Các hiệp sĩ có được quyền tham gia bắt cướp như Công an?

Việt Đỗ |

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, các hiệp sĩ tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Như Báo Công lý đã thông tin, khoảng 20 giờ 30 phút ngày 13/5, trên đường tuần tra, nhóm hiệp sĩ Tân Bình phát hiện nhóm trộm đi xe máy, đang dừng bẻ khoá một xe máy SH tại một cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3, TP.HCM).

Thấy vậy, nhóm hiệp sĩ ập vào bắt quả tang thì bị nhóm đối tượng trộm cắp dùng hung khí tấn công. Hậu quả, 2 hiệp sĩ bị đâm gục và tử vong trên đường đến bệnh viện.

Danh tính hai người tử vong được xác định là anh Nguyễn Hoàng Nam (SN 1989, ngụ tại TP.HCM) và anh Nguyễn Văn Thôi (SN 1976, quê Bình Định) đều là thành viên trong nhóm hiệp sĩ Tân Bình.

Trao đổi với PV về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết quan điểm: Xét hành vi của các đối tượng, đã sử dụng hung khí nguy hiểm mang theo tấn công khiến 2 hiệp sỹ tử vong khi tham gia bắt quả tang trộm cắp tài sản.

Hành vi phạm tội của chúng thể hiện sự côn đồ hung hãn, coi thường tính mạng người khác nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật .

Các đối tượng không những đã xâm hại đến tính mạng của nhiều khác mà còn xâm hại đến quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo vệ.

Hành vi phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội giết người và tội trộm cắp tài sản. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm a, n khoản 1 Điều 123 và Điều 173 BLHS 2015.

Theo hướng dẫn của TAND Tối cao: “Người thi hành công vụ là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình và cũng có thể là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (như tuần tra, canh gác...) theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền, phục vụ lợi ích chung của Nhà nước, của xã hội”.

Tại khoản 1 điều 3 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định: “Người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào một vị trí trong cơ quan nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, ...hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính...”.

“Các hiệp sỹ tham gia phòng chống tội phạm cũng như mọi công dân nói chung đều có quyền bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang và áp giải ngay đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, Luật sư Thơm khẳng định.

Tuy nhiên, trong trường hợp này các Hiệp sỹ đang thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng do công việc đó bị giết, thì các Hiệp sỹ có thể được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội như đối với người thi hành công vụ.

Trong vụ án này, các đối tượng dùng hung khí đâm các hiệp sỹ là nhằm để tẩu thoát thì thuộc trường hợp phạm tội Trộm cắp tài sản.

Chỉ có thể chuyển hóa từ Tội trộm cắp tài sản sang Tội cướp tài sản khi thỏa mãn các dấu hiệu: Nếu là trường hợp do chưa chiếm đoạt được tài sản mà kẻ phạm tội dùng vũ lực hay đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được thì cần định tội là cướp tài sản.

Nếu là trường hợp kẻ phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản rồi, nhưng chủ tài sản họăc người khác đã lấy lại được tài sản đó hoặc đang giành giật tài sản còn ở trong tay kẻ phạm tội, mà kẻ phạm tội dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực để chiếm đoạt tài sản cho bằng được, thì cần định tội là cướp tài sản…

Trường hợp, các đối tượng sử dụng vũ lực chống lại nhằm mục đích tẩu thoát dẫn tới hậu quả làm chết người thì kẻ phạm tội bị kết án thêm về Tội giết người nếu tác động vào các vùng trọng yếu trên cơ thể gây tử vong hoặc gây thương tích nặng.

Đề cập đến vấn đề có nên duy trì mô hình hiệp sĩ bắt cướp (CLB phòng chống tội phạm) như ở nhiều địa phương (TP HCM, Bình Dương) hay không? Luật sư Thơm cho rằng cần thiết xem xét lại mô hình CLB phòng chống tội phạm ở TP HCM, Bình Dương. Hiện nay mô hình này được duy trì ở một số tỉnh trong miền Nam.

Ở ngoài Hà Nội cũng như một số tỉnh phía Bắc, miền Trung thì vẫn chưa có mô hình CLB phòng chống tội phạm.

Thực tế, tình hình ANTT ở một số tỉnh, thành phố diễn ra rất phức tạp, một số tội phạm phát triển mạnh như: Cướp giật, trộm cắp tài sản,..

Trách nhiệm chính về đảm bảo bảo ANTT, phòng chống các loại tội phạm do lực lượng CAND thực thi trên cơ sở các quy định của pháp luật và được trang bị các đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và các công cụ hỗ trợ cần thiết khi thi hành công vụ.

Mô hình CLB phòng chống tội phạm đi vào hoạt động những năm gần đây đã góp phần mang lại những thành công nhất định.

Tuy nhiên, đây là những hoạt động mang tính tự phát của một nhóm các hiệp sỹ mong muốn góp phần đảm bảo ANTT cho người dân. Hạn chế của các nhóm hiếp sỹ là không có được sự trang bị về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng ứng phó giải quyết các tình huống và đặc biệt không được trang bị các công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân cũng như chống trả lại sự manh động của các đối tượng phạm tội.

Mặt khác, việc truy đuổi tội phạm trên đường phố khi sử dụng xe mô tô là nguồn nguy hiểm cao độ là rất nguy hiểm cho bản thân mình, những người tham gia giao thông .

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

n) Có tính chất côn đồ;

Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại