Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày "thiền định"

Đặng Xá |

Có hai câu hỏi thế giới vẫn chưa đưa ra được câu trả lời: Con gà có trước hay quả trứng có trước và đâu là giới hạn cuối cùng của Messi.

1. Messi không ra mắt tại Camp Nou. Trận đấu đầu tiên của anh cho Barca là trận giao hữu với Porto diễn ra trên sân Dragao ngày 15/11/2003. Ngay cả trận đấu chính thức đầu tiên, Messi cũng không thi đấu tại thánh địa bóng đá của người Catalonia. Đó là trận derby với Espanyol vào ngày 16/10/2004 trên sân Cornella El-Prat.

Và không chỉ có vậy, ngay cả bàn thắng đầu tiên trong sự nghiệp Messi cũng ghi được trên sân đối phương. Một pha bấm bóng của Ronaldinho, Messi thoát xuống tâng bóng qua đầu thủ môn. Một bàn thắng mang tính biểu tượng truyền ngôi. Đó là chuyến làm khách của Albacete ngày 1/5/2005.

Nếu nói về lần đầu cules được tận hưởng tinh hoa tài nghệ của La Pulga ngay tại Camp Nou thì phải chờ đến tận ngày 25/8/2005, với trận giao hữu giữa Barca và Juventus. "Con quỷ nhỏ ấy đến từ đâu vậy?", Fabio Capello - HLV Juve lúc bấy giờ, thốt lên.

Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày thiền định - Ảnh 1.

"Messi, Messi, Messi", cầu trường Camp Nou âm vang đáp lời. Chừng đó đủ để thấy tài nghệ của La Pulga. Như vậy, phải mất hơn 2 năm từ khi được đôn lên đội một, Messi đã chinh phục được những bậc thềm khán đài vẫn còn tiếng rên xiết vọng lại từ thời Franco. Và từ đó, anh là vua ở Camp Nou.

Tại quê nhà Argentina, Messi mất thời gian gấp 5 lần như vậy để chinh phục người hâm mộ. Ở cái xứ sở bóng đá là tôn giáo và Maradona được tôn thờ như vị thánh sống, hành trình chinh phục của Messi trở nên nhọc nhằn và gian lao gấp vạn.

Suốt nhiều năm liền, người hâm mộ Argentina và Messi chưa bao giờ xuất hiện mối quan hệ cộng sinh, theo kiểu Messi đem lại niềm vui còn CĐV đem lại động lực. Thay vào đó, các CĐV vẫn xem Messi là "người Catalonia tại đội tuyển Argentina".

Thế nên, Messi chịu áp lực khủng khiếp và luôn phải giơ đầu chịu báng mỗi khi Albiceleste thất bại. Chỉ đến khi đội tuyển Argentina hút chết tại vòng loại World Cup 2018, người Argentina mới thừa nhận giá trị của Messi. Không Messi, Argentina không vào nổi vòng chung kết World Cup chứ đừng nghĩ đến việc giành ngôi á quân.

Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày thiền định - Ảnh 2.

Hơn một thập niên, trở thành biểu tượng tại Camp Nou, chinh phục lòng người Argentina, lãnh địa của Messi dần được mở rộng. Và cuối tuần qua, thêm Benito Villamarin phải phủ phục trước ông vua Messi với quyền uy là tài nghệ phi phàm.

Một cú hattrick, đổi lại là tiếng hô vang "Messi, Messi, Messi" vang dội khắp cầu trường từ các CĐV Real Betis, một cảnh tượng hiếm thấy trong thế giới bóng đá và ngay cả nhân vật chính cũng không ngờ.

"Tôi không biết các CĐV đội chủ nhà đã hoan nghênh tôi", thủ quân Barca thú nhận. Thêm một chiến công hiển hách sau vô vàn chiến công hiển hách được Messi thực hiện, đồng thời chứng minh cho tài năng dường như vô hạn của siêu sao người Argentina.

15 năm chơi bóng ở đẳng cấp luôn vượt trội, Messi dường như chưa bao giờ cạn kiệt. Anh luôn biết cách làm mới mình, trên sân cỏ lẫn trong phòng thay đồ.

Tại Barcelona, một Messi mới ra đời. Một Messi thủ lĩnh, thực dụng và bản lĩnh. Anh lờ đi sự vô tổ chức của Dembele để tài năng trẻ này tìm lại sự cân bằng. Anh bao bọc từng nhược điểm của Coutinho và bỏ qua mọi xung đột từng có với Arturo Vidal ở hai trận chung kết Copa America.

2. Messi từng là một chú bé chỉ biết bồng bềnh cùng trái bóng dưới sự bảo bọc của Valdes, Puyol, Xavi và Iniesta. Tuy nhiên, khi những đàn anh ấy đều không còn hiện diện ở Camp Nou, Messi phải trưởng thành và sắm vai thủ lĩnh.

Thoát khỏi vỏ bọc của một chàng trai ít nói, Messi bắt đầu tung ra những phát ngôn sắc lẹm và khó lường y như khi anh rê bóng. Những phát ngôi hội tụ đủ quyền uy và sự điềm tĩnh của một thủ lĩnh.

Đầu mùa, Messi tuyên bố phải chinh phục bằng được Champions League. Giữa mùa, anh một mực bảo vệ HLV Valverde. Hoặc ngay giữa tuần qua, anh hết lời khen ngợi kỳ phùng địch thủ Cristiano Ronaldo, điều chưa có tiền lệ giữa cả hai.

Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày thiền định - Ảnh 4.

Trong phát ngôn mới đây nhất, sau khi lập hattrick vào lưới Real Betis, thay vì "nổ" tưng bừng về giá trị bản thân như siêu sao người Bồ Đào Nha, Messi lại dành lời khen cho HLV Valverde. "Ông ấy đã đọc trận đấu một cách hoàn hảo", anh nói.

Để hiểu rõ hơn về trận đấu, ngoài 3 bàn thắng và màn trình diễn thần thành của La Pulga, dấu ấn Valverde để lại trong chiến thắng của Barca trước Betis không nhỏ.

Đó là cách sử dụng sơ đồ 4-4-2 và chấp nhận nhường quyền kiểm soát bóng cho đội chủ nhà. Bằng chứng là Barca trận này chỉ cầm bóng vỏn vẹn 43%. Trong thế kỷ này, số lần Barca cầm bóng ít hơn đối thủ như vậy chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tuy nhiên, Barca đã thắng đậm tới 4-1. Cho thấy sự kết hợp hài hòa giữa tài nghệ phi phàm của Messi và khả năng điều binh khiển tướng của Valverde. Một thành viên của Barca cũng từng tiết lộ: "Messi luôn ca ngợi Valverde là một HLV giỏi, am hiểu chuyên môn lẫn cách quản lý các học trò".

Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày thiền định - Ảnh 5.

Ngược dòng thời gian, mối quan hệ giữa Messi và HLV luôn phức tạp. Anh được chăm bẵm bởi Rijkaard, thần phục trước Guardiola, tông trọn Luis Enrique nhưng đó là 3 nhà cầm quân hiếm hoi nói được Messi.

Thực tế, giữa Messi và Luis Enrique cũng từng xuất hiện xung đột. Trong khi đó, giữa Messi và Vilanova hay Martino luôn có khoảng cách, một vết nứt không loang lổ nhưng sâu hoắm.

Trở lại với Valverde, vị chiến lược gia này đã định nghĩa lại vị trí của Messi thêm lần nữa. Cụ thể, trong trận đấu với Betis cũng như nhiều trận khác, Messi đá cặp tiền đạo với Suarez trong sơ đồ 4-4-2.

Dưới thời Rijkaard, Messi là một tiền đạo cánh phải thuần chất, chạy chỗ và đột phá làm trọng. Đến thời Pep Guardiola, anh thành công ở vị trí số 9 ảo. Sang thời Luis Enrique, La Pulga lại trở về vị trí tiền đạo cánh phải nhưng vai trò và tầm ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều. Anh tham gia điều phối, tổ chức tấn công và dĩ nhiên cả ghi bàn.

Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày thiền định - Ảnh 6.

Tất nhiên, dù chơi ở bất kỳ vị trí nào, Messi vẫn là một cỗ máy sản xuất bàn thắng khủng khiếp. Tính riêng 10 mùa gần nhất, hiệu suất ghi bàn thấp nhất của La Pulga cũng lên tới 0,84 bàn/trận còn hiệu suất kiến tạo có mùa giải lên tới 0,48 bàn/trận.

Dù xuất chúng như vậy nhưng Messi không thi đấu vì khát vọng bản thân, bất chấp đã giành 5 Quả bóng vàng và 5 Chiếc giày vàng. Thứ Messi khao khát là chơi bóng và chiến thắng cùng tập thể.

Thậm chí, trong khi người ta mải mê khai thác sự kình địch giữa Messi và Ronaldo thì cuộc ganh đua ấy lại đang biến cả hai thành huynh đệ. "Những gì Ronaldo làm thật ấn tượng", Messi chia sẻ sau khi chứng kiến CR7 lập hattrick vào lưới Atletico là bằng chứng.

Tóm lại, Messi đã có tất cả những gì anh muốn. Không chỉ là những chiến tích mà cả một đế chế. Tại Camp Nou, không ai còn đề cập tới Barca trong triết lý tiqui-taca do Pep Guardiola xây dựng hay cây đinh ba xuyên thủng mọi hàng thủ. Tại Camp Nou, người ta đang nói về đế chế của Messi.

Cả thế giới sẽ lại phải ngước nhìn một vị thần trở lại, sau 260 ngày thiền định - Ảnh 7.

Tuy nhiên, vẫn còn hai thử thách đang chờ đợi Messi chinh phục. Đó là danh hiệu Champions League thứ năm và một chiếc cúp với đội tuyển Argentina. Danh hiệu danh giá nhất châu Âu có lẽ nằm trong tầm tay, không mùa này những mùa sau vẫn còn cơ hội với tài năng của Messi và tiềm lực của Barca.

Tuy nhiên, một chiến thắng với Albiceleste có vẻ phức tạp và khiến Messi đau đáu hơn. Thế nên anh không còn tuyên bố từ giã đội tuyển trong tột cùng thất vọng như sau trận chung kết Copa America 2016 mà chỉ nghỉ ngơi một thời gian để tái tạo. Bây giờ, sau 260 ngày, anh trở lại đội tuyển Argentina. Sự trở lại của một Messi tài năng vô hạn và bản lĩnh vô cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại