Mới đây, chương trình "Lời tự sự" lên sóng với khách mời là nghệ sĩ piano, ca sĩ Thùy Dung - người gắn liền với nhiều ca khúc nổi tiếng như Hà Nội mùa thu, Phố xa, Nỗi buồn...
Trong chương trình, nữ nghệ sĩ sinh năm 1973 đã chia sẻ cơ duyên gắn với cây đàn piano, quãng thời gian hoạt động nghệ thuật và quyết định rời xa showbiz để tập trung cho một công việc mới là cô giáo dạy nhạc.
Ba tôi bán tất cả tài sản giá trị để mua cho tôi một cây đàn piano
Tôi làm quen với phím đàn piano ở nhà của mình, đó là những phím đàn được ba tôi vẽ trên đất. Đến năm tôi khoảng 6 tuổi, ba tôi bán tất cả tài sản giá trị lúc bấy giờ, đó là nhẫn cưới, áo dài cưới, áo vest cưới, xe máy Vespa để mua cho tôi một cây đàn piano của Pháp.
Cây đàn đó khi mua thì rất đắt, sau này tôi lớn, ba mẹ bán đi, giá trị lúc đó mua được 10 cân gạo.
Năm tôi 6 tuổi, có một kỷ niệm không bao giờ quên, đó là lần tôi được biểu diễn cho Phó chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ.
Đó là một niềm vinh dự vô cùng đối với gia đình tôi cũng như là sự tự hào của khu tập thể nơi tôi sinh ra và lớn lên. Khi đó, quần áo tôi mượn khắp khu tập thể, áo của một người, quần của một người để có một bộ tươm tất nhất đến Cung thiếu nhi biểu diễn cho bác Nguyễn Hữu Thọ.
Thùy Dung có vinh dự chơi đàn cho Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ nghe.
Hồi nhỏ, khi tôi chăm học đàn, ba thường cho ngồi lên cổ, kiệu một vòng quanh khu tập thể. Ba tôi từng tuyên bố: "Tôi sẽ chết trên cây đàn piano cùng con Thùy Dung".
Tôi rất nhớ ba vì ba tôi vừa mất năm ngoái. Không có ông thì không có tôi bây giờ, có thể tôi sẽ theo một nghề khác.
Ba quyết tâm cho tôi học đàn để trở thành một nghệ sĩ piano và ba đã không nhầm khi đầu tư vào cô con gái bướng bỉnh của ba.
Tất cả bạn bè của ba tôi đều nghĩ là ông bị hâm, bị dở hơi khi đầu tư cho tôi học đàn. Ngày ấy, những năm 80-81, gia đình nào cũng rất nghèo, ba của tôi làm kỹ sư điện, chuyên sửa ti vi.
Ông có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc đấy nhưng ông chỉ kiếm đủ sống thôi, còn lại ba dành thời gian kèm tôi học rất nhiều.
Mọi người lúc đó bảo là: "Đàn piano cũng có ăn được đâu, học rồi cũng chết đói. Ông Dũng (ba Thùy Dung - PV) thật là một người dở hơi và lạc quan tếu".
Thùy Dung bên ba.
Sau này, khi tôi có một chút tiếng tăm, bạn bè của ba đến nhà chơi, mới vỗ vai bảo là hóa ra ông cũng không hâm lắm nhỉ. Cả xí nghiệp của ba mẹ tôi cũng rất tự hào vì có một đứa cháu Thùy Dung là tôi.
Ba tôi kể là khi ba tôi còn nhỏ, nhà rất nghèo. Ở đầu làng có nhà một ông địa chủ có hàng rào rất cao, con gái ông địa chủ có một cây đàn piano. Ba tôi rất mê cây đàn đấy, có lần ông leo qua hàng rào để xem cây đàn ấy như thế nào mà nó phát ra âm thanh hay đến thế.
Ba tôi bị ông địa chủ xua chó ra đuổi. Ba tôi lúc đó tự hứa với lòng mình là mai sau nếu có con gái, nhất định sẽ cho nó học piano để trả thù cho tình yêu của mình.
Khi bé, mỗi lần tôi không học đàn, sẽ bị ba đánh. Đó là quá trình rất khắc nghiệt, nhiều nước mắt. Ba tôi cũng nhờ tất cả các bác hàng xóm để canh tôi học đàn.
Đầu tiên thì tôi học đàn theo sự áp đặt của bố mẹ. Nhưng đến năm 14 tuổi thì tôi yêu thật, những kết quả tốt cũng liên tục đến tới với tôi.
Ngoài 30 tuổi, tôi cần một công việc có chiều sâu hơn
Tôi được đến với sân khấu ca nhạc là một điều rất bất ngờ, đó là một món quà của ông trời, là sự may mắn cũng như là sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.
Tôi không chuẩn bị để trở thành một ca sĩ nổi tiếng, nhưng để hỏi có yêu hát không, thì tôi rất yêu. Ngoài những giờ tập piano vất vả thì tôi rất say mê ca hát.
Tôi nghĩ khán giả yêu tôi vì tôi là một sinh viên piano thích hát, chứ nếu tách rời 2 việc đó ra thì có lẽ tôi không được yêu như thế.
Hà Nội mùa thu - Thùy Dung.
Mọi người thường khen tôi xinh nhưng hồi đi học, tôi được gọi là "thằng Dung" cơ. Tôi nghịch nổ trời Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hồi 17, 18 tuổi tôi cũng để tóc ngắn, tôi chơi với các bạn trai như chơi với các bạn gái.
Tuy nhiên, phụ nữ thì cũng là phụ nữ thôi, biết yêu, biết điệu. Từ năm 18 tuổi, tôi bắt đầu để tóc dài dần, nữ tính hơn.
Thời tôi được yêu mến nhất có lẽ là thời tôi hát lồng tiếng cho bộ phim "Em còn nhớ hay em đã quên" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần về cuộc tình và cuộc đời của Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Sau đó, có một chương trình mà tôi rất nhớ là khi diễn ở trong đại nội Huế. Thực sự tình cảm của khán giả làm tôi rất cảm động vì sân khấu kín đặc người, có người đã đến rất sớm, từ 4h để chọn được chỗ gần khán đài xem tôi biểu diễn.
Hôm đó tôi hát rất nhiều bài của Trịnh Công Sơn nhưng bài được nhiều người thích nhất là "Biết đâu nguồn cội".
Thùy Dung quyết định tạm dừng showbiz sau hơn 20 năm ca hát để làm cô giáo dạy nhạc.
Tôi chia tay với sân khấu với lý do, tôi nghĩ đấy là lúc thích hợp để có một bước ngoặt. Khi bước qua tuổi 30, mỗi người nghệ sĩ đều phải lo cho mình một công việc khác. Khi ấy, tôi nghĩ mình cần làm thêm một công việc khác có chiều sâu hơn.
Ý tưởng mở trường nhạc cho tất cả những học viên có nhu cầu đã đến lúc đó. Sau khi đi khảo sát, tham quan, tôi thấy phù hợp với sức và niềm đam mê của mình.
Tôi dừng lại việc diễn trên sân khấu để tập trung mở trường. Những ngày đầu rất vất vả vì mình mới làm, có nhiều vấn đề lắm. Những chương trình đi diễn tôi cũng phải dừng lại.
Nữ nghệ sĩ đam mê với công việc giảng dạy hiện tại.
Tôi rất đam mê với công việc dạy nhạc. Một giáo viên dạy thanh nhạc một cách rất trực quan như tôi vừa phải có kinh nghiệm biểu diễn trên sân khấu, vừa phải có cả kinh nghiệm học hành. Tôi có hơn 20 năm đi diễn rồi nên rất say mê đi dạy cho các học viên.
Vì thế, niềm đam mê trên sân khấu chỉ chuyển sang việc dạy nhạc chứ không hề mất đi. Nếu nói quên sân khấu là nói dối, nhưng nếu để dằn vặt, làm tất cả để quay lại sân khấu thì tôi sẽ không làm.
Hồi đó, tôi 37 tuổi, tôi cảm thấy phải biết nói không để giữ được uy tín của một cô giáo. Khi bước chân vào công việc mới, có rất nhiều vấn đề. Ví dụ như việc in tờ rơi quảng cáo, tôi sợ mọi người sẽ vứt tờ rơi xuống đất, bị mọi người dẫm lên mặt.
Tôi là một người rất xúc cảm nên dễ chạnh lòng. Dạy học có những đặc thù rất khác, nếu mình không kỹ tính cũng sẽ không mang lại kết quả cho việc kinh doanh.