Các vụ tai nạn và mất tích tàu ngầm ly kỳ nhất trên thế giới

Bảo Lam |

Chiếc tàu ngầm mất tích "San-Juan" của Hải quân Argentina đã làm đầy thêm bản danh sách các tàu ngầm bị mất tích một cách bí ẩn.

Đã nhiều tuần trôi qua kể từ thời điểm mất liên lạc với thủy thủ đoàn trên chiếc tàu ngầm "San-Juan" của Hải quân Argentina. Chiếc tàu ngầm với 44 thành viên thủy thủ đoàn đã mất tích trên đường về căn cứ hải quân "Mar-Del-Plata". Hải quân Argentina với sự trợ giúp của Không quân đã triển khai một chiếc dịch tìm kiếm chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.

Những cuộc tìm kiếm tương tự về quy mô từng được biết đến trong lịch sử như vào năm 2000, giới quân sự Nga đã tìm kiếm chiếc tàu ngầm nguyên tử "Kursk" bị đắm trên biển Barentzevo còn năm 1968, chiếc tàu ngầm "K-129" của Liên Xô biến mất không để lại dấu vết, Liên Xô đã tung số lượng lớn các lực lượng để tìm kiếm, nhưng nó vẫn bặt tăm.

Các tàu ngầm mất tích trong nhiều tình huống lạ lùng không chỉ ở Liên Xô và Mỹ. Trong lịch sử hạm đội tàu ngầm Tây Ban Nha cũng xảy ra một câu chuyện về chiếc tàu ngầm mất tích một cách huyền bí. Đó là chiếc tàu ngầm "B-5".

Vào năm 1936, chiếc tàu ngầm của phe Cộng hòa cùng 37 thành viên trên tàu đã biến mất gần bờ biển Malaga. Cho đến nay người ta vẫn không xác định được nguyên nhân của vụ tai nạn. Tồn tại một vài giải thiết về cái chết của nó.

Theo một trong những giả thiết được đề cập nhiều nhất, chiếc tàu ngầm bị một thủy phi cơ của phe Franco đánh chìm. Chiếc tàu ngầm có thể bị chính thuyền trưởng của mình đưa xuống mồ - kẻ được coi là ủng hộ những kẻ tạo phản – để nó không thể lọt vào tay phe Cộng hòa.

1. "Kursk"

Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh và cuộc chạy đua vũ trang đã kích hoạt, Mỹ và Liên Xô cho rằng ý tưởng chế tạo các tàu ngầm nguyên tử là hoàn toàn có tương lai.

"Tàu ngầm nguyên tử không cần không khí và tiếp nhiên liệu, bởi vậy nó có thể hoạt động dưới nước trong một thời gian dài", Victor San Juan viết trong cuốn sách "Titanic và những thảm họa lớn" («Titanic y otros grandes naufragios»). Các sát thủ âm thầm này luôn chứa đầy tên lửa đạn đạo và trở thành mối đe dọa chết người đối với mạng sống của cả chính thủy thủ đoàn.

Các vụ tai nạn và mất tích tàu ngầm ly kỳ nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Chiếc tàu ngầm "Kursk" tại Severomorsk (Nga), năm 1999. Ảnh: AP

Không lâu sau Nga đã chế tạo chiếc tàu ngầm mới tận dụng các nghiên cứu của những kỹ sư người Đức và các thành tựu tiến tiến của lĩnh vực vật lý nguyên tử. Mục đích chính của giới quân sự Nga là đối đầu với các tàu sân bay bí hiểm của Mỹ.

"Đã chế tạo một chiếc tàu ngầm có khả năng tấn công và phá huỷ tàu sân bay. So với những dự án trước đây, chiếc tàu ngầm mới được trang bị các tên lửa đạn đạo chuyên biệt. Khác so với các ngư lôi mà chỉ có thể sử dụng trong cận chiến, các tên lửa đạn đạo này được trang bị đặc biệt để chống lại các tàu sân bay từ một khoảng cách an toàn.

Chiếc tàu ngầm "K-141" ("Kursk") đã ra đời như thế. Báo chí thời kỳ đó đã đánh giá nó như "viên ngọc trai trên vương miện hoàng đế" và nó từng được coi là niềm tự hào của hạm đội Hải quân Nga.

Tàu ngầm Kursk được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân với kích thước khổng lồ, chiều dài của nó là 150m, chiều cao tương đương toà nhà 6 tầng.

Thảm hoạ

Ngày 10/8/2000, "Kursk" ra khơi dưới sự chỉ huy của Đại tá Hải quân Lyachin (một trong những chỉ huy kinh nghiệm nhất của Hạm đội hải quân) để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu cùng các tàu ngầm khác.

Theo mệnh lệnh, "Kurk" phải tấn công giả định một đoàn tàu chiến cuả địch do một vài tàu chiến của hải quân Nga đóng giả. Mục tiêu giả định chính là lá cờ đầu của Hạm đội Bắc Hải - tàu nguyên tử "Pier Đại đế".

Ngày 12/8 không ai lường trược được thảm hoạ. Trước đó, "Kursk" đã phóng một quả tên lửa huấn luyện "Granit" nhằm vào mục tiêu giả định. Quá trình phóng diễn ra trong điều kiện bình thường.

Đến giữa trưa, tình hình bất ngờ thay đổi. Vào lúc 11h27, khi chiếc tàu ngầm phải phóng các tên lửa huấn luyện nhằm vào đoàn tàu chiếc của đối phương giả định, một tiếng nổ khủng khiếp đã làm rung chuyển cả phần mũi tàu.

"Cửa khoang ngư lôi mở nên toàn bộ những ai có mặt trong khoang 1 và 2 đều hi sinh do áp lực của vụ nổ", San Juan chia sẻ trong cuốn sách của mình. Thuyền trưởng ra lệnh nhanh chóng nổi lên mặt nước, nhưng không nhận được bất cứ câu trả lời nào.

Chiếc tàu ngầm của Nga đã có cơ hội sinh tồn sau vụ nổ, nhưng một vụ nổ thứ hai đã ập xuống. "Sau đó khoảng 2 phút đã vang lên một tiếng nổ lớn hơn khiến cho phần mũi của "Kursk" bị phá huỷ. Hậu quả khiến cho chiếc tàu ngầm yên nghỉ ở độ sâu 108m", chuyên gia San Juan chia sẻ.

Hệ thống cấp điện không hoạt động, và nước tràn vào 2/3 chiếc tàu. Cơ hội sống sót không còn. "Kursk" có thể biến thành quả bom hạt nhân khổng lồ nếu như thuỷ thủ đoàn không thể tắt được các lò phản ứng.

Các vụ tai nạn và mất tích tàu ngầm ly kỳ nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Tàu ngầm Kursk sau khi được trục vớt.

Cái chết là điều không thể tránh khỏi. Khi chiếc tàu nằm yên dưới đáy biển, trong khoang số 9 một vài thuỷ thủ sống sót. Trung tá Kolesnikov đã nhận quyền chỉ huy về mình. Chính ông đã ghi lại tên tuổi những người còn sống sót sau vụ nổ.

Nhà sử học Vitaly Dotzenko không đồng ý với giả thiết chính thức của thảm hoạ tàu "Kursk". Ông tin chắc rằng chiếc tàu bị một tàu ngầm của Mỹ nhấn chìm.

Chiến dịch cứu hộ thất bại

Chiến dịch cứu hộ được thực hiện trong điều kiện tuyệt mật theo kiểu Liên Xô. Vào lúc 1h trưa, tư lệnh Hạm đội Bắc Hải Vyacheslav Popov có mặt trên chiến hạm "Pier Đại đế" đã nhận được báo cáo về việc toàn bộ các tàu ngầm, ngoại trừ "Kursk" đã hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.

Tư lệnh Popov đã chờ thêm 2 giờ trước khi ban bố lệnh báo động. Hôm thứ hai, ngày 14/8, thông tin đã được lan truyền nhanh chóng. Nhưng Nga thêm một tuần nữa từ chối sự trợ giúp của quốc tế. Chỉ tới ngày 27/8, các thợ lặn Anh và Na Uy mới mở được cửa dưới của chiếc tàu ngầm "Kursk". Nhưng mọi hi vọng đều vô nghĩa. Chiếc tàu bị ngập kín nước.

"Đến thời điểm đó, toàn bộ những thành viên thuỷ thủ đoàn may mắn sống sót sau vụ nổ đã thiệt mạng (họ chỉ có thể kéo dài sự sống trong vòng 8 giờ). Họ đã để lại những bức thư tuyệt mệnh mà cho tới nay vẫn chưa được công bố toàn bộ.

Nhưng những gì mà báo chí công bố cũng đã khiến toàn thế giới phải rúng động", ông San Juan viết. Vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng cuả 118 người.

Video đặc biệt kỷ niệm Ngày thủy thủ tàu ngầm Nga

2. "B-5": sự biến mất của chiếc tàu ngầm phe Cộng hoà (1936)

Câu chuyện liên quan tới việc chiếc tàu ngầm "B-5" mất tích có thể xây dựng thành kịch bản phim Hollywood. Vào tháng 10/1936, vào thời điểm căng thẳng nhất của cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, chiếc tàu ngầm của phe Cộng hoà đã biến mất một cách bí ẩn gần bờ biển Malaga. Bí mật của vụ mất tích này cho đến nay vẫn chưa được sáng tỏ.

Chiếc tàu này được triển khai đóng vào hơn 100 năm trước, khi vào năm 1915 người ta bắt đầu chế tạo những tàu ngầm "lớp B" đầu tiên.

"Đó là những tàu ngầm lần đầu tiên được Tây Ban Nha đưa vào đóng hàng loạt", nhà sử học Dionisio García Florez viết trong cuốn sách "Các tàu chiến của cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha" («Buques de la Guerra Civil española. Submarinos»).

Ngày 17/2/1915, Tây Ban Nha ban hành một đạo luật được coi là điểm khởi đầu của công tác chế tạo 6 tàu ngầm chiến đấu "lớp B". Và hoạt động này được bắt đầu tại Cartagena (Tây Ban Nha). Với kích thước thân tàu khiêm tốn (dài gần 64m và rộng gần 5,6m), chúng được trang bị vũ khí hiện đại và mãnh nhất vào thời điểm đó.

"Các tàu ngầm thuộc lớp này có 2 máy phóng ngư lôi 450mm ở phần mũi và 2 máy ở phần đuôi. Chúng dược trang bị hệ thống pháo Vikers 76,2mm", tác giả cuốn sách trên cho biết.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên của lớp này được bàn giao cho hạm đội hải quân Tây Ban Nhà vào năm 1921 và được đặt tên là "B-1".

Trong suốt 3 năm sau đó, hạm đội hải quân đã tiếp nhận thêm 5 chiếc nữa, bao gồm cả "B-5". Nó được bàn giao cho sư đoàn huấn luyện đóng quân tại Cartagena và chỉ tham gia vào các cuộc tập trận và những nghi lễ. Thời điểm này hoà bình tương đối được xác lập trên lãnh hải của Tây Ban Nha.

Bạo loạn trên biển

Mùa hè năm 1936 tình hình thay đổi đột ngột. Một vài sĩ quan (trong đó có cả Francisco Franco) đã tổ chức một cuộc bạo loạn quân sự tại Ma-rốc. Mục đích của những sĩ quan này là lật đổ chính phủ Cộng hoà tại Madrid.

Những kẻ theo phe Franco hiểu rằng để cuộc bạo loạn thành công họ phải đưa các đơn vị của mình từ Châu Phi tới Tây Ban Nha. Họ chỉ có 2 cách: bằng đường không và đường biển.

Họ đã cố gắng thuyết phục các thuyền trưởng và sĩ quan của hải quân Tây Ban Nha ủng hộ cuộc bạo loạn, hoặc tối thiểu, giữ quan điểm trung lập để cho phe bạo loạn có thể đưa quân tới Tây Ban Nha.

Ngay sau hôm nổ ra cuộc bạo loạn quân sự, sự hỗn loạn đã xảy ra tại các căn cứ hải quân của Tây Ban Nha.

Phần lớn các sĩ quan đồng cảm với những kẻ bạo loạn. Các thuyền trưởng chây ì việc thực hiện mệnh lệnh của cấp trên. Một vài người thậm chí còn cố tình gây ra hỏng hóc trên các tàu của mình để không phải đối đầu với những kẻ bạo loạn. Tuy nhiên, thuỷ thủ đoàn của các tàu ngầm vẫn trung thành với Madrid, phế truất các thuyền trưởng và chiếm quyền kiểm soát.

Khi diễn ra trận chiến giữa những kẻ bạo loạn và các lực lượng trung thành với chính phủ Cộng hoà, "B-5" đang neo đậu tại cảng Cartagena để sửa chữa lớp vỏ tàu.

Tuy nhiên, dù neo đậu tại bãi tu sửa nhưng thuỷ thủ đoàn vẫn không tránh được cuộc đụng độ với phe bạo loạn. Các thuỷ thủ đã phải tham gia vào trận chiến ác liệt chống lại phe Franco muốn chiếm căn cứ quân sự.

Vài ngày sau, cuộc bạo loạn đã bị đàn áp ở Cartagena. Thuỷ thủ đoàn "B-5" đã gửi bức điện tới Madrid tuyên thệ trung thành với chính phủ Cộng hoà.

Vì sự phản bội của hàng loạt sĩ quan, chính phủ Cộng hoà không đủ các thuyền trưởng có trình độ nên phải giao quyền chỉ huy cho thiếu tá hải quân Carlos Barreda Terry, người mà trước đó từng công khai ủng hộ cuộc bạo loạn quân sự. Chính phủ đã phải cắt cử người theo dõi thuyền trưởng "B-5".

Đánh đắm

Sau vài tháng, định mệnh oan nghiệt đã tìm tới thuỷ thủ đoàn "B-5". Vào tháng 10/1936, khi đang tuần tra lãnh hãi tại khu vực Malaga, chiếc tàu ngầm này ngừng liên lạc. 37 thuỷ thủ bỏ mạng cùng với chiếc tàu ngầm. Vị trí chính xác xảy ra vụ tại nạn vẫn chưa được xác định.

Không có bất cứ dấu hiệu liên quan tới chiếc tàu ngầm này được tìm thấy. Và nguyên nhân bị đắm cũng chưa được làm rõ.

Theo một trong những giả thiết, hôm 12/10/1936, chiếc tàu ngầm bị thuỷ phi cơ Dornier thuộc phe Franco đánh đắm.

Khi nhìn thấy chiếc thuỷ phi cơ đang tiến lại gần, thuỷ thủ đoàn vội vàng cho tàu lặn xuống nước nhưng mọi thứ đã quá muộn.

"Ngày 12/10, chiếc tàu ngầm thực hiện tuần tra lãnh hải tại khu vực Estepona và bị phi công của chiếc thuỷ phi cơ D-4, trung tá Ruiz de la Puenta phát hiện. "B-5" vội vàng lặn xuống. Chiếc thuỷ phi cơ lượn vài vòng và thả một quả bom chống ngầm và vài quả bom 50kg.

Khi một chiếc máy bay Dornier Wal khác tham gia cuộc tấn công thì "B-5" đã biến mất trong làn nước và chỉ để lại một vệt dầu loang trên mặt biển", ông Flores khẳng định trong cuốn sách của mình.

Theo một giả thiết khác, Barreda, kẻ ủng hộ cuộc bạo loạn, đã quyết định đánh đắm chiếc tàu ngầm cùng với thuỷ thủ đoàn để nó không rơi vào tay chính phủ Cộng hoà. Đô đốc Gonzalo Rodriguez và chuẩn đô đốc Jose Ignacio Gonzalez bày tỏ quan điểm như vậy. Họ khẳng định rằng "B-5" không hề hấn gì vào hôm 12/10 và 3 ngày sau đó đã quay trở về Malaga.

Theo lời của họ, "vụ việc hôm 12/10 không để lại hậu quả. Carlos Barreda đã quay trở về Malaga, sau đó, hôm 15/10, đã gửi một bức điện cho vợ của mình là Josefina với nội dụng như sau: "Anh ổn. Ôm em. Carlos".

Cùng ngày, trong bức thư gửi vợ, Carlos thông báo: "Bọn anh dự định quay lại (Cartagena). Anh nghĩ sau khi em nhận được thư này khoảng 2-3 ngày, bọn anh sẽ lại neo đậu tại bãi tu sửa ở Cartagena".

Rodrigez và Gonzalez tin rằng Barreda có thể đã tự sát và đánh đắm con tàu. Trước đó, trong các cuộc nói chuyện với những đồng chí của mình, anh ta doạ sẽ huỷ diệt con tàu.

"Đại tá Hải quân Enrique Manera tuyên bố rằng nguyên nhân chính là quyết định đánh đắm con tàu của thuyền trưởng", các thuỷ thủ truyền tai nhau căn cứ từ lời khai của một sĩ quan bị đưa ra xét xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại