COVID-19 ảnh hưởng đến thị trường lao động như thế nào?
COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế và cuộc sống của người dân Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), bình quân đầu người chỉ tăng 3,82% trong quý đầu năm nay - mức tăng trưởng thấp nhất được ghi nhận trong 10 năm qua. Hơn 35.000 doanh nghiệp cũng đã phải ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu tiên.
Việc đóng cửa tạm thời các dịch vụ không thiết yếu đã buộc các nhân viên dịch vụ vận tải, làm đẹp và giải trí phải nghỉ phép không lương hoặc mất việc hoàn toàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính rằng 250.000 lao động Việt Nam bị mất việc trong quý này và 1,5-2 triệu người khác có nguy cơ tương tự dưới tác động to lớn của đại dịch toàn cầu này. Hầu hết trong số họ là từ ngành dệt may, giày dép, nhà hàng, khách sạn hoặc du lịch.
COVID-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động trong ngành sản xuất. Hơn 56% nguyên liệu thô của Việt Nam đều nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Việc phong tỏa toàn thế giới gây ra sự gián đoạn trong quá trình cung ứng và sản xuất, khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực lắp ráp ô tô, điện tử, sắt thép phải chịu áp lực rất lớn trong việc tái cấu trúc lực lượng lao động.
Ngoài ra, nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp đã phải chịu mức tăng trưởng thấp nhất ở mức 0,08% trong quý này theo khảo sát mới nhất của Tổng cục Thống kê. Nông dân và người có thu nhập thấp hoặc hợp đồng tạm thời là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Các ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong Q1/2020
Trước đại dịch, vào tháng 1 và tháng 2, Adecco Việt Nam vẫn chứng kiến nhu cầu tuyển dụng của ngành điện tử và sản xuất gia tăng 11% so với Q1/2019. Sự căng thẳng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc dẫn đến việc các công ty dịch chuyển chuỗi sản xuất vào Việt Nam.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát mạnh ở nước ta kể từ tháng 3, thị trường tuyển dụng đã giảm khoảng 30-40% so với năm trước. Việc hạn chế đi lại và phong tỏa cũng hoãn nhiều cơ hội việc làm mới cho người nước ngoài. Thay vào đó, một số vị trí nhất định được tìm kiếm cao hơn bao giờ hết.
"Thương mại điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ tài chính đang tuyển dụng nhiều chuyên gia hơn. Giãn cách xã hội và nỗi sợ lây lan virus khiến mọi người hoạt động trên mạng thường xuyên, dẫn đến gia tăng nhu cầu cho các dịch vụ trực tuyến", bà Nguyễn Thu Hà - Giám đốc văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương - Phó Giám đốc bộ phận tuyển dụng TP HCM, Adecco Việt Nam cho biết thêm: "Trong quý này, các công ty có xu hướng tuyển giám đốc dự án hoặc quản lý kỹ thuật trong ngành CNTT tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, việc nấu ăn tại nhà và chuẩn bị sẵn sàng cho cách ly dẫn đến sự gia tăng mua sắm thực phẩm đóng gói và đông lạnh, các sản phẩm từ sữa, chăm sóc cá nhân và vệ sinh nhà cửa. Chúng tôi nhận thấy các vị trí như Giám đốc bán hàng và Giám đốc tiếp thị trong ngành hàng tiêu dùng nhanh cũng được tuyển dụng khá phổ biến trong mùa này".
Trong khi đó, Tổng cục thống kê cũng ghi nhận mức tăng trưởng 5,69% trong lĩnh vực bán lẻ Q1/2020.
Phương pháp tiếp cận thị trường lao động mới
Theo một cuộc khảo sát mới của Canva, làm việc tại nhà hoặc cách ly xã hội đang làm nhiều người mắc phải các vấn đề tâm lý.
"Chúng ta cần phải thích nghi với những cách làm việc và hợp tác mới trong một khoảng thời gian rất ngắn. Do đó, nhu cầu về kỹ năng làm việc từ xa hiệu quả ngày càng tăng và các doanh nghiệp cần những người có thể quản lý nhóm thông qua các nền tảng trực tuyến.
Nhân tài có sự kết hợp giữa năng lực kỹ thuật số và kỹ năng lãnh đạo, cùng với sự thích ứng nhanh chóng và xử lý khủng hoảng để thay đổi trong thời điểm này, hiện đang được săn đón nhiều hơn bao giờ hết", theo ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Malaysia và Việt Nam.
Thị trường lao động, tất nhiên, sẽ không giống như bình thường ngay cả khi đại dịch đi qua. Việc tăng cường hoạt động kinh doanh, đồng thời vẫn thực hiện một phần giãn cách xã hội tại thời điểm này cực kỳ quan trọng.
Nhân viên vẫn chưa sẵn sàng ngay lập tức để khôi phục năng suất làm việc của họ như ban đầu. Các doanh nghiệp nên xây dựng bản hướng dẫn về sức khỏe và an toàn để bảo vệ cho nhân viên và đảm bảo hoạt động kinh doanh thực hiện liên tục.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp tập trung vào việc nâng cao năng lực nhân viên và chuyển đổi số, họ có thể tận dụng các cơ hội mới và lật ngược tình thế.
"Bằng cách đảm bảo sự an toàn tại nơi làm việc như tránh tụ tập hoặc họp hành với số lượng đông, các doanh nghiệp giờ đây có thể nghĩ đến việc chào đón nhân viên của họ trở lại và tuyển dụng những người mới.
Bạn có thể tìm thấy nhân tài hiếm có tại thời điểm này. Trong những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng các chuyên gia có kỹ năng và kiến thức chuyên môn sâu về Điện tử và Công nghệ đang có nhu cầu cao. Đồng thời, các công ty có thể xem xét các chiến lược đào tạo và huấn luyện.
Hãy nên đầu tư vào con người và nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên. Kỹ năng số, sự linh hoạt, sáng tạo, khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề phức tạp đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp chiếm ưu thế và nổi trội trong tương lai", theo bà Nguyễn Thu Hà, Giám đốc văn phòng Hà Nội, Adecco Việt Nam.