Đầu tiên là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra sự phân mảnh giữa các ngành nghề. Sau đó đến đại dịch Covid-19, đã thay đổi một loạt các ngành công nghiệp từ công nghệ đến thời trang. Những xáo trộn cũng lộ rõ việc có bao nhiêu tập đoàn toàn cầu đang dựa vào Trung Quốc để sản xuất và lắp ráp linh kiện.
Trước đó, việc chi phí tăng cao tại Trung Quốc đã khiến các công ty phải tìm cách mở rộng nguồn cung ứng của họ. Và những sự kiện gần đây càng làm cho vấn đề này trở nên cấp bách. Trong một cuộc khảo sát gần đây với 260 nhà lãnh đạo chuỗi cung ứng toàn cầu ở các ngành và khu vực khác nhau, công ty tư vấn và nghiên cứu Gartner nhận thấy 33% đã chuyển đổi nguồn cung hoặc sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hoặc dự định thực hiện việc này trong vòng 3 năm tới.
Lý do lớn nhất là chi phí tăng cao từ thuế quan do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại. Cuộc chiến giữa Mỹ, thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và Trung Quốc, nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã định hình lại lĩnh vực thương mại trên toàn cầu. Trong các cuộc phỏng vấn, một số giám đốc điều hành cho biết chi phí bổ sung do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với các công ty của họ là hơn 100 triệu USD. Đây là lý do chính khiến cho các công ty phải đa dạng hóa một phần trong hoạt động tìm nguồn cung ứng và chuyển sản xuất của họ sang các nước khác ở châu Á hoặc xa hơn.
Và đó cũng không phải lý do duy nhất. Các công ty cũng muốn các chuỗi cung ứng của mình có khả năng phục hồi nhanh hơn, trước mọi sự gián đoạn.
Trong nhiều thập kỷ qua, các chuỗi cung ứng đã trở nên phụ thuộc vào mạng lưới các nhà cung ứng chuyên biệt trên toàn cầu. Mô hình đó vẫn ổn, miễn là hệ thống thương mại hoạt động trơn tru và các rào cản, như thuế quan, tiếp tục giảm.
Một chuỗi cung ứng linh hoạt cũng có thể rất tốn kém, đó là lý do tại sao các công ty luôn luôn ưu tiên vấn đề này.
"Ngay cả đối với những đơn vị có nguồn tài chính, 'thực đơn' của họ cũng không phải luôn đa dạng (ví dụ: tìm nguồn cung ứng kép, nhà máy thay thế, công suất dự phòng...)", báo cáo Gartner lưu ý. "Những biện pháp như vậy dường như đi ngược lại triết lý liền mạch của chuỗi cung ứng, được thành lập dựa trên các nguyên tắc tối ưu hóa thời gian".
Nhưng các biến động trong những năm gần đây đã khiến các công ty phải đặt câu hỏi về mô hình này. Đó là lý do nhiều đơn vị đang tìm cách đa dạng hóa các nhà cung cấp tại những quốc gia bao gồm Việt Nam, Mexico, Ấn Độ và Malaysia. Một số cũng đã bắt đầu sản xuất ở gần hơn với thị trường nơi mà họ bán sản phẩm. Một phần tư các chuyên gia chuỗi cung ứng mà Gartner đã khảo sát cho biết họ đã đưa một số dây chuyền sản xuất đến gần các thị trường cuối cùng để tăng thêm tốc độ và kiểm soát nguồn cung.
Nhưng rõ ràng việc này không dễ dàng, hoặc ít tốn kém. Bởi Trung Quốc có một cơ sở hạ tầng sản xuất "vô song", giữ chân nhiều công ty sản xuất ở đó nhiều năm. Nhưng chi phí của việc không đa dạng hóa đang tăng lên và các ưu đãi từ các chính phủ khác đang đủ lớn để mạo hiểm. Ấn Độ và Nhật Bản là các ví dụ điển hình, đã và đang cung cấp các lợi ích tài chính cho những công ty muốn chuyển hệ thống sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Tham khảo QZ