Ngày 3-8, nhóm nghiên cứu tại Mỹ thông báo họ đã khôi phục lượng máu và chức năng tế bào trên khắp cơ thể của những con heo đã chết trong một giờ.
Thành công của nghiên cứu làm dấy lên hy vọng về một loạt ứng dụng y tế trên người trong tương lai. Trước mắt, nghiên cứu có thể giúp các cơ quan nội tạng người tồn tại lâu hơn, giúp cứu sống nhiều người cần cấy ghép nội tạng trên thế giới.
Tuy nhiên, nghiên cứu ‘tái định nghĩa cái chết này’ cũng gây ra tranh luận về tính đạo đức.
Từ năm 2019, nhóm nghiên cứu đã gây sửng sốt cho cộng đồng khoa học khi tìm cách khôi phục chức năng tế bào trong não của heo vài giờ sau khi chúng bị chặt đầu.
Trong nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí khoa học Nature ngày 3-8, các nhà khoa học đã tìm cách mở rộng kỹ thuật này cho toàn bộ cơ thể heo.
Họ gây ra một cơn đau tim ở những con heo được gây mê, làm máu ngừng chảy trong cơ thể. Ở động vật có vú, không có oxy các tế bào sẽ chết. Thực tế các con heo trong nghiên cứu đã chết trong vòng một giờ.
Sau đó nhóm nghiên cứu bơm vào cơ thể heo loại chất lỏng có chứa máu của chúng, cùng với dung dịch bao gồm hemoglobin - phân tử protein trong các tế bào hồng cầu mang oxy từ phổi đến các mô của cơ thể - và các loại thuốc bảo vệ tế bào cũng như ngăn ngừa máu đông.
Máu trong cơ thể heo bắt đầu lưu thông trở lại và nhiều tế bào bắt đầu hoạt động, bao gồm các cơ quan quan trọng như tim, gan và thận trong 6 giờ tiếp theo của thí nghiệm.
Nenad Sestan, nhà cứu tại Đại học Yale và cũng là người dẫn đầu nghiên cứu nói trên, cho biết những tế bào của heo đã sống lại trong hàng giờ. "Điều này cho thấy quá trình chết của tế bào có thể bị dừng lại" - ông nói.
Stephen Latham, nhà đạo đức học tại Đại học Yale và đồng tác giả nghiên cứu, cho biết trong quá trình thử nghiệm, hầu hết các con heo đã chết đều có chuyển động mạnh mẽ ở đầu và cổ.
"Điều đó khiến những người trong phòng (thí nghiệm) khá ngạc nhiên", ông Latham kể.
Nhưng ông Latham nhấn mạnh rằng dù có chuyển động nhưng não của heo thì không, cho thấy chúng không bao giờ tỉnh lại sau khi chết. Dù vậy, nghiên cứu khoa học thần kinh gần đây cho thấy "trải nghiệm có ý thức" có thể tiếp tục ngay cả khi không thể đo được điện não đồ.
Ông David Andrijevic, đồng tác giả nghiên cứu và cũng đến từ Đại học Yale, cho biết nhóm nghiên cứu hy vọng kỹ thuật được gọi là OrganEx này "có thể được sử dụng để cứu nội tạng người".
Ông Anders Sandberg, Viện Tương lai nhân loại của Đại học Oxford, nhận định OrganEx cho phép các bác sĩ có nhiều lựa chọn hơn trong việc chữa bệnh.
Theo ông Brendan Parent - nhà đạo đức sinh học tại Trường Y khoa Grossman thuộc Đại học New York (NYU), kỹ thuật OrganEx có thể được sử dụng để hồi sức cho bệnh nhân, nhưng cũng làm tăng nguy cơ đưa bệnh nhân vào tình thế không thể sống nếu không có hỗ trợ y khoa. Ông Brendan Parent gọi tình trạng này là "mắc kẹt trên cây cầu dẫn tới hư không".
Chuyên gia Sam Parnia cũng đến từ Trường Y Grossman nhận định đây là nghiên cứu thực sự đáng chú ý và vô cùng quan trọng. Nó cho thấy cái chết là một quá trình sinh học có thể đảo ngược trong nhiều giờ sau khi xảy ra.
Benjamin Curtis, nhà triết học tại Đại học Nottingham Trent của Vương quốc Anh, cho rằng định nghĩa về cái chết có thể cần được cập nhật vì cái chết được cho là không thể đảo ngược.