Lực lượng Nga tại căn cứ quân sự 201 ở Tajikistan. Ảnh: Sputnik
Theo đài Sputnik, chính phủ Ashgabat đã triển khai một đoàn tàu chở thiết bị quân sự hạng nặng tới thị trấn Serhetabat, phía Đông Nam Turkmenistan gần biên giới với Afghanistan. Các thiết bị quân sự bao gồm xe tăng, pháo, xe tải hạng nặng, xe bọc thép đã tới khu vực biên giới vào ngày 9/7.
Một nguồn tin tiết lộ với báo địa phương Turkmen.news rằng báo động tác chiến đã được kích hoạt liên tục trong một vài ngày trở lại đây tại các khu vực binh sĩ đóng quân dọc biên giới phía Nam nước này do hàng loạt vụ nổ và đấu súng. Tối 8/7, hai vụ nổ đã làm rung chuyển lãnh thổ phía Turkmeni.
Trong bối cảnh hỗn loạn, người dân tại thị trấn biên giới Serhetabat đã phát hiện một đoàn xe gồm 8 xe tải chở quân với đầy đủ trang bị chiến đấu đang chạy qua thị trấn.
Cùng ngày, một nguồn tin khác cho biết các binh sĩ đang làm nhiệm vụ tại vùng Mary đã sơ tán gia đình khỏi các khu vực biên giới, với tình hình được đánh giá là quá “nguy hiểm”.
Ashgabat đã đóng cửa biên giới Akina giữa Turkmenistan và Afghanistan vào ngày 7/7/ sau khi lực lượng Taliban nắm quyền kiểm soát lãnh thổ Afghanistan và chiếm đóng cửa khẩu. Dự kiến hoạt động tại Akina sẽ ngưng trệ trong ít nhất một tuần mặc dù chính phủ Afghanistan tuyên bố sẽ khôi phục quyền kiểm soát. Việc đóng cửa biên giới được cho là sẽ khiến các cộng đồng người Afghanistan ở khu vực biên giới đứng trước nguy cơ chết đói, giá lương thực đã tăng gấp đôi và tình hình đã trở nên “nguy cấp”.
Ngoài Turkmenistan, Afghanistan còn có chung đường biên giới với các quốc gia Trung Á như Uzbekistan và Tajikistan ở phía Bắc, Trung Quốc ở phía Đông, Pakistan ở phía Nam và Iran ở phía Tây.
Trong bối cảnh tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Afghanistan kèm theo đó là quân đội Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi, gần như tất cả các quốc gia sát biên giới với Afghanistan đã tăng cường an ninh để ngăn chặn chiều hướng gia tăng bất ổn. Tuần trước, truyền thông Trung Á đã đưa tin về vụ việc binh sĩ quân đội Afghanistan đã chạy sang Uzbekistan, Tajikistan và Iran. Cụ thể, vào ngày 22/6, các quan chức an ninh Tajik báo cáo 134 quân nhân Afghanistan đã chạy sang Tajikistan. Tuân thủ thỏa thuận chủ nghĩa nhân văn và tình nghĩa láng giềng, lực lượng biên giới Tajikistan đã cho phép binh sĩ Afghanistan chạy vào. Ngày 23/6, Bộ Ngoại giao Uzbekistan báo cáo về một vụ việc tương tự, với 53 lính biên phòng Afghanistan và dân quân địa phương vượt biên sang Uzbekistan.
Iran cũng cho biết gặp tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, quốc gia này cho biết quân đội và lực lượng Vệ binh Cách mạng sẽ “giám sát chặt chẽ hoạt động nhỏ nhất sát biên giới” với Afghanistan và ngăn chặn “những hành động bất hợp pháp tại các đường biên giới này”. Iran đã tạm dừng tất cả các hoạt động giao thương xuyên biên giới qua hai cửa khẩu chính vào ngày 8/7.
Đối với tình hình tại Afghanistan, các quốc gia láng giềng dường như không có nhiều động thái nhằm giúp đỡ.
Trong khi Turkmenistan và Uzbekistan theo đuổi chính sách quân sự không liên kết thì Tajikistan lại liên minh với Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Armenia thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể. Moskca đã cam kết hỗ trợ an ninh cho Dushanbe để giúp nước này duy trì sự ổn định ở biên giới với Afghanistan.
Tajikistan đã đặt lực lượng bảo vệ biên giới của mình trong tình trạng báo động vào tháng trước, chỉ ra "tình hình bấp bênh ở Afghanistan”. Lực lượng Taliban đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu Sher Khan Bandar phía Bắc Kunduz, đồng thời đưa ra lời đảm bảo với chính quyền Tajik và Uzbekistan rằng hoạt động biên phòng và hải quan sẽ tiếp tục diễn ra như trước. Các nhân viên hải quan sẽ không bị làm hại và tiếp tục làm việc như bình thường. Ngày 9/7, Moskva ước tính lực lượng Taliban đã kiểm soát 2/3 đường biên giới dài 1.357 km giữa Tajikistan và Afghanistan.
Phái đoàn ngoại giao Taliban cử tới Moskva ngày 9/7. Ảnh: Sputnik
Về phần mình, Taliban đã cử các phái đoàn ngoại giao tới các quốc gia láng giềng để trấn an rằng tổ chức này không tìm các mở rộng quyền kiểm soát ra ngoài biên giới Afghanistan. Ngày 8/7, một phái đoàn ngoại giao của Taliban cũng đã tới Moskva trong một chuyến thăm kéo dài 2 ngày.
Trong chuyến đi này, các đặc phái viên của Taliban khẳng định họ không tìm cách "thống trị" Afghanistan mà chỉ muốn giải phóng đất nước khỏi sự chiếm đóng của lực lượng nước ngoài và thiết lập một "hệ thống nhà nước Hồi giáo tự do”.
Taliban cũng cam kết làm việc để giải quyết nạn buôn bán thuốc phiện bùng nổ dưới thời Mỹ chiếm đóng, đảm bảo an toàn cho hàng hóa thương mại qua các vùng lãnh thổ và cam kết sẽ không để xảy ra các hành động khiêu khích với các nước láng giềng Trung Á. Ngoài ra, các đặc phái viên kêu gọi các tổ chức nhân đạo nước ngoài tiếp tục công việc của họ tại Afghanistan, đồng thời nhấn mạnh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ không xuất hiện trong các khu vực mà Taliban kiểm soát. Phản ứng trước những lời hứa hẹn từ Taliban, các nước láng giềng vẫn nhất trí phương án tốt nhất hiện nay là nên tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản tồi tệ nhất xảy ra tại Afghanistan.