Các nhà giáo đề xuất giải pháp ngăn chăn gian lận thi THPT Quốc gia

Bích Lan |

Các nhà giáo đề xuất mỗi điểm thi THPT Quốc gia có thể quét bài của thí sinh ngay hoặc chuyển toàn bộ khâu chấm thi về Bộ GD-ĐT.

Từ những sai phạm trong chấm thi THPT Quốc gia năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La, nhiều thầy cô giáo đang giảng dạy ở các trường học cho rằng, cần phải chấn chỉnh công đoạn coi thi, chấm thi.

Ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng trường THPT Lạc Long Quân, tỉnh Hòa Bình nêu quan điểm, việc thực hiện nghiêm túc kỳ thi THPT Quốc gia hay không phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm của cán bộ coi thi.

Dù máy móc, thiết bị có hiện đại như thế nào đi chăng nữa mà ý thức của người tham gia công tác coi thi, chấm thi mà không tốt thì vẫn có thể xảy ra sai phạm như ở tỉnh Hà Giang, Sơn La.

Các nhà giáo đề xuất giải pháp ngăn chăn gian lận thi THPT Quốc gia - Ảnh 1.

Trường THPT Lạc Long Quân, tỉnh Hòa Bình

Mỗi điểm thi có thể quét bài của thí sinh ngay

Để thực hiện nghiêm được quy chế, ông Chu Văn Quân cho rằng có rất nhiều cách thức như: Tăng cường ý thức trách nhiệm cho cán bộ làm công tác thi, học sinh tham dự thi.

Còn để chống gian lận thi cử nếu còn tổ chức kỳ thi “2 trong 1” như năm nay thì Bộ GD-ĐT cần yêu cầu mỗi điểm thi có một máy quét ảnh. Trong số cán bộ coi thi thì phải có người được tập huấn công tác quét bài.

Việc trang bị cho mỗi điểm thi một máy quét ảnh là rất cần thiết vì các trường THPT cũng rất cần để phục vụ cho việc kiểm tra học kỳ, thi thử theo hình thức trắc nghiệm tại trường.

Còn để thực hiện công tác chấm thi, sau mỗi buổi thi trắc nghiệm, mỗi điểm thi có thể quét bài của thí sinh ngay. Việc này có thể làm được ngay vì số bài thi của mỗi môn ở một điểm thi ở một tỉnh không phải nhiều.

Ví dụ như điểm thi ở trường THPT Lạc Long Quân chỉ có hơn 200 học sinh. Nếu học sinh thi xong mà điểm thi quét bài luôn thì tốc độ tương đối nhanh.

Các nhà giáo đề xuất giải pháp ngăn chăn gian lận thi THPT Quốc gia - Ảnh 2.

Ông Chu Văn Quân, Hiệu trưởng trường THPT Lạc Long Quân, tỉnh Hòa Bình


Theo ông Chu Văn Quân, việc quét bài thi dưới sự chứng kiến của nhiều cán bộ coi thi thì không ai dám can thiệp vào bài thi của thí sinh. Sau khi có dữ liệu quét bài thi thì chúng ta có thể in ra làm 3 đĩa.

Một đĩa do trưởng điểm thi giữ, một đĩa do phó trưởng điểm của trường ĐH giữ và một đĩa gửi về Ban chỉ đạo thi của địa phương.

Tất cả các đĩa này đều được cho vào phong bì niêm phong cẩn thận. Nếu làm được điều này thì không ai ở tổ chấm thi của hội đồng có thể can thiệp vào để thay đổi bài làm của thí sinh.

Đối với bài thi tự luận là Ngữ văn, khi thu bài, các điểm thi nên thực hiện thêm công đoạn yêu cầu thư ký nên gạch chéo vào phần chưa viết trong bài thi của thí sinh bằng bút đỏ và ký xác nhận vào đó. 

Trước đây, phần việc này do cán bộ coi thi thứ nhất làm thì nay, chúng ta có thể chuyển bước đó cho thư ký thu bài ở tại điểm thi thực hiện. Như vậy, không ai có thể nghĩ đến việc viết thêm, sửa chữa hay đổi giấy thi của thí sinh.

Cần chuyển toàn bộ khâu chấm thi về Bộ GD-ĐT

Thầy giáo Bùi Việt Hà, công tác ở công ty School@net góp ý về quy trình và chương trình chấm thi THPT quốc gia của Bộ GD-DT cho các năm sau (nếu vẫn giữ kiểu thi như năm nay).

Mục đích chính là chống gian lận theo cách hiệu quả nhất có thể thì Bộ GD-ĐT cần rà soát và thay đổi ở cả 4 khâu (giai đoạn) chính của kỳ thi:

Coi thi, bảo quản bài thi, chấm thi, công bố đáp án và điểm thi.

Ngoài ra cũng cần thay đổi mô hình tổ chức thi.

Theo ông Bùi Việt Hà, điều quan trọng nhất để chống gia lận là

cần chuyển toàn bộ khâu chấm thi về Bộ GD-ĐT. Bộ có thể thành lập 1 trung tâm CNTT riêng để thực hiện công việc này.

Có thể chỉ tổ chức 1 trung tâm hoặc có thể 3 Trung tâm ví dụ đặt ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Việc thành lập các trung tâm chấm thi này không quá tốn kém.

Về tổ chức chấm thi có thể có 2 phương án sau: Phương án 1 là các hội đồng thi thực hiện công việc scan bài làm của học sinh và nhận dạng sơ bộ bài làm, sau đó chuyển tất cả về Bộ xử lý.

Phương án 2 là chuyển tất cả về Bộ GD-ĐT xử lý ngay. Các hội đồng thi không thực hiện bất cứ công việc gì sau coi thi.

Các hội đồng thi vẫn có thể theo các cụm trường và khu vực như hiện nay nhưng tuyệt đối không để các địa phương tự điều hành, không để cho các giám đốc, phó giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh làm chủ tịch hội đồng như hiện nay.

Chủ tịch hội đồng phải là người của các trường đại học hoặc của của Bộ GD-ĐT đảm nhiệm. Các địa phương chỉ có chức năng phối hợp, có thể làm phó chủ tịch hội đồng.

Thầy Bùi Việt Hà cho rằng, nên bỏ hoàn toàn các hội đồng thi địa phương (nếu có) như hiện nay. Mỗi phòng thi cần có nhiều đại diện tham gia giám sát, ví dụ: cán bộ ở địa phương, trường ĐH, Bộ GD-ĐT, công an.

Khi làm bài xong, lập tức niêm phong kẹp chì và giao công an giám sát 24/24.

Bảo quản bài thi nên giao cho công an giám sát 24/24

Trong việc bảo quản bài thi, thầy Bùi Việt Hà nêu quan điểm, với trường hợp với phương án 1 thì các hội đồng thi thực hiện sơ bộ scan bài thi.

Toàn bộ thời gian thực hiện công việc này cần có mặt các đại diện như Công an, Bộ GD-ĐT giám sát từ đầu đến cuối, cho đến khi xong công việc, bàn giao các dữ liệu (CD) và bài thi cho công an và gửi về Bộ.

Các nhà giáo đề xuất giải pháp ngăn chăn gian lận thi THPT Quốc gia - Ảnh 4.

Các nhà giáo đề xuất mỗi điểm thi THPT Quốc gia có thể quét bài của thí sinh ngay hoặc chuyển toàn bộ khâu chấm thi về Bộ GD-ĐT (ảnh minh họa)


Trường hợp phương án 2, công an có nhiệm vụ áp tải bài thi về Bộ (về Trung tâm xử lý thông tin và chấm thi).

Đối với công tác chấm thi, việc chấm thi sẽ qua các bước:

C1. Scan bài làm.

Scan bài làm của học sinh. Mỗi bài làm sẽ scan thành 1 tệp ảnh. Các tệp này phải được ghi ra CD0 và niêm phong, gửi về cho Bộ bản mềm và các CD0 này. Chú ý: các tệp này cũng được mã hóa để các phần mềm xử lý ảnh thông thường không xem được.

Một số ý kiến cho rằng nên làm "phách". Có thể nghiên cứu làm phách điện tử, Ngay sau khi scan lần 0 (CD0), chương trình sẽ gắn phách điện tử lên 2 phần của tệp ảnh này.

C2. Nhận dạng ảnh bài làm. Bước Sơ bộ.

Bước Sơ bộ sẽ bao gồm 2 giai đoạn:

Thứ nhất là nhận dạng phần thông tin chung của học sinh. Khi thực hiện bước này, toàn bộ thông tin bài làm phía dưới của HS sẽ bị che lấp đi. Người thao tác trên máy tính sẽ chỉ nhìn thấy phần phía trên để tiến hành nhận dạng và sửa lỗi nếu có.

Xong phần này sẽ lưu CD1-1 để niêm phong, gửi về Bộ.

Thứ hai là nhận dạng phần thông tin bài làm của HS. Khi thực hiện bước này, toàn bộ thông tin chung phía trên của HS sẽ bị che lấp đi. Người thao tác trên máy tính sẽ chỉ nhìn thấy phần phía dưới, phần bài làm để tiến hành nhận dạng và sửa lỗi nếu có.

Xong phần này sẽ lưu CD1-2 để niêm phong, gửi về Bộ.

Thông tin kết quả của C2 sẽ được gửi về Bộ thông qua gửi tệp vật lý hoặc truyền qua kênh bảo mật. Các tệp này được mã hóa trước khi xuất ra File.

Chú ý, với PAI thì bước Sơ bộ này vẫn có thể làm ở các Hội đồng thi.

C3. Phần chấm thi tự động.

Kết quả đầu ra của bước C2 chính là đầu vào của chương trình chấm thi.

Việc chấm thi phải được tiến hành tại Trung tâm xử lý của Bộ, hoặc tại 3 Trung tâm lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM.

C4. Kết quả chấm thi sẽ được đưa trực tiếp lên CSDL điểm thi của Bộ.

Phần Công bố đáp án và điểm thi: Đáp án của đề thi không nên công bố ngay, mà sẽ công bố sau khi đã thực hiện xong bước C3. Nên có chế độ bảo mật xem điểm thi của thí sinh như những năm đầu tiên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại