"Về việc can thiệp quân sự giúp giải quyết tình hình khủng hoảng ở Venezuela, chúng ta không loại trừ bất kỳ phương án nào", kênh NTN24 dẫn lời tuyên bố của ông Almagro tại thành phố Cucuta (Colombia), tiếp giáp với Venezuela.
Người đứng đầu OAS đến đây để quan sát tình hình dòng người tị nạn từ Venezuela. Đoạn video chiếu trên kênh Venezolano TV (của Venezuela) ghi lại cảnh người tị nạn khóc lóc lao đến gặp ông Almagro thỉnh cầu OAS cứu giúp Venezuela.
"Xin hãy giúp chúng tôi! Vợ tôi và tôi đều là những chuyên gia, vậy mà chúng tôi phải ở đây", người đàn ông kêu lên trong nước mắt.
Đáp lại tuyên bố trên, Venezuela hôm thứ Bảy khẳng định, nước này sẽ báo cáo lên LHQ; và chỉ rõ: "Tổng thư ký OAS Luis Almagro
đã tuyên bố một cách thô tục nhằm ý đồ tăng cường can thiệp quân sự trong các vấn đề của đất nước Venezuela".
Hồi đầu tháng 5.2018, Tổ chức Quốc tế về di cư thông báo, trong giai đoạn từ năm 2015-2017, lượng người di cư từ Venezuela (đất nước đang chịu khủng hoảng tài chính và kinh tế nặng nề) đã tăng hơn 10 lần.
Một người dân Venezuela chờ qua biên giới Peru để tị nạn. Ảnh: Reuters
Nếu năm 2015 có con số ước tính khoảng 89.000 người, thì đến cuối năm 2017 con số này đã là 900.000. Ước tính chung, số người Venezuela tìm kiếm nơi trú thân (người tị nạn) trên khắp thế giới trong giai đoạn này đã tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu.
Được biết, tình hình chính trị - xã hội ở Venezuela hiện ngày càng trở nên trầm trọng vì khan hiếm hàng hóa, lạm phát đạt tốc độ "phi mã" và "tuột dốc" thu ngân sách do giá dầu giảm.