ 3. Giờ đây con là một chàng trai yêu thương mẹ, hiểu chuyện và rất có ý thức.

Cách xử lý quyết đoán của bà mẹ ở Hà Nội khi bắt gặp con hút thuốc lá - Ảnh 1.

Chị Lê Thị Mùi.

Hai lần bắt gặp con hút thuốc

"Mình phát hiện con trai hút thuốc ở ban công vào một buổi chiều, khi con thấy mẹ ra, con dụi thuốc vứt đi. Dù vậy, mình vẫn cố hết sức bình tĩnh để gọi con vào phòng, nói chuyện riêng với con. Vì con nói đó là lần đầu con thử hút thuốc, bởi con thấy người lớn ai cũng hút, nên sau đó con hứa với mình sẽ không hút thuốc nữa" , chị Mùi kể.

Nhưng chỉ sau vài ngày, lần thứ hai, chị lại bắt gặp con tái diễn hành động này. Khi mẹ hỏi, con bảo hút thuốc vì con muốn giống chú A, chú B. Chị Mùi cho rằng ở thời điểm đó con bắt đầu có những hành động bắt chước người lớn, mà ở khu nhà chị, hầu hết đàn ông đều hút thuốc, ngay cả trong gia đình mọi người cũng hút rất nhiều, nên việc cấm con là điều vô lý.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn đấy, con bắt đầu phải đối mặt với vấn đề thành tích học tập không tốt, bị mắng chửi nhiều, tâm lý có nhiều bất ổn... Có thể, con tìm tới thuốc lá để bắt chước vì thấy hay, để nâng cao sự tự tôn, khẳng định cái tôi, giá trị của bản thân mình. Trên thực tế rất nhiều trẻ đã làm điều đó, và tới khi thành thói quen, trở nên khó thay đổi.

"Mình bảo với con: Con thấy mùi vị thuốc thế nào? Con bảo ngon, thơm (Con cảm nhận mùi vị khác mình, nên việc bảo thuốc lá hôi hay không có lợi là vô lý). Sau khi trao đổi với con một chút thì mình nói: Mẹ biết con thích hút thuốc, và con nghĩ rằng việc hút thuốc rất là hay, nó thể hiện mình đã lớn, mình có quyền làm những việc như người khác đã làm. Con thấy mùi vị nó dễ chịu và con nghĩ rằng hút thuốc làm người lớn thì dễ được tôn trọng hơn. Nhưng thật ra không phải là thế.

Ở nhà mình và xung quanh, mọi người hút thuốc nhiều và họ thành nghiện, muốn bỏ không bỏ được nữa. Nhưng con nhìn xem, ông ngoại không hút thuốc, các cậu các bác hầu hết cũng không hút, cũng chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện được tôn trọng hay không. Ngược lại, những người hút thuốc thường có mùi hôi, tốn tiền, làm người khác khó chịu. Mẹ sẽ rất buồn nếu con hút thuốc và dần con nghiện thuốc, bởi vì mẹ biết sẽ không tốt cho sức khỏe của con, chưa kể con có thể còn bị đánh giá là "hư" ở lứa tuổi còn rất nhỏ này" , chị Mùi kể.

Không cấm con nhưng sẵn sàng thay đổi vì con

Chị Mùi cho rằng, từ trước tới nay chị chưa bao giờ dùng quyền người lớn để cấm đoán con, kể cả trong việc phát hiện ra con hút thuốc bởi chị biết với trẻ con ở độ tuổi muốn thể hiện mình, cấm không ăn thua.

Điều chị nhận ra là ảnh hưởng của môi trường lên hành động và thói quen của con mình. Ngay trong nhà hay xung quanh nhà chị rất nhiều người hút thuốc. Ở gần nơi con chị Mùi học, tiếng rít điếu cày sòng sọc của người lớn cũng diễn ra quá thường tình.

Ngoài việc phân tích cho con thấy yếu tố lệch chuẩn từ việc hút thuốc, hiểu được vì sao con làm thế: Vì chống đối, thích thể hiện, hay vì không biết hậu quả, chị Mùi cũng quyết tâm thay đổi môi trường cho con… Chị chuyển nhà, nghỉ việc, đổi trường khi nhận thấy con đang có thay đổi theo chiều hướng tiêu cực như lầm lì, không thích giao tiếp…

Bà mẹ tâm sự: "Mình chỉ mong con sống văn minh, tôn trọng mọi người, sống tử tế độc lập, nhưng có nhiều giá trị mình mong muốn không đạt được ở môi trường con đã trải qua, bản thân mình cũng phải chấp nhận thời điểm đó do gia đình. Chính mình phải quyết tâm vì mình, vì con, bỏ tất cả. Tới giờ chưa từng một giây phút nào mình ân hận vì đã thay đổi cả".

Cách xử lý quyết đoán của bà mẹ ở Hà Nội khi bắt gặp con hút thuốc lá - Ảnh 2.

Chị Mùi cũng thấy may mắn vì phát hiện ra con hút thuốc khi mới giai đoạn "thử cho biết". Còn với các bạn đã hút lâu rồi và chống đối phá phách thì theo chị, có lẽ thay vì buồn, cha mẹ hãy chấp nhận bước đầu, coi đó như một hành động bình thường để lấy lại kết nối với con.

Khi đã có kết nối tốt, mối quan hệ cha mẹ và con cái thân tình, có thể chia sẻ, thì mới bắt đầu giáo dục con được. Và việc giáo dục phải đi từ giảm dần số thuốc mỗi ngày, chứ không phải là yêu cầu "cai" luôn, điều đó sẽ không khả thi, và trẻ sẽ chống đối.

"Trong trường hợp chưa điều chỉnh được hành vi của con, thì mình hãy điều chỉnh hành vi của mình, coi con là số 1, yêu con số 1, kéo con vào các hoạt động gia đình, mẹ con, để nhất định tình yêu ấy phải lớn hơn những tình yêu, những cám dỗ bên ngoài, để nuôi dưỡng trong con mong muốn bước chân về. Những đứa trẻ tuổi dậy thì sẽ chống đối thử sai với bố mẹ liên tục, nên cũng cần bố mẹ phải liên tục học hỏi, rèn kiên nhẫn theo con.

Và nói cho cùng, đôi khi, cần nhắm bớt mắt lại để bình tĩnh điều chỉnh hành vi của con hơn là luôn mở mắt to ra, phán xét và yêu cầu con đi đúng lộ trình do mình đặt ra. Mình vẫn có đầy vấn đề với bọn trẻ, khiến mình nhiều khi bốc hỏa, nhưng kệ, việc nào ra việc nấy, phải bình tĩnh xử lý dần vì mình luôn tâm niệm, con như này còn ngoan chán, mình ngày xưa còn phá như giặc cơ mà, bố mẹ mình còn chịu được mình, sao mình lại không chịu được con mình cơ chứ?" , chị Mùi nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại