Tài khoản Twitter của tỷ phú Elon Musk. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiền cá nhân của ông Elon Musk
Ban đầu, người đứng đầu Tesla hy vọng sẽ tránh việc phải đóng góp hơn 15 tỷ USD tiền của cá nhân ông vào thương vụ trị giá 44 tỷ USD. Một phần lớn trong số 15 tỷ USD đó, khoảng 12,5 tỷ USD, được cho là đến từ các khoản cho vay được hỗ trợ bởi cổ phần của ông trong hãng xe điện Tesla; điều đó có nghĩa là ông sẽ không phải bán số cổ phần đó.
Cuối cùng, ông Musk đã từ bỏ ý định vay và huy động thêm vốn bằng tiền mặt. Vị tỷ phú này đã bán khoảng 15,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla trong hai đợt vào tháng 4 và tháng 8 năm nay và thu về hơn 27 tỷ USD tiền mặt thông qua các giao dịch này. Và quan trọng hơn là ông Musk, người được tạp chí Forbes cho biết có tổng tài sản trị giá khoảng 220 tỷ USD, đã sở hữu 9,6% cổ phần Twitter.
Các quỹ đầu tưTổng số tiền của thương vụ mua lại Twitter cũng bao gồm 5,2 tỷ USD từ các nhóm đầu tư và các quỹ lớn khác, đồng thời cũng bao gồm 1 tỷ USD từ ông Larry Ellison, người đồng sáng lập công ty phần mềm Oracle.
Qatar Holding, được kiểm soát bởi quỹ đầu tư quốc gia Qatar Investment Authority của Qatar cũng đã rót vốn vào thương vụ này.
Trong khi đó, Hoàng tử Alwaleed bin Talal của Saudi Arabia đã chuyển nhượng cho ông Musk gần 35 triệu cổ phiếu mà ông Talal đã sở hữu, coi đó như khoản đầu tư của họ vào thương vụ mua lại Twitter và trở thành cổ đông của công ty này.
Các khoản vay
Phần còn lại của số tiền cần để hoàn tất thương vụ, tương đương khoảng 13 tỷ USD, được hỗ trợ bởi các khoản vay ngân hàng, bao gồm từ Morgan Stanley, Bank of America, và các ngân hàng Nhật Bản như Mitsubishi UFJ Financial Group và Mizuho, công ty dịch vụ tài chính Barclays của Anh và các ngân hàng Pháp gồm Societe Generale và BNP Paribas.
Theo các tài liệu nộp cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), chỉ riêng khoản đóng góp của Morgan Stanley cho thương vụ trên đã vào khoảng 3,5 tỷ USD. Các khoản vay này được Twitter đảm bảo và chính công ty chứ không phải ông Elon Musk sẽ chịu trách nhiệm tài chính để trả lại cho họ.
Cho đến nay, Twitter đang phải vật lộn để tạo ra lợi nhuận và chứng kiến mức thua lỗ hoạt động trong nửa đầu năm 2022, có nghĩa là khoản nợ phát sinh trong quá trình mua lại có thể gây thêm áp lực cho nền tảng tài chính vốn đã mong manh của mạng xã hội này.