Cả khán phòng đẫm nước mắt
Liên quan đến những vấn đề bức xúc tại Hãng phim truyện Việt Nam trong thời gian qua, sáng 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam đã cùng với các nghệ sĩ tổ chức buổi gặp gỡ báo chí với sự chủ trì của diễn viên Quốc Tuấn.
Ngay trong phần phát biểu của mình, NS Quốc Tuấn đau đớn gọi đây là một cuộc cổ phần hóa "đẫm nước mắt, đầy nỗi buồn" bởi nó được thực hiện một cách thiếu minh bạch.
Anh bật khóc khi cảm thấy danh dự của người nghệ sĩ bị xúc phạm ghê gớm, và cho rằng với các quản lý hiện tại của công ty mới, Hãng phim truyện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.
NS Quốc Tuấn bật khóc khi chia sẻ những bức xúc trước cách đối đãi của đơn vị mua lại hãng phim với các nghệ sĩ đang công tác tại đây
Anh cho biết, trong thời gian qua, đơn vị mua lại hãng đã có rất nhiều ứng xử thể hiện sự xúc phạm đối với những nghệ sĩ đang làm việc ở đây.
Cụ thể ngoài những vấn đề có liên quan đến lương thưởng, nghệ sĩ còn thường xuyên bị o ép, coi thường. Những đề xuất kiến nghị liên quan đến việc làm phim bị gạt phắt đi không coi trọng.
Xuất phát từ tất cả những điều đó, Quốc Tuấn đặt ra những dấu hỏi trước mục đích thật sự của đơn vị mua lại Hãng. Họ muốn làm phim, muốn phát triển nền điện ảnh nước nhà hay một mục đích nào khác?
Trên những bằng chứng mà anh và những nghệ sĩ đã thu thập được, Quốc Tuấn đề đạt việc thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa, đồng thời đánh giá lại giá trị tài sản của Hãng phim truyện Việt Nam.
Anh dẫn chứng: "Miếng đất hơn 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, vị trí đắc địa, chưa kể đạo cụ, máy quay phim... mà định giá 19,7 tỷ đồng. Đó là điều nực cười, khiến bạn tôi là đại gia cũng phải bật cười, không bằng một căn biệt thự Vinhomes".
Không chỉ Quốc Tuấn bật khóc trong cuộc họp, mà gần như tất cả các nghệ sĩ đứng lên phát biểu trong buổi họp sáng nay đều không thể kìm nén được nỗi niềm bức xúc, xúc động.
Đến nỗi nhà văn Chu Lai cũng phải xót xa nói rằng: "Cả khán phòng đẫm nước mắt. Nhưng tôi cho rằng đây những giọt nước mắt chân thành, bất lực".
Cũng theo nhà văn Chu Lai, ông không mấy quan tâm đến giá trị 50 tỷ, nghìn tỷ hay những mục đích kinh tế nào khác. Nhưng số 4 Thụy Khuê - nơi đặt Hãng phim truyện Việt Nam bao nhiêu thế hệ là một địa chỉ "đã đi vào số phận dân tộc, đi vào thâm trầm lịch sử non sông".
Thế nên khi nhìn thấy Hãng phim truyện Việt Nam đi đến miệng vực của phá sản, ông cảm thấy rất đau lòng.
Đồng thời ông cho rằng khi những nhà quản lý không hiểu gì về nghệ thuật thì không thể làm tốt được. Điển hình như cách các nhà quản lý hiện tại yêu cầu các nghệ sĩ phải chấm công ăn lương là không hợp lý.
Bởi lẽ: "Những biên kịch đạo diễn lang thang trong mưa gió sụt sùi bất chợt loét lên một ý tưởng, ý tưởng đó vô giá. Đây là sự lao động âm thầm và cô đơn không phải sự lao động sủi bọt trên sông nước".
Sự việc đang xảy ra tại Hãng phim truyện Việt Nam không chỉ dấy lên bức xúc trong lòng những nghệ sĩ đang công tác ở đây, mà cả những người đã từng yêu mến - gắn bó - cống hiến với nền điện ảnh Việt Nam.
Buổi gặp gỡ ngoài phóng viên báo đài còn có các văn nghệ sĩ nhiều lĩnh vực, cả những người đang làm công tác giảng dạy điện ảnh. Trước những thực trạng được nêu ra trong buổi gặp mặt, tất cả đều không tránh khỏi cảm giác xót xa, bức xúc.
"Cái chúng ta phải làm không thể là ngồi đó kêu khóc, mà phải là hành động".
Trước khi gửi lời "kêu cứu" tới các cơ quan có thẩm quyền và báo đài, các nghệ sĩ đã thu thập bằng chứng về những sai phạm của quá trình cổ phần hóa công ty. Thậm chí những câu nói mang hàm ý xúc phạm, thể hiện văn hóa ứng xử của ban lãnh đạo công ty mới cũng đã được ghi âm lại rõ ràng.
NSND Thanh Vân có trong tay những bằng chứng về việc cổ phần hóa thiếu minh bạch
Trước thực trạng xót xa đang xảy ra với Hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Trần Quốc Trọng đã khẳng định rằng: "Nếu để mất số 4 Thụy Khuê, sẽ có mất thêm nhiều địa chỉ khác. Sau hãng phim truyện Việt Nam, một hãng phim khác, một nhà hát khác có thể sẽ bị bán thẳng tay cho doanh nghiệp buôn bán, kinh doanh trên đất vàng như thế này.
Cái chúng ta phải làm không thể là ngồi đó kêu khóc, mà phải là hành động".
Đạo diễn Xuân Sơn cũng bật khóc nói lên quan điểm của mình
Ông kêu gọi các nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam nên có những hành động đấu tranh thiết thực, trực diện, mạnh mẽ hơn là ngồi khóc.
Kết thúc buổi gặp gỡ, NSND Hồng Ngát đã lấy ý kiến thống nhất của các nghệ sĩ có mặt về kế hoạch cụ thể tiếp theo.
Trước mắt, các nghệ sĩ và Hội điện ảnh gửi đơn lên các cơ quan chức năng đề nghị dừng hoạt động của công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hãng phim truyện Việt Nam để thanh tra toàn bộ quá trình cổ phần trước kia.
Được biết, sáng nay (21/9), Bộ Văn hóa cũng đã có chỉ đạo đầu tiên liên quan đến những vấn đề đang tồn tại Hãng phim truyện Việt Nam liên quan đến chuyện cho thuê đất và trả lương cho nghệ sĩ.
Trước đó, sáng 20-9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đến thị sát Hãng phim truyện Việt Nam và có những chỉ đạo cụ thể liên quan đến sự việc.