Động thái mới này được đánh giá là chưa từng xảy ra trong hàng chục năm trở lại đây.
Meta, công ty mẹ của Facebook, đã công bố kế hoạch cắt giảm 11.000 nhân viên, tương đương 13% lực lượng lao động hiện có. Con số tương tự với Twitter là 50%.
Mới đây nhất, Amazon cũng tuyên bố sẽ cắt giảm 10.000 nhân viên, bắt đầu từ cuối tuần này.
Ông Dan Ives - Giám đốc phụ trách công nghệ Wedbush Securities - cho rằng: "Đây là thời kỳ đen tối của các hãng công nghệ. Chúng ta thấy điều đó ở Amazon, Apple, Microsoft. Điều này xuất phát từ việc tái cơ cấu chi phí và đối phó tình trạng tăng trưởng chậm lại" .
Các hãng công nghệ lớn bắt đầu nếm trải tác động từ lạm phát và lãi suất tăng cao. Google công bố lợi nhuận quý III chỉ đạt 13,9 tỷ USD, giảm gần 30% so với năm ngoái. Cổ phiếu của Amazon giảm gần 25%, mức thấp nhất trong 8 năm qua. Tình trạng doanh thu ảm đạm cũng xảy ra với Microsoft và YouTube.
"Rõ ràng là trong 6 đến 9 tháng tới, chúng ta sẽ thấy việc cắt giảm đáng kể chi phí và nhân viên khi mà nguy cơ suy thoái kinh tế đang cận kề. Tôi nghĩ rằng, thời kỳ đen tối này rồi cũng sẽ qua. Song hiệu ứng tiêu cực này sẽ còn lan ra nhiều lĩnh vực khác" - ông Dan Ives cho biết.
Đối mặt với lạm phát và lãi suất tăng cao đã buộc người dân và doanh nghiệp Mỹ phải thắt chặt hầu bao. Theo đó, việc đóng băng tuyển dụng và cắt giảm lao động được coi là tất yếu với các hãng công nghệ lớn, vốn sử dụng tới hàng triệu lao động.
Bất chấp làn sóng sa thải của các hãng công nghệ, thị trường lao động Mỹ trong tháng 10 vẫn có thêm 261.000 việc làm mới. Số liệu khác cũng chỉ ra cơ hội tìm kiếm việc làm mới sau khi nghỉ việc của người lao động đã tăng thêm 0,7 điểm %. Điều này cho thấy, tăng trưởng việc làm ở Mỹ vẫn còn bền vững.