Các nhà khoa học ghi lại được khoảnh khắc não bộ 'dọn dẹp' các tế bào thần kinh bị chết

Thiên Long |

Dọn dẹp các tế bào thần kinh bị chết là một trong những cơ chế tuyệt vời của não bộ và cơ thể nhằm bảo vệ hệ thần kinh và tăng khả năng truyền tải tín hiệu trong não bộ.

Trong cơ thể người, trung bình có hàng chục tỷ tế bào chết hàng ngày. Đó là một quá trình tự nhiên và quan trọng để giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh. Giờ đây lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tại Tường y khoa Yale (Mỹ) đã ghi lại trực tiếp cái chết của tế bào thần kinh ở chuột và cách cơ thể loại bỏ các nơ-ron đã chết.

Các nhà khoa học ghi lại được khoảnh khắc não bộ dọn dẹp các tế bào thần kinh bị chết - Ảnh 1.

Mặc dù tế bào não là thứ vô cùng quan trọng mà cơ thể cần giữ lại nhưng tốt nhất là nên loại bỏ những tế bào đã chết và không còn hoạt động hiệu quả nữa. Trên thực tế sự tích tụ các tế bào chết có thể làm hỏng hệ thống thần kinh và gây thoái hóa thần kinh.

Để ngăn chặn điều này, não và cơ thể có một quá trình tự nhiên giúp loại bỏ các tế bào chết. Nhưng các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa thể tìm thấy cơ chế chính xác về cách não loại bỏ các tế bào chết trong hệ thần kinh như thế nào.

Nhưng nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Trường y khoa Yale đã phần nào đem tới câu trả lời. Sử dụng một hệ thống mới có tên 1Phatal, nhóm nghiên cứu đã thử gây ra cái chết cho các tế bào cụ thể trong não bộ của một con chuột sống. Sau đó, họ xem quá trình não bộ dọn sạch các tế bào chết đã được "đánh dấu " bằng huỳnh quang để tiện theo dõi.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, có ba loại tế bào tham gia vào quá trình dọn dẹp này. Đây đều là những tế bào thần kinh đệm, bao quanh và hỗ trợ các tế bào thần kinh khác. Nó hợp thành cùng các nơ-ron tạo nên mô thần kinh.

Trong vài giờ đầu sau khi tế bào thần kinh chết, tế bào thần kinh đệm microglia tràn qua cơ thể của tế bào đã chết và tiến hành loại bỏ nó. Trong khi đó, tế bào thần kinh đệm hình sao astrocytes cũng tiến hành làm sạch các sợi, nhánh kết nối với tế bào thần kinh chết.

Các nhà khoa học ghi lại được khoảnh khắc não bộ dọn dẹp các tế bào thần kinh bị chết - Ảnh 2.

Cuối cùng là các tế bào NG2 sẽ xen vào quá trình dọn dẹp khi cần thiết. Mặc dù mỗi loại tế bào có sở thích ăn từng phần của tế bào đã chết, nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy nếu một tế bào không thể ăn hết tế bào chết, các loại tế bào khác sẽ tham gia và đảm bảo "dọn dẹp" sạch sẽ chúng dù thời gian có thể chậm hơn đôi chút.

Thú vị thay ở những bộ não có tuổi, các tế bào thần kinh đệm dường như hoạt động chậm hơn  khi chúng phải mất tới hai lần để loại bỏ tế bào thần kinh đã chết. Điều này hoàn toàn dễ hiểu và có thể giải thích lý do tại sao người có tuổi thường hay gặp tình trạng thoái hóa thần kinh.

Jaime Grutzendler, tác giả nghiên cứu nhận định, nếu các tế bào thần kinh đang chết và việc loại bỏ chúng không hiệu quả, các tế bào đó có thể gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh của chúng ta. Nhưng điều này rõ ràng cũng phụ thuộc vào tuổi tác khá nhiều.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Science Advances mới đây.

Mô phỏng quá trình các tế bào thần kinh "dọn dẹp" tế bào chết trong não bộ của một con chuột

Tham khảo Newatlas

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại