Trước đó, trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs của Mỹ, cố vấn Moon Chung-in cho rằng việc biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc sẽ "khó khăn" sau khi một hiệp định hòa bình được ký kết, chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Bình luận này đã gây bất bình, đặc biệt đối với thành viên đảng bảo thủ, những người vốn xem USFK có vai trò quan trọng đối với hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu trong cuộc họp đảng ngày 2/5, Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền, bà Choo Mi-ae nhấn mạnh USFK đóng vai trò như một người bảo vệ hòa bình và lực lượng này vẫn giữ một vị trí cần thiết ngay cả sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký hiệp ước hòa bình.
Tổng thống Moon Jae-in cũng đã bác khả năng rút USFK sau khi hai miền Triều Tiên ký hiệp định hòa bình. Ông khẳng định việc quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc là vấn đề riêng giữa hai nước đồng minh này.
Lãnh đạo đảng Tự do Hàn Quốc (LKP) đối lập chính Kim Sung-tae nhấn mạnh "(Tổng thống) nên sa thải cố vấn đặc biệt Moon Chung-in".
Trong khi đó, thành viên đảng Kim Hack-yong của đảng LKP giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, cũng đã chỉ trích nhận xét của ông Chung-in, cho rằng phát biểu trên không có lợi cho lợi ích quốc gia. Đảng Bareunmirae đối lập cũng chỉ trích nhân vật này, trong khi đồng lãnh đạo đảng Bareunmirae Park Joo-sun bày tỏ hoài nghi về vai trò cố vấn của ông Chung-in.
Hiện có khoảng 28.500 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử tại làng đình chiến Panmunjom hôm 27/4 vừa qua, hai nhà lãnh đạo liên Triều đã nhất trí tiến tới một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Những dấu hiệu tích cực trong mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã nhận được sự hoan nghênh lớn từ cộng đồng quốc tế.