Các nhà khoa học tìm ra bằng chứng về nguồn gốc của “tượng nhân sư”

Mai Linh (theo CNN) |

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tượng Nhân sư vĩ đại ở Giza có thể là do thiên nhiên tạo dựng.

Hơn 40 năm trước, Farouk El-Baz – nhà khoa học vũ trụ và nhà địa chất học nổi tiếng với các cuộc điều tra thực địa ở các sa mạc trên khắp thế giới – đã đưa ra giả thuyết rằng gió đóng vai trò lớn trong việc tạo hình Tượng Nhân sư vĩ đại ở Giza trước khi người Ai Cập cổ đại bổ sung thêm các chi tiết bề mặt.

Mới đây, một nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng cho thấy lý thuyết trên có thể hoàn toàn đúng. Một nhóm các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Toán học Ứng dụng của NYU đã nghiên cứu giả thuyết này bằng cách tái tạo các điều kiện của cảnh quan khoảng 4.500 năm trước (khoảng thời gian xây dựng Tượng Nhân sư) và tiến hành các thử nghiệm về tác động của gió tới sự hình thành đá.

Tác giả nghiên cứu, Leif Ristroph - phó giáo sư tại Viện Khoa học Toán học Courant của Đại học New York, cho biết: “Chúng tôi phát hiện ra rằng những hình dạng giống Nhân sư có thể được tạo nên từ các vật liệu bị xói mòn bởi dòng chảy nhanh”. Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các yardang mô hình đất sét – một dạng địa hình tự nhiên của cát nén hình thành từ gió ở các vùng sa mạc lộ thiên - và cho một dòng nước chảy xiết chảy qua để mô phỏng cho gió. Sau một vài bước, các nhà nghiên cứu nhận thấy hình dạng sư tử bắt đầu hình thành.

Ristroph nói: “Trong sa mạc, có những yardang tồn tại tự nhiên trông giống như những động vật đang ngồi hoặc nằm với đầu ngẩng cao. Một số trông giống như sư tử hoặc mèo đang trong tư thế ngồi nên chúng còn được gọi là “sư tử bùn”. Thí nghiệm của nhóm chúng tôi có thể mang đến thêm những hiểu biết về cách thức hình thành những yardang này”.

Tuy nhiên, Salima Ikram, giáo sư đại học nổi tiếng về Ai Cập học tại Đại học Mỹ ở Cairo, có nghi ngờ giả thuyết về sự hình thành tượng Nhân sư này: “Sau khi tượng Nhân sư được chạm khắc, thiên nhiên đã đóng một vai trò quan trọng quá trình hình thành tiếp theo của nó, nhưng không chắc hình dạng ban đầu dựa trên một yardang vì có những dấu vết mỏ đá và dụng cụ làm việc xung quanh. Có quá nhiều bằng chứng về sự can thiệp của con người vào việc xây dựng tượng Nhân sư để khiến lý thuyết yardang trở nên khả thi”.

Ristroph chia sẻ rằng: “Không ai nói đây là đồ vật được chạm khắc hoàn toàn bởi con người. Nghiên cứu của chúng tôi có mục đích là chỉ ra phần lớn những chi tiết ở đầu, cổ và bàn chân của tượng Nhân sư có thể được chạm khắc một cách tự nhiên ”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại