Nghiên cứu từ Đại học Toronto cho rằng những cấu trúc của vật thể không gian nằm ở nơi xa được nối với nhau bằng một mạng lưới các đường ống có từ tính. Điêu đó có nghĩa tất cả chúng ta đều đang sống trong một đường hầm từ tính khổng lồ.
Theo lời nhà vật lý thiên văn Jennifer West, toàn bộ Hệ Mặt Trời và một số ngôi sao lân cận đều được bọc bởi một hệ thống đường ống từ tính vô hình với mắt thường. “Nếu như ta có thể nhìn thấy sóng vô tuyến, chúng ta sẽ thấy những vằn trắng sáng trải khắp bầu trời về mọi hướng”, cô West nói với kênh radio As It Happens.
Nghiên cứu mới của cô West là nỗ lực nghiên cứu kéo dài 15 năm tính từ khi cô còn là sinh viên, đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy bản đồ bầu trời vẽ bằng sóng vô tuyến. Cô tận mắt nhìn thấy North Polar Spur và Fan Region, hai cấu trúc trắng sáng có kích cỡ khổng lồ, chỉ hiện ra dưới kính viễn vọng vô tuyến.
“Tôi đã chiêm nghiệm vấn đề này rất lâu, kể từ khi tôi theo học ngành thiên văn vô tuyến. Nhìn vào những tấm bản đồ này tôi tự hỏi: Đây là thứ gì, và cái gì đã gây ra nó?”, cô West thổ lộ.
Ảnh vô tuyến chụp lại khu vực North Polar Spur.
Các nhà khoa học đã biết về sự tồn tại của hai cấu trúc khổng lồ này từ thập niên 60. Lúc ấy ta chỉ biết chúng "sáng rực" và nằm tại hai phía đối lập của bầu trời, chứ không rõ bản chất cũng như vị trí chính xác của chúng trong không gian. Theo cô West, một trong những chướng ngại vật lớn nằm ở việc khoa học coi hai cấu trúc này là hai vật thực thể khác nhau.
Theo học thuyết cô West đưa ra, chúng liên kết với nhau bằng một hệ thống phức tạp cấu thành từ các hạt mang điện và một mạng lưới các ống từ tính, nối kết lại thành một đường hầm bọc lấy toàn bộ Thái Dương Hệ và một số ngôi sao gần Mặt Trời.
Cô và cộng sự là nhóm các nhà khoa học đầu tiên xuất bản nghiên cứu đầy đủ về mối liên hệ giữa hai cấu trúc lớn. Trước đây, chỉ duy nhất một báo cáo nghiên cứu đưa ra năm 1965 nhắc tới khả năng này; trong phần ghi chú của báo cáo, hai nhà khoa học Don Mathewson và Doug Milne đã nêu lên giả thuyết này nhưng không đào sâu tìm hiểu.
Cô West đã dựa trên ý tưởng đó để nghiên cứu sâu hơn, đồng thời tận dụng những dữ liệu ngành thiên văn học đã thu được suốt nhiều năm nay. Cô và cộng sự dựng một mô máy tính có thể giả lập được một bầu trời phủ sóng vô tuyến vũ trụ sẽ có hình hài ra sao.
Đó là giây phút cô West có được đột phá mới.
Nhà nghiên cứu Jennifer West.
“Tôi nhìn vào bản đồ bầu trời sóng vô tuyến trên máy, và nó cũng giống bản đồ Trái Đất thôi. Nếu bạn nhìn bản đồ Trái Đất, dường như xích đạo vẫn luôn nằm ở giữa vậy … Tương tự như khi nhìn vào bản đồ thiên hà. Các nhà khoa học thường đặt trung tâm thiên hà vào giữa bản đồ”, cô West kể quá trình nghiên cứu.
“Và tôi nghĩ: Sẽ ra sao nếu ta nhìn vào bản đồ theo một cách khác, và đặt một thứ khác vào giữa tấm hình? Và khi tôi làm vậy, rõ ràng hai cấu trúc khổng lồ vừa ở hai bên chúng ta lại vừa nằm đối nhau. Điều đó khiến tôi nghĩ chúng ta đang nằm trong một thứ gì đó”.
Sử dụng mô hình máy tính, cô West tính ra rằng North Polar Spur và Fan Region nằm cách Trái Đất khoảng 350 năm ánh sáng, cùng thuộc về một cấu trúc hình dây khổng lồ dài khoảng 1.000 năm ánh sáng. Giáo sư Bryan Gaensler, chuyên gia công tác tại Viện Dunlap và đồng tác giả nghiên cứu, gọi đây là “công trình vô cùng tinh tế”.
“Khi Jennifer lần đầu nhắc đến khái niệm này với tôi, tôi cho rằng nó quá viển vông để trở thành sự thực. Nhưng rồi cô đã thuyết phục được tôi. Giờ, tôi trông ngóng phản ứng của cả cộng đồng thiên văn học”, giáo sư Gaensler nói.
Hình phác thảo Dải Ngân hà và vị trí khả thi của đường hầm từ tính khổng lồ.
Theo lời cô West, phát hiện mới có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta nhìn thế giới và không gian. “Hãy tưởng tượng ta đang ngồi trong hầm mà xem ... và phần còn lại của thiên hà nằm ngoài đường hầm đó, cả vũ trụ cũng nằm hết ngoài đó. Vậy mà chúng ta lại nằm bên trong”, cô nói.
“Bởi ta nằm trong, lúc nào ta cũng sẽ phải nhìn xuyên qua thành hầm. Tôi nghĩ đây là bước quan trọng đầu tiên để ta hiểu rõ về quy mô vũ trụ rộng lớn”.
Nghiên cứu của cô West đã được đăng tải trên tạp chí Astrophyics .