Các nhà khoa học phát hiện 3 chủng của virus SARS-CoV-2 "hoành hành" ở TQ, châu Âu và Mỹ

Thu Ngọc |

Việc phát hiện ra cơ chế hình thành và lây lan của các biến thể có thể giúp các nhà khoa học xác định nguồn gốc virus và giải thích cho sự lây lan nhanh chóng của virus này.

3 biến thể của virus

Các nhà di truyền học của Anh và Đức đã phát hiện quá trình biến đổi của virus corona chủng mới và xác định loại virus đang gây ra dịch bệnh COVID-19 trên khắp thế giới này hiện đang tồn tại 3 biến thể.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hoàn chỉnh 160 bộ gen virus đầu tiên được lấy ra từ các bệnh nhân trong khoảng thời gian từ ngày 24/ 12 đến ngày 4/3, sau đó thông qua các đột biến để tái tạo lại quá trình tiến hóa ban đầu của dịch bệnh Covid-19.

"Có quá nhiều đột biến khi theo dõi sự phát triển của virus SARS-CoV-2. Chúng tôi đã sử dụng một mạng lưới thuật toán để quan sát đồng thời các biến thể của virus" ông Peter Forster, nhà di truyền học tại Đại học Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Nhóm nghiên cứu đã gọi ba biến thể của virus corona là chủng A, B và C. Chủng A gần nhất với loại virus được phát hiện ở loài dơi. Điều thú vị là tuy được tìm thấy ở thành phố Vũ Hán(Trung Quốc), nơi được coi là tâm chấn của đợt bùng phát dịch ban đầu trên toàn thế giới, nhưng nó lại không phải là loại virus chủ yếu được tìm thấy ở đây. Loại A được tìm thấy ở những bệnh nhân người Mỹ sống ở Vũ Hán, Mỹ và Australia.

Theo nghiên cứu này, các biến thể phổ biến nhất được tìm thấy ở Vũ Hán là chủng B. Trước khi đột biến, chủng virus này dường như không lây lan xa hơn khu vực Đông Á. Theo các nhà khoa học nguyên nhân có thể là các khu vực khác trên thế giới có thể tồn tại 1 số chất có tác dụng tiêu diệt chủng virus này.

Cuối cùng, chủng C là biến thể được tìm thấy hầu hết ở các nước châu Âu dựa trên việc phân tích các trường hợp nhiễm bệnh ở Pháp, Italy, Thụy Điển và Anh. Các nhà khoa học không phát hiện chủng C ở bất kỳ bệnh nhân nào ở Trung Quốc đại lục, mặc dù nó xuất hiện trong các mẫu bệnh phẩm gửi về từ Singapore, Hồng Kông và Hàn Quốc.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng biến thể A là căn nguyên của sự khởi phát dịch COVID-19 vì nó liên hệ gần nhất với virus được tìm thấy ở loài dơi và tê tê. Với 2 gen đột biến, chủng B có nguồn gốc từ chủng A. Còn chủng C do chủng B sinh ra.

"Loại virus chủng B tại Vũ Hán có thể biến đổi để thích nghi về mặt miễn dịch hoặc môi trường với phần lớn các nước Đông Á. Để lây lan ra ngoài khu vực này, nó sẽ cần trải qua đột biến để chiến thắng được điều kiện không phù hợp ở bên ngoài. Vì vậy, trong giai đoạn đầu của dịch COVID-19, chúng ta dường như chứng kiến tốc độ lây lan ở Đông Á diễn ra chậm hơn so với các nơi khác", ông Forster giải thích.

Việc dịch chuyển của con người là nguyên nhân lây lan

Nghiên cứu cũng ghi nhận việc dịch chuyển của con người đã đẩy nhanh tốc độ lây lan virus. Ca nhiễm bệnh COVID-19 đầu tiên tại Đức là 1 nhân viên văn phòng ở thành phố Munich được chẩn đoán mắc bệnh vào ngày 27/1.

Ví dụ, bệnh nhân người Đức này bị lây bệnh từ một đồng nghiệp Trung Quốc sống ở Thượng Hải, người này trước đó sống cùng với đón bố mẹ đến chơi từ Vũ Hán. Nghiên cứu cho biết sự lây lan từ Đức sang Italy được ghi nhận lần đầu là trường hợp một du khách người Mexico phát hiện dương tính với virus corona vào ngày 28/ 2.

Các nhà nghiên cứu đã ghi nhận 10 quá trình biến đổi trong hành trình virus lây lan từ Vũ Hán đến Mexico. "Do đã tái tạo lại được "cây phả hệ" (lịch sử tiến hóa) của loại virus corona nên chúng tôi có thể sử dụng công cụ này để theo dõi các con đường lây nhiễm từ người này sang người khác. Từ đó, chúng ta sẽ tìm ra được một phương pháp thống kê giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây nhiễm trong tương lai khi bệnh dịch này tái bùng phát" ông Forster nói.

Ông nói thêm rằng với các dữ liệu thu được, các nhà nghiên cứu có thể xác định hiệu quả hơn hơn thời điểm dịch bệnh khởi phát."Tôi hy vọng với những kiến ​​thức mới thu được về nguồn gốc và sự lây lan của virus corona, chúng ta sẽ xây dựng được 1 mô hình máy tính chính xác hơn. Từ đó, con người có thể biết được các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất"

"Nghiên cứu này chỉ ra rằng trong quá trình lây lan, virus ngày càng thích nghi với các nhóm dân cư khác nhau. Do vậy, các nước cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng chống sự lây lan của đại dịch COVID-19. Người dân cần chú ý nhiều hơn đến việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh... loại virus này có thể cùng tồn tại với con người trong một thời gian dài nữa".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại