Các nhà khoa học phát hiện ra ngôi sao kỳ lạ có lớp vỏ rắn

Kim |

Trái với những gì ta biết, ngôi sao này sở hữu một bề mặt rắn cấu thành từ các ion.

Không khác gì Mặt Trời, các ngôi sao đều là những khối cầu plasma nóng bỏng. Thế nhưng trong nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science, các nhà thiên văn học vừa công bố sự tồn tại của một ngôi sao kỳ lạ sở hữu một lớp vỏ rắn. Từ trường của ngôi sao này mạnh tới mức kìm nén sức nóng kinh người từ ngôi sao, và khiến lớp vỏ thiên thể này rắn lại.

Các nhà khoa học phát hiện ra ngôi sao kỳ lạ có lớp vỏ rắn - Ảnh 1.

Hình minh họa sao từ - Ảnh: Depositphotos.

Các nhà khoa học phát hiện ra ngôi sao khi nghiên cứu dữ liệu có được từ vệ tinh Imaging X-ray Polarimetry Explorer (IXPE), vốn được dùng để đo đạc trạng thái phân cực của các tia X trong vũ trụ. Về cơ bản, khái niệm "phân cực" được sử dụng để mô tả hướng của các sóng từ trường, chúng có thể nói cho ta biết về bản chất nguồn phát ra tia X cũng như môi trường xung quanh nó.

Trong trường hợp này, nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu của ngôi sao 4U 0142+61, nằm tại chòm sao Cassiopeia và cách chúng ta 13.000 năm ánh sáng. 4U 0142+61 là một ngôi sao từ - một loại sao neutron sở hữu một từ trường mạnh mẽ; phát hiện cũng đánh dấu mốc lần đầu tiên khoa học phát hiện được một sao từ thông qua phân cực của tia X.

Dữ liệu chỉ ra vài điểm đáng chú ý. Thứ nhất, 4U 0142+61 không giống các ngôi sao khác, nó không hề sở hữu một quyển bao quanh mình. Kỳ lạ hơn nữa, tín hiệu chỉ có thể có nghĩa khi và chỉ khi ngôi sao sở hữu một bề mặt rắn. Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, bề mặt 4U 0142+61 cấu thành từ một lớp ion, giữ cố định bởi từ trường cực mạnh của ngôi sao từ.

"Phát hiện hoàn toàn bất ngờ", giáo sư Silvia Zane và đồng tác giả nghiên cứu mới cho hay. "Tôi đã cho rằng ngôi sao sở hữu một quyển bao bọc. Thế nhưng vật chất dạng khí của sao đã đạt ngưỡng và trở thành dạng rắn, tương tự như cách nước biến thành đá lạnh. Đây là hệ quả của một từ trường cực mạnh. Nhưng cũng như nước, nhiệt độ cũng là một yếu tố quan trọng - khí càng nóng, sức mạnh từ trường phải càng lớn để khí biến thành dạng rắn".

Đội ngũ cũng thừa nhận có thể tồn tại một lời lý giải khác cho những quan sát của họ, nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có giả định cho rằng bề mặt một ngôi sao có thể tồn tại ở dạng rắn. Nhóm nghiên cứu đang tiến hành quan sát thêm những ngôi sao từ có nhiệt độ bề mặt cao hơn, hòng tìm hiểu cách thức nhiệt độ và cường độ từ trường ảnh hưởng thế nào tới bề mặt một ngôi sao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại