Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế

THANH LONG |

Tay những con khủng long này còn ngắn hơn cả T-rex. Trông chúng cứ như những con búp bê bị lỗi.

Khi một con T-rex đánh rơi một cái cốc, nó không thể cúi xuống nhặt, bởi tay quá ngắn còn đầu thì quá to. Đã có không ít những câu chuyện cười hoặc meme như vậy, được làm ra chỉ để chế nhạo những con khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex.

Tất cả chỉ vì cánh tay của chúng quá ngắn và vô dụng.

Nhưng bạn có biết: Đối với một loài khủng long mới được phát hiện ở Argentina, chúng vẫn phải nhìn những con T-rex ở Bắc Bán Cầu như huyền thoại thủy thủ Popeye trong thế giới của mình.

Loài khủng long này được đặt cho cái tên là Guemesia ochoai. Hai chi trước của nó nhỏ và yếu đến nỗi nếu tiến hóa thêm, chúng rất có thể sẽ tiêu biến. Vậy mà loài khủng long không tay này đã chạy trên khắp các lục địa Châu Âu, Châu Phi, Nam Mỹ và Ấn Độ, trước khi bị tuyệt chủng vào 66 triệu năm trước.

Thế nên, đừng để bị đánh lừa bởi vẻ ngoài buồn cười và ngốc nghếch ấy. G. ochoai sở hữu một vũ khí khủng khiếp không nằm trên thân mình. Loài người chắc chắn sẽ không thể chế nhạo những con khủng long này nếu sống cùng thời đại với chúng.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 1.

Một hóa thạch lần đầu tiên được biết đến

Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Vertebrate Paleontology, các nhà cổ sinh vật học cho biết họ mới tìm thấy một mẫu hóa thạch quý hiếm của loài khủng long tên là Guemesia ochoai ở Argentina.

Cái tên được đặt để vinh danh Martin Miguel de Güemes, một vị tướng là anh hùng trong cuộc chiến tranh giúp Argentina giành độc lập và Javier Ochoa, người kỹ thuật viên bảo tàng đã phát hiện ra mẫu vật.

Theo các đặc điểm phục dựng từ hóa thạch, loài khủng long này thuộc vào họ Abelisaurids, một nhóm khủng long ăn thịt có tay nhỏ giống với Tyrannosaurus rex.

Hóa thạch được tìm thấy ở Argentina bao gồm một hộp sọ có niên đại khoảng 70 triệu năm. Và đó là chiếc hộp sọ duy nhất của G. ochoai từng được tìm thấy.

Qua chiếc hộp sọ này, lần đầu tiên các nhà khoa học có thể khẳng định não của loài khủng long này bé hơn đáng kể so với những loài Abelisaurids khác trong họ. Ví dụ như khi so với loài Carnotaurus đầu nhỏ từng được giới thiệu trong Công viên Kỷ Jurassic, não của G. ochoai thậm chí còn nhỏ hơn 30%.

Những con Carnotaurus được giới thiệu trong Công viên Kỷ Jura  

Hộp sọ của G. ochoai cũng tiết lộ nhiều đặc điểm khác với những loài Abelisaurids, bao gồm việc chúng không có sừng, có xương mỏng và một loạt các lỗ ở trên đỉnh đầu.

Các nhà khoa học suy đoán những chiếc lỗ này chính là lỗ tản nhiệt. Khi những con khủng long vận động và trở nên quá nóng, chúng sẽ bơm máu lên đỉnh đầu và giải phóng sức nóng qua các lỗ trao đổi nhiệt ấy.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 3.
Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 4.

Không có tay, tàn nhưng không phế

Các hóa thạch của G. ochoai trước đây đều cho thấy đây là một loài khủng long "cụt tay". Hai chi trước của nó quá nhỏ và gần như đã bị tiêu biến hoàn toàn.

Hai mẩu tay của G. ochoai chỉ như những mẩu thịt thừa buông thõng đung đưa trước lồng ngực khổng lồ của nó. Với xương cẳng tay cực kỳ ngắn, không có khớp khuỷu tay và cũng không có các đốt ngón tay, hai chi trước của G ochoai về cơ bản là vô dụng.

Chúng không thể gập và cũng không thể cầm nắm. Không có móng vuốt khiến loài khủng long này cũng không thể cào.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 5.

Nhưng đừng để cánh tay vụng về đó đánh lừa bạn. Mặc dù sở hữu những cánh tay vô dụng, những con G. ochoai vẫn có thể hạ gục những con mồi to lớn hơn chúng rất nhiều.

Đó là bởi loài khủng long này sở hữu một bộ hàm rất khỏe và những chiếc răng sắc nhọn như lưỡi dao. Chúng thậm chí còn được mệnh danh là khủng long bạo chúa ở Nam Mỹ.

Một số loài trong họ khủng long cụt tay Abelisaurids thậm chí còn hạ được cả những con khủng long cao cổ Titanosauria, với chiều dài lên tới 37 mét và nặng 70 tấn. Do đó, không loại trừ việc loài G. ochoai mới được phát hiện cũng có kỹ năng săn mồi thượng đẳng.

Rõ ràng, phải có một lợi thế tiến hóa bù đắp cho những loài khủng long cụt tay này, để chúng có thể chiếm lĩnh toàn bộ các khu vực Nam Bán Cầu, được gọi là lục địa Gondwana trong suốt Kỷ Phấn Trắng.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 7.

Các nhà khoa học hiện vẫn chưa rõ tại sao các loài khủng long thuộc họ Abelisaurids, bao gồm G. ochoai ở Nam Bán Cầu lại tiêu biến tay hoàn toàn như vậy. Các bằng chứng về gen thì cho thấy chúng đã tích lũy một khiếm khuyết di truyền ở hai gen quyết định sự phát triển của chi trước là HOXA11 và HOXD11.

Nhưng tổ tiên của các loài khủng long này được cho là vẫn giữ những cánh tay hữu dụng. Ngay cả những con T rex ở Bắc Bán Cầu cũng vẫn có thể cử động tay và thậm chí nâng một trọng lượng tới 200 cân bằng đôi bàn tay bé nhỏ của chúng.

T rex cũng thường sử dụng tay để chém con mồi với móng vuốt, hoặc kẹp chặt chúng trước khi ra đòn quyết định bằng hàm răng sắc nhọn của mình.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 9.

"Sự đối lập mạnh mẽ về hình thái của Guemesia ochoai với các loài abelisaurid khác có thể là một bằng chứng cho thấy sự khác biệt địa lý sinh học của vùng tây bắc Argentina trong cuối Kỷ Phấn Trắng", các tác giả nghiên cứu cho biết.

Đây là khoảng thời gian mà siêu lục địa Pangea bắt đầu tách ra thành hai mảng lớn: Laurasia hình thành lên Bắc Bán Cầu ngày nay và Gondwana hình thành lên Nam Bán Cầu.

"Trong Kỷ Phấn Trắng muộn, Nam Mỹ tiếp tục được phân chia thành các lãnh thổ đông bắc và tây nam cách nhau một hành lang biển hoạt động như một bộ lọc đối với một số động vật có xương sống", các tác giả viết.

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện một loài khủng long cụt tay, nhưng chúng tàn mà không phế - Ảnh 11.

Vì vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các loài khủng long cụt tay ở khu vực này đa dạng hơn nhiều so với trước đây chúng ta từng nghĩ. Và so với các khu vực giàu hóa thạch khác trên thế giới, Argentina vẫn còn là một miền đất tương đối hoang sơ chưa được khám phá.

Nhiều khả năng, G. ochoai chưa phải loài khủng long cụt tay cuối cùng mà chúng ta tìm thấy ở đây.

Tham khảo Sciencealert, Phys

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại