Đối với Crystal Owens, người có bằng Tiến sĩ về kỹ thuật cơ khí tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), việc theo đuổi tỷ lệ creme bằng nhau trong bánh Oreo - thứ dễ bị tách ra với một bên gần như không có creme - là một giấc mơ cả cuộc đời.
Và mãi mới đây, cuối cùng cô đã có cơ hội dẫn dắt các nhà nghiên cứu tiến hành kiểm tra xác suất để đạt được kết quả linh thiêng này bằng cách sử dụng máy đo lưu biến, một công cụ đo mô-men xoắn và độ chảy của các chất khác nhau.
Và các thử nghiệm đã cho thấy rằng ngay cả trong điều kiện phòng thí nghiệm, thực tế là bạn không thể tách đôi hai mảnh bánh Oreo ra với lượng creme đều nhau ở cả hai bên, cho dù việc đó được tiến hành trên quy mô lớn tới mức nào chăng nữa. Báo cáo nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí Vật lý chất lỏng, cùng với việc đưa ra thuật ngữ mới "Oreology" có định nghĩa là "nghiên cứu về sự chảy và đứt gãy của bánh quy sandwich."
“Cá nhân tôi bị thúc đẩy bởi mong muốn giải quyết một thử thách khiến tôi bối rối khi còn nhỏ: làm thế nào để mở một chiếc bánh Oreo với lượng creme đồng đều trên cả hai tấm bánh?”, tiến sĩ Owens cho biết trong một email. “Tôi thích hương vị của những chiếc bánh quy có lớp creme lộ ra ngoài. Nếu tôi cắn một miếng bánh đơn lẻ không creme, nó quá khô đối với tôi, còn nếu tôi nhúng nó vào sữa, tấm bánh sẽ vỡ quá nhanh.”
“Khi đến MIT, tôi đã học cách sử dụng máy đo lưu biến trong phòng thí nghiệm, chứng kiến nó xoay một mẫu chất lỏng giữa các đĩa song song để đo độ chảy”, cô tiếp tục. “Ban đầu tôi sử dụng máy đo lưu biến của mình để kiểm tra mực in, dựa trên ống nano carbon mà tôi đang thiết kế để in 3D các thiết bị điện tử linh hoạt. Nhưng một ngày nọ, tôi nhận ra rằng mình đang có đủ công cụ và kiến thức để giải quyết thử thách với những chiếc bánh Oreo.”
Thiết bị in 3D được tạo ra để nghiên cứu cách mở bánh Oreo.
Owens và các đồng nghiệp của cô đã thực hiện một cách tiếp cận có phương pháp để tìm lời giải cho câu hỏi quan trọng này. Và họ thậm chí còn phát minh ra “Oreometer”, một thiết bị in 3D được thiết kế riêng cho bánh Oreo và các vật thể tròn có kích thước tương tự.
Sau khi tách Oreo ra với các dụng cụ, nhóm nghiên cứu đã kiểm tra trực quan tỷ lệ creme trên mỗi tấm bánh và ghi lại các phát hiện. Một số biến thể trong thử nghiệm cũng được đưa ra, chẳng hạn như nhúng bánh quy vào sữa, thay đổi tốc độ quay của máy đo lưu biến và thử nghiệm các hương vị Oreo khác nhau. Nhưng dù đã cố gắng hết sức, các nhà nghiên cứu vẫn không thể tìm ra giải pháp cho vấn đề đã khiến tiến sĩ Owen băn khoăn trong nhiều thập kỷ.
“Các kết quả đã xác thực những gì tôi thấy khi còn nhỏ - chúng tôi không tìm thấy mẹo nào để mở những chiếc bánh Oreo”, Owens nói. “Về cơ bản trong tất cả các cách xoắn mở có thể có, lớp creme có xu hướng tách rời khỏi một tấm bánh, dẫn đến một tấm còn lại gần như trần trụi và một tấm có gần như tất cả creme.
Trong trường hợp creme tồn tại trên cả hai tấm bánh, nó có xu hướng chia đôi để mỗi tấm có một 'nửa mặt trăng' chứ không phải là một lớp mỏng. Vì vậy không có bí quyết nào để có được creme đồng đều ở khắp mọi nơi chỉ bằng cách vặn mở. Bạn sẽ phải trộn lại nó theo cách thủ công nếu muốn có sự đồng đều.”
“Điều này gây ngạc nhiên cho tôi bởi vì tôi đã tưởng tượng rằng nếu bạn xoay Oreo một cách hoàn hảo, bạn sẽ có được lớp kem phân chia cũng hoàn hảo. Nhưng rõ ràng đó không phải là cách vật lý hoạt động”, cô tiếp tục.
Và nữ tiến sĩ cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng bánh Oreo không chứa đầy kem, mà là creme. Đó giống như một lớp kem phủ hơn là một loại kem như pho mát kem hoặc nhân kem trong bánh ngọt, và thực sự nó không chứa sữa. “Tuy nhiên, tính chất lưu biến vẫn tương tự đối với các chất lỏng khác nhau,” cô nói thêm.
Trong khi nhóm nghiên cứu hiện đã xác nhận tính chất khó nắm bắt của bánh Oreo, nghiên cứu mới chứa đầy những tiết lộ mới về món ăn nhẹ phổ biến này và các đặc tính hấp dẫn của nó. Owens và các đồng nghiệp của cô ấy lần đầu tiên báo cáo rằng bánh Oreo thuộc về cái gọi là chế độ kết cấu “nhão”.
Nhóm nghiên cứu đã gắn bánh vào máy đo lưu biến để nghiên cứu ảnh hưởng của tốc độ quay, hương vị, lượng creme trên các mẫu bánh Oreo.
Theo nghiên cứu, các nhà khoa học cũng tính toán “sự suy giảm độ bền của tấm sô cô la theo thời gian sau khi sữa ngấm vào sữa”, với kết luận rằng bánh Oreo bị “mất cấu trúc đáng kể” trong vòng một phút sau khi tiếp xúc với sữa. Những phát hiện này đưa ra một chuỗi thách thức khác đối với thế giới quan của Owens liên quan đến bánh quy Oreo.
“Tôi từng nghĩ rằng bạn cần phải nghiền nhỏ chiếc bánh quy và đợi nó thấm sữa để tạo ra hương vị ngon nhất, nhưng chiếc bánh quy dạng này sẽ bị hỏng quá nhanh", cô nói. “Tôi từng nghĩ rằng bánh quy trở nên mềm có nghĩa là nó có đủ sữa, nhưng hóa ra bánh vẫn có thể cảm thấy 'khô' và cần nhiều sữa hơn vì nó cần thời gian để rã ra sau khi làm ướt.
Theo một nghiên cứu khác mà tôi đã phát hiện, bánh quy chiếm nhiều sữa nhất có thể chỉ trong 5 giây sau khi ngâm, do đó, có một 'điểm ngọt ngào' trong thời gian trước khi nó bị hỏng."
Owens hy vọng công việc của cô sẽ khiến mọi người suy nghĩ về các khái niệm khoa học đang làm nền tảng cho các bữa ăn nhẹ và thói quen thưởng thức hàng ngày của họ.
“Có rất nhiều câu hỏi mà chúng tôi không thể trả lời đầy đủ trong nghiên cứu đầu tiên của mình và vì vậy chúng tôi hoan nghênh những người khác đóng góp ý tưởng và thử nghiệm của riêng họ", cô kết luận. “Chúng tôi đang xem xét một nghiên cứu tiếp theo về kem. Hiện tại, chúng tôi sẽ chỉ giữ bánh Oreo trong phòng nghỉ để 'kiểm tra mùi vị' giữa các thử nghiệm khác và có thể chúng tôi sẽ tìm ra một câu đố mới để giải quyết."