Các vũ khí tối tân duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chỉ là ngụy tạo: Những bí ẩn bị bóc trần?

Bảo Lam |

Luôn cần phải tách rời thực tế với tủ trưng bày. Quảng trường Đỏ là tủ trưng bày. Nó giống như kiểu hình mẫu trưng bày tại các nhà hàng của Nhật Bản.

Công tác cải tiến Quân đội Nga diễn ra chậm hơn nhiều so với mong muốn của Putin. Theo ý kiến của các chuyên gia phương Tây, những biện pháp trừng phạt, thiếu tiền, cũng như không có các nhà máy hiện đại với những chuyên gia đang làm ảnh hưởng tới công tác nâng cấp quân đội Nga.

Bên cạnh đó, cũng vẫn cần phải thừa nhận chất lượng cao của những sản phẩm quân sự mới do Nga chế tạo.

Tổng thốngVladimir Putin nhấn mạnh, việc tăng cường khả năng chiến đấu của Hải quân Nga là một trong những nhiệm vụ ưu tiên. Nhưng thân vỏ chưa hoàn thiện của ba chiếc tàu hộ vệ mang tên lửa đang nằm tại xưởng đóng tàu trên biển Baltic chứng tỏ một điều - đó là nói dễ hơn làm.

Các tàu chiến này dành cho hạm đội Hắc Hải. Nhưng chúng là nạn nhân của các biện pháp trừng phạt mà Ukraine áp dụng sau khi Crimea sáp nhập vào Nga, biến các tàu chiến này thành những đống gỉ sét do thiếu phụ tùng cần thiết.

Vì Moscow không thể tìm được động cơ thay thế cho các khinh hạm tên lửa thuộc đề án 11356 (chiếc đầu tiên là "Đô đốc Grigorovich"), công tác chế tạo đã bị ngưng lại. Nga hiện nay đang giảm thiểu thiệt hại và đã bán 3 chiếc tàu không có động cơ cho Ấn Độ.

Các vũ khí tối tân duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chỉ là ngụy tạo: Những bí ẩn bị bóc trần? - Ảnh 1.

Khinh hạm tên lửa Đô đốc Grigorovich thuộc đề án 11356.

Các biện pháp trừng phạt của Ukraine đang gây ra nhiều vấn đề cho Hải quân Nga, nhưng không chỉ mỗi thế. Vì nhiều lý do khác nhau, Điện Kremlin đứng trước một loạt những vấn đề trong việc tiếp nhận khí tài mới mà liên quan tới cả lục quân và không quân.

Có cảm giác Quân đội Nga không thiện chiến và hiện đại như người ta tưởng trong các lễ duyệt binh hàng năm diễn ra trên Quảng trường Đỏ.

"Luôn cần phải tách rời thực tế với tủ trưng bày. Quảng trường Đỏ là tủ trưng bày. Nó giống như kiểu hình mẫu trưng bày tại các nhà hàng của Nhật Bản. Nếu nhìn vào Quảng trường Đỏ, thì đó là mẫu trưng bày, chứ không phải món ăn", Biên tập viên tạp chí "Army Exports" Andrei Frolov nói.

Các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự phương Tây nói về việc Putin cố gắng chứng tỏ sức mạnh quân đội của mình để cải thiện hình ảnh với công chúng trong nước cũng như nước ngoài. Nhưng trên thực tế, quá trình cải tiến quân đội Nga diễn ra chậm hơn nhiều so với ở Trung Quốc.

"Những vấn đề chính là khả năng của Moscow phóng đại sức mạnh quân sự phi hạt nhân, là việc Moscow đang cố gắng làm ở Ukraine và Syria, không to lớn như Điện Kremlin muốn thế giới đón nhận", một quan chức không nêu tên chia sẻ.

Trong bài phát biểu mới đây của mình, ông Putin đã không nhắc tới các vấn đề liên quan tới những động cơ dành cho hải quân, khi thay vì điều đó ông tập trung vào việc hạm đội cần phải tiếp nhận 7 chiếc tàu ngầm đa năng mới trước thời hạn và 16 chiếc tàu chiến mặt nước mới đến năm 2027.

Các chi phí cho quốc phòng tăng đột biến dưới thời Putin. Nhưng các quan chức và chuyên gia quân sự Nga nói rằng, Moscow trên thực tế không đủ năng lực sản xuất hiện đại và các chuyên gia có trình độ, cũng như tiền bạc để vực dậy sự suy yếu của quân đội sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Frolov cho biết rằng Nga thực hiện thành công các nguyên mẫu vũ khí mới, và dùng hết sức lực để cố gắng chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt. Một vài hệ thống của Nga như tên lửa phòng không S-400 là vũ khí tầm cỡ thế giới.

TToongr thống Putin cũng đầu tư nhiều cho các công nghệ tên lửa, khi nghiên cứu chế tạo những hệ thống vũ khí siêu thanh mới. Nhưng lực lượng không quân, hải quân và lục quân đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng liên quan tới tái trang bị vũ khí.

Máy bay tiêm kích tàng hình mới Su-57 đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên của mình cách đây 9 năm. Còn chiếc siêu xe tăng T-14 Armata đã được trình làng trên Quảng trường Đỏ cách đây 4 năm. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ nói, quân đội Nga vẫn chưa tiếp nhận một số lượng đáng kể nào những khí tài này.

Các vũ khí tối tân duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chỉ là ngụy tạo: Những bí ẩn bị bóc trần? - Ảnh 2.

Tại Lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ năm 2018, Nga trình làng nhiều loại vũ khí mới trong đó có xe tăng T-14 Armata.

Sự lộn xộn trong hạm đội hải quân

Chương trình chế tạo chiếc khinh hạm tên lửa tàng hình hiện đại nhất của Nga đã bị tê liệt do những biện pháp trừng phạt – từ trước khi các biện pháp trừng phạt được áp dụng. Phải mất 12 năm để đóng xong chiếc tàu đầu tiên "Đô đốc Grigorovich" mà mới được bàn giao trong mùa hè năm ngoái.

Nga kỳ vọng sẽ lấp đầy hạm đội của mình bằng 14 chiếc tàu chiến loại này nữa, nhưng lại không có động cơ cho 12 chiếc trong số đó. Moscow cố gắng chế tạo các động cơ tuốc bin khí của mình và thiết lập chu trình sản xuất hoàn thiện.

Nhiệm vụ này đã được chuyển cho Nhà máy chế tạo hàng không Saturn thuộc Tập đoàn Rostec do người bạn đồng nghiệp từng công tác với ông Putin tại KGB, ông Sergei Chemezov làm lãnh đạo.

Ông Ilya Fedorov, Cựu giám đốc Saturn, năm 2014 từng tuyên bố rằng, ông quan ngại liên quan tới vấn đề chi phí, và công ty không thể cung cấp những động cơ đầu tiên vào năm 2017.

Ông Fedorov khi đó tuyên bố với hãng thông tấn Interfax rằng, "tất cả các tàu chiến của chúng ta sử dụng động cơ tuốc bin của Ukraine, và nếu chúng ta không chế tạo những động cơ của mình, thì mọi thứ sẽ dừng lại". Ông Fedorov đã không còn làm việc tại công ty nữa.

Ông Victor Polyakov, giám đốc hiện nay của Saturn, hồi đầu năm ngoái từng tuyên bố rằng, các nguyên mẫu của 3 loại động cơ mới đã hoàn thành công tác thử nghiệm và bắt đầu được đưa vào sản xuất hàng loạt.

Ông Chemezov nói với Reuters tại Triển lãm quân sự ở Abu Dhabi hồi tháng 2/2019 rằng, một số lượng nhất định các động cơ này đã được chuyển giao cho Hạm đội hải quân. Nhưng chưa một động cơ nào được lắp đặt trên các tàu hộ vệ.

"Chúng tôi cho rằng Nga sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất hàng loạt đúng nghĩa không sớm hơn 5 năm nữa", ông Sergei Zgurtez, giám đốc hãng tư vấn Defence Express (Ukraine) nói.

Ông Alexei Rakhmanov, lãnh đạo Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất Nga, đã tuyên bố vào hồi tháng 12 rằng chiếc động cơ đầu tiên do Nga chế tạo sẽ phải được lắp đặt cho chiếc tàu thứ 4 trong số 14 tàu hộ vệ "trong thời gian sớm nhất".

Thậm chí nếu điều đó xảy ra, theo ý kiến của ông Igor Ponomarev, lãnh đạo nhà máy đóng tàu Saint-Peterburg, nơi chế tạo các tàu hộ vệ mới có ứng dụng công nghệ tàng hình, thì chiếc tàu thứ 4 cũng không thể được hoàn thành trước năm 2020. Phần còn lại của chương trình, nhiều khả năng, sẽ kéo dài tới thập niên 2030.

Máy bay tiêm kích tàng hình và cỗ xe tăng nhiều vấn đề

Nga đang gặp phải cả những vấn đề liên quan tới chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 tối tân.

Ban đầu dự kiến Bộ Quốc phòng Nga sẽ mua gần 150 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 thế hệ thứ 5, nhưng các đại diện của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và chính phủ nói rằng trong năm nay dự kiến sẽ chỉ có một chiếc – chiếc sản xuất hàng loạt đầu tiên. Đứng xếp hàng còn thêm 14 chiếc nữa.

Các vũ khí tối tân duyệt binh ở Quảng trường Đỏ chỉ là ngụy tạo: Những bí ẩn bị bóc trần? - Ảnh 3.

Tiêm kích tàng hình Su-57 bay qua Quảng trường Đỏ năm 2018.

Các chuyên gia nói rằng chi phí cho hoạt động sản xuất hàng loạt của chiếc máy bay mới nằm ngoài khả năng của Nga.

Những kế hoạch liên quan tới cỗ siêu xe tăng cũng thất bại. Ông Oleg Sienko, cựu giám đốc nhà máy sản xuất cỗ xe tăng mới T-14 Armata, từng tuyên bố rằng năm 2016 ông Putin đã gật đầu mua 2.300 chiếc Armata. Cho đến nay, đã hoàn thành thử nghiệm đối với các nguyên mẫu, nhưng chiếc xe tăng cần phải làm lại.

12 chiếc xe tăng sản xuất hàng loạt đầu tiên trong số 100 chiếc xe được bàn giao cho quân đội vào cuối năm nay theo thông báo của các nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Nga chia sẻ hồi tháng 2/2019 với tờ Izvestia.

Tiến sĩ Richard Connolli, chuyên gia về Nga thuộc Đại học Birmingham nói rằng không nên đánh giá không đúng sức mạnh quân sự của Moscow, nhưng Nga vẫn đang chịu hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế mà diễn ra sau khi Liên Xô tan rã khiến lĩnh vực công nghiệp quốc phòng gặp khó khăn.

"Điều đó không đơn giản như nói: 'Tốt thôi, chúng tôi có tiền, cho nên hãy làm đi' bởi vì nhiều xưởng đóng tàu đã bị bao phủ bởi một lớp gỉ sắt", ông Connolli nói.

Tiêm kích MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal trong buổi lễ duyệt binh ngày 9/5/2018


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại