Chiến dịch giải cứu các cầu thủ nhí ở miền Bắc Thái Lan đã thành công khi các thợ lặn đưa những thành viên cuối cùng của đội bóng Lợn Hoang ra khỏi hang Tham Luang một cách an toàn. 12 thành viên đội bóng và huấn luyện viên của các em đã bị mắc kẹt trong hệ thống hang động ngập nước kể từ ngày 23/6.
Những lối đi hẹp, tầm nhìn gần như bằng không và mối đe dọa thường trực của mùa mưa khiến chiến dịch giải cứu cực kỳ khó khăn và nguy hiểm. Anh Saman Gunan, 38 tuổi, cựu đặc nhiệm thuộc lực lượng SEAL Hải quân Thái Lan đã tử nạn trong khi đặt các bình dưỡng khí dọc chặng đường tới nơi các cậu bé trú ẩn.
Vậy làm sao có thể dẫn một nhóm trẻ nhỏ vượt qua hàng km lối đi ngầm, bao gồm cả những đoạn đường ngập nước, phần lớn chìm trong bóng tối khi mà đa số các em đều không biết bơi John Ismay, một phóng viên của New York Times, người từng là sĩ quan lặn trong Hải quân Mỹ, đã có lời lý về chiến dịch này.
Hoạt động mà lính Mỹ không huấn luyện vì rủi ro
Theo Ismay, trong hướng dẫn lặn của Hải quân Mỹ có một hoạt động mang tên "lặn trong không gian kín", bao gồm lặn trong xác tàu hoặc trong két nước dằn của tàu ngầm. Hoạt động này là giống nhất với tình huống giải cứu vừa qua tại Thái Lan.
Vì lý do an toàn, Hải quân Mỹ không cho phép thợ lặn sử dụng bình khí nén trong những hoạt động như vậy. Thay vào đó, cơ quan này yêu cầu thợ lặn phải tiếp cận các không gian kín bằng một trong hai cách, đều sử dụng máy nén đẩy khí qua một ống mềm tới thợ lặn (đeo mặt nạ kín hoặc mũ bảo hiểm để bảo vệ cả đầu).
Các thợ lặn còn đeo một xi-lanh khí nén trên lưng để làm nguồn dự trữ phòng trường hợp hệ thống dây mềm bị hỏng.
Có thể lắp đặt đủ dây mềm cho cả đoạn đường, từ cửa hang cho tới nơi đội bóng trú ẩn nhưng đẩy không khí qua hàng km dây thì cần một máy nén cực mạnh. Sử dụng thiết bị lặn với bình dưỡng khí, như cách các thợ lặn Thái Lan làm, rủi ro hơn nhưng lại là lựa chọn khả dĩ nhất trong tình huống này.
Mặt nạ chuyên dụng cho thợ lặn hang.
Vậy làm sao những em nhỏ chưa từng lặn có thể lặn?
"Câu trả lời là, bạn phải khiến thao tác này trở nên đơn giản nhất có thể cho các em. Một chiếc mặt nạ kín, như các em đã sử dụng, là cách đó. Các thợ lặn sẽ đeo một chiếc mặt nạ như kính bơi loại to và thở qua một thiết bị riêng biệt gắn với bình dưỡng khí bằng dây cao su", Ismay cho biết.
"Mặt nạ kín là sự kết hợp 2 trong 1 và bổ sung thêm khả năng trao đổi thông tin dưới nước. Việc này rất hợp lý bởi các thợ lặn có thể trò chuyện với các em khi đang di chuyển, kiểm tra tình hình và đảm bảo các em ổn".
Ismay cho biết, anh chưa từng thấy bất cứ đơn vị nào thuộc quân đội Mỹ huấn luyện lặn trong hang động.
"Rủi ro quá lớn và lợi ích mang lại là không đáng", Ismay nhấn mạnh.
Khác với lặn hồ, lặn biển
Trả lời cho câu hỏi: "Chiến dịch giải cứu khó khăn tới mức nào?", Ismay cho biết:
"Cực kỳ khó. Mỗi phần trong chiến dịch này đều có những khó khăn riêng. Các nhân viên cứu hộ đã bơi qua những lối đi ngập nước, rồi ngoi lên và đi bộ tới khu vực ngập nước tiếp theo rồi lại tiếp tục lặn. Họ phải lặp đi lặp lại quá trình đó, và thực hiện với các em nhỏ - phần lớn không hề biết bơi".
Theo phóng viên của NYTimes, mọi việc đều phải được cân nhắc giữa các nguyên tắc an toàn truyền thống và tính cấp thiết của tình huống. Toàn bộ quyết định đều được đưa ra tại hiện trường.
"Trong hang động, bạn không thể tiếp xúc với mặt nước, có nghĩa là nếu gặp tình huống cấp bách dưới nước thì bạn không thể vứt bỏ thiết bị của mình và ngoi lên để lấy không khí. Bạn phải vượt qua hang trước. Thiết bị của bạn có thể bị kẹt khi bạn đi vào những lối hẹp và bạn không thể tự mình giải quyết được chuyện đó".
"Mang càng nhiều đồ thì càng có nhiều khả năng thứ gì đó bị kẹt lại các tảng đá. Tôi mường tượng rằng các thợ lặn đã phải giản lược thiết bị của mình tới mức tối đa vì lý do này. Các thợ lặn hang động thường đeo bình dưỡng khí ở bên thân mình thay vì trên lưng bởi lấy một thứ dưới cánh tay luôn dễ hơn từ phía sau".
Ismay cũng cho biết, tầm nhìn dưới nước rất hạn chế bởi bất cứ đất, bụi nào trong hang cũng có thể khiến dòng nước bị đục, đặc biệt là khi các thợ lặn di chuyển qua. Chẳng cần nhiều chuyển động thì bụi vẫn sẽ bị khuấy lên tới mức bạn không nhìn thấy tay của chính mình dù ở ngay trước mặt, kể cả khi có đèn pin.
Các thợ lặn chuyên nghiệp có thể quen với tình trạng thiếu sáng và tầm nhìn kém như ở dưới nước, nhưng các em nhỏ thì không.
Các thợ lặn đã đặt một sợi thừng tĩnh qua các khu vực ngập nước để dẫn đường. Người lớn và trẻ em có thể bám vào sợi dây này mà đi, nhờ đó định hướng dễ hơn và giảm khả năng ai đó bị lạc dưới nước. Phần lớn cuộc hành trình được thực hiện nhờ cảm giác, di chuyển từng chút một.