Cả Singapore và Malaysia đều điều tra dấu hiệu độc quyền trong vụ Grab mua Uber

Duy Vũ |

Sau Singapore, đến lượt Malaysia vào cuộc điều tra về thương vụ Grab mua lại Uber khi nghi ngờ thương vụ này có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.

Thông tin từ tờ Straitstimes cho hay, Ủy ban Giao thông Malaysia (SPAD) và Ủy ban Cạnh tranh Malaysia (MyCorp) đang tiến hành điều tra thương vụ công ty Grab mua lại công ty đối thủ Uber. Thông tin này phát đi ngay sau khi Singapore tuyên bố sẽ có một cuộc điều tra vì nghi ngờ cuộc mua bán và sáp nhập này có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.

Datuk Seri Nancy Shukri, Bộ trưởng Bộ Thủ tướng (Văn phòng Thủ tướng) đã nói với tờ The Malay Mail Online, trong một cuộc họp trước cuộc tiếp quản Uber, Grab đã đảm bảo rằng các cấu trúc giá vé sẽ không bị ảnh hưởng bởi thương vụ này.

Tuy nhiên, xét theo kết quả của Singapore thì SPAD và MYCC sẽ phải xem xét mọi thứ để xem liệu có vi phạm luật Cạnh tranh hay không, Datuk Seri Nancy cho hay.

Sau thông tin thương vụ sáp nhập Uber – Grab được phát đi rộng rãi, người sử dụng các dịch vụ Uber và Grab đã bày tỏ mối quan tâm và lo ngại rằng việc mua bán&sáp nhập này sẽ dẫn tới độc quyền trong thị trường này và có thể khiến giá tăng và chất lượng dịch vụ bị giảm xuống. Trước đó, hai cơ quan của Malaysia là SPAD và MyCC đã nói rằng họ sẽ giám sát Grab để đảm bảo rằng nó không lạm dụng sự thống trị của mình trong lĩnh vực này.

Trước đó, Ủy ban Cạnh tranh Singapore cho biết họ có cơ sở hợp lý để nghi ngờ việc sáp nhập giữa Uber và Grab có thể vi phạm luật cạnh tranh và đang tiến hành điều tranh về thương vụ này. Cơ quan giám sát cho biết vụ việc có thể dẫn tới "giảm cạnh tranh đáng kể" trong thị trường xe chung của Singapore.

Cơ quan giám sát cạnh tranh của Singapore cho biết họ đã đề xuất các biện pháp tạm thời để đảm bảo thị trường vẫn cạnh tranh trong khi tiến hành điều tra. Bao gồm yêu cầu Uber và Grab duy trì các chính sách định giá trước giao dịch của họ cho khách hàng. Đồng thời, giới chức nước này cũng yêu cầu Grab và Uber không chia sẻ cho nhau các thông tin mật liên quan đến khách hàng, tài xế và giá cả.

Singapore có một hệ thống thông báo tự nguyện sáp nhập, nơi các công ty có thể thông báo chính thức cho cơ quan giám sát nếu họ quan ngại rằng vụ sáp nhập vi phạm các quy tắc cạnh tranh. Quan chức của cơ quan giám sát cho rằng mặc dù Grab có nói ý định nộp một thông báo sáp nhập chính thức nhưng đến hôm 30/3 vẫn chưa nhận được thông báo từ các bên.

Ngày 26/3, Grab phát đi thông tin thức thức mua lại Uber tại Đông Nam Á. Tập đoàn Softbank Group là chủ sở hữu phần lớn trong cả hai công ty.

Cũng ngay sau thỏa thuận này, nhiều báo cáo cho thấy các nhân viên hành chính của Uber được thông báo chỉ có 2 tiếng đồng hồ để dọn dẹp bàn làm việc của mình tại các văn phòng địa phương.

Về phía mình, ngày 27/3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu Grab cung cấp tài liệu liên quan đến việc mua lại Uber cũng như hợp đồng Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á trước ngày 3/4/2018.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại