Các nhà khoa học cảnh báo: Cây xanh phát triển nhanh do hấp thụ CO2 nhưng điều này chỉ diễn ra được 80 năm nữa

Billvn |

Liệu với mức hấp thụ carbon dioxide quá nhiều như hiện nay, trong tương lai cây xanh có còn khả năng này nữa hay không?

Các nhà khoa học dự đoán cây sẽ phát triển nhanh hơn khi chúng ngấu nghiến carbon dioxide (CO2) cho đến cuối thế kỷ. Nhưng các chuyên gia không chắc chắn chúng có thể tiếp tục hấp thụ carbon dioxide vào năm 2100 hay không?

Một nghiên cứu mới đây đưa ra lời cảnh báo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng trong cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu. Bài báo của nhóm nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.

Cụ thể, nhóm các nhà khoa học đã xem xét 138 nghiên cứu hiện tại về đồng cỏ, đất được sử dụng cho cây trồng, cây bụi và rừng nơi có mức độ carbon dioxide tăng cao. Những thí nghiệm này bao gồm các phương pháp tiếp cận như trồng cây trong các buồng đặc biệt và khử trùng rừng bằng carbon dioxide. Họ cũng xem xét mối quan hệ cộng sinh giữa thực vật và nấm giúp cả hai phát triển mạnh, cũng như dữ liệu về các chất dinh dưỡng trong đất như nitơ, phốt pho mà cây cần để biến carbon dioxide thành thức ăn.

Rob Jackson, Trưởng khoa Khoa học Hệ thống Trái đất tại Đại học Stanford và là đồng tác giả của bài báo được đăng trên tạp chí Nature Climate Change, giải thích: "Trong ba hoặc bốn thập kỷ qua, các khu rừng và hệ thống trên mặt đất nói chung đã hấp thụ gần một phần tư tất cả khí thải nhiên liệu hóa thạch thải vào không khí.

Nếu không có điều này thì nồng độ carbon dioxide trong khí quyển sẽ tăng nhanh hơn với cùng mức phát thải".

Các nhà khoa học cảnh báo: Cây xanh phát triển nhanh do hấp thụ CO2 nhưng điều này chỉ diễn ra được 80 năm nữa - Ảnh 1.

Các khu rừng là nguồn quan trọng để hấp thụ khí carbon dioxide do các hoạt động của con người phát thải ra

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy sự tương tác giữa nitơ, phốt pho cũng như mối quan hệ giữa nấm và thực vật trong việc thúc đẩy thực vật hấp thụ carbon dioxide trong những thập kỷ tới.

Các tác giả của công trình nghiên cứu cho biết: "Kết quả của chúng tôi nhấn mạnh vai trò chính của các hệ sinh thái trên cạn, đặc biệt là các khu rừng, trong việc giảm thiểu sự gia tăng carbon dioxide trong khí quyển do phát thải do con người tạo ra".

Họ tiếp tục cảnh báo: "Vì vậy, nếu nạn phá rừng và thay đổi sử dụng đất tiếp tục làm giảm diện tích rừng hoặc nếu sự ấm lên và những thay đổi toàn cầu khác làm giảm hoặc đảo ngược bể carbon, chúng ta sẽ mất một yếu tố quan trọng trong việc hạn chế sự nóng lên của toàn cầu".

Jackson cho biết: "Chúng tôi rất vui khi thấy rằng các khu rừng dường như sẽ phát triển nhanh hơn nữa trong tương lai do kết quả của việc hấp thụ CO2". Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các khu rừng không đủ để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Vấn đề quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải có kế hoạch cắt giảm thật nhiều khí thải trong tương lai.

Đây là dự án mới nhất của các chuyên gia để đánh giá vai trò của thực vật đối với biến đổi khí hậu. Tuần trước, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đất đai, bao gồm cả rừng, trong việc kiểm soát biến đổi khí hậu. Và một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science vào tháng 7 cho thấy việc khôi phục rừng trên quy mô toàn cầu có thể giúp giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu.

"Việc bảo tồn và phục hồi các khu rừng của chúng ta không chỉ chống lại biến đổi khí hậu. Rừng làm sạch nước và không khí của chúng ta, giảm xói mòn đất và chứa hầu hết đa dạng sinh học của thế giới. Chúng ta chăm sóc rừng để làm cho khí hậu tốt hơn", Jackson giải thích.

César Terrer, tác giả chính của nghiên cứu và học giả sau tiến sĩ về khoa học hệ thống Trái đất tại Trường Khoa học Trái đất, Năng lượng và Môi trường thuộc Đại học Stanford, đã bình luận: "Giữ nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất là cách tốt nhất để hạn chế sự nóng lên".

Terrer nhận xét: "Chúng tôi đã chứng kiến ​​việc khai thác gỗ bừa bãi trong các khu rừng nhiệt đới nguyên sơ – nơi được xem là hồ chứa sinh khối lớn nhất hành tinh. Chúng tôi đứng trước một công cụ cực kỳ quan trọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu".

Các nhà khoa học cảnh báo: Cây xanh phát triển nhanh do hấp thụ CO2 nhưng điều này chỉ diễn ra được 80 năm nữa - Ảnh 2.

Con người phải bảo vệ rừng để giữ cho trái đất chậm nóng lên.

Giáo sư Patricia Thornley, giám đốc Viện nghiên cứu năng lượng và sinh học tại Đại học Aston của Anh, người không tham gia vào nghiên cứu, nói: "Một trong những vấn đề được nêu ra trong báo cáo là hạn chế chính trong việc đạt được tăng trưởng sinh khối, đó chính là sự có sẵn của nitơ (chủ yếu) và phốt pho (thứ yếu).

Điều này khiến chúng ta phải thực sự cẩn thận trong việc quản lý chất dinh dưỡng trên toàn cầu, đảm bảo rằng nitơ và các chất dinh dưỡng thực vật khác được áp dụng một cách thích hợp và không bị lãng phí hoặc cho phép tích lũy, gây ô nhiễm".

Tuy nhiên, bà nói thêm: "Báo cáo này có nhiều điểm chưa hoàn toàn chắc chắn, nên chúng tôi chưa thể hoàn toàn tin tưởng cây xanh phát triển mạnh hơn do hấp thụ nhiều carbon dioxide hay còn có ảnh hưởng của những thay đổi về nguồn nước, vốn cũng là yếu tố có sự tác động mạnh mẽ đến sinh trưởng của thực vật".

Tham khảo: Newsweek

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại