Trước khi lên đường 2 tuần, người mà bấy lâu nay chị gọi là dì ruột, xin chị một cuộc hẹn bí mật và nói cho chị biết rằng: Bà mới là mẹ đẻ, còn người mà chị vẫn gọi là mẹ, lại là dì ruột.
Cuộc sống của chị gần như bị đảo lộn. Bao câu hỏi xoay quanh một sự thật bao vây lấy chị, về sự bỏ rơi của mẹ đẻ, về sự im lặng để nuôi dưỡng của người dì.
Chị giữ lấy những gì ngọt ngào nhất trong cuộc sống mà chị đã có, và cũng chấp nhận sự thật về chính mình.
Rồi chị đi. Một thân một mình đơn độc trên đất Mỹ, không thân nhân, không chỗ dựa tinh thần. Những đồng tiền kiếm được, chị vẫn trích một phần gửi về cho mẹ đẻ với suy nghĩ: "Dù mẹ không có công dưỡng, thì cũng có công sinh thành".
Những lá thư của người nhận được tiền gửi sang cho chị không có lời cảm ơn, không có những câu hỏi thăm con gái có khỏe không, hoặc hỏi xem cuộc sống của con mình như thế nào.
Và cũng thật éo le cho chị, trong một lá thư, có vỏn vẹn vài dòng nhắn nhủ theo lối trách móc rằng gửi như thế là ít quá, không tiêu xài vào được việc gì, chờ nhiều nhiều rồi gửi một lần luôn…
Nhiều năm trôi qua, hình ảnh người mẹ đẻ trở nên không còn được gần gũi và đẹp trong mắt Thanh Hà.
Ca sĩ Thanh Hà.
Đối diện nỗi đau để đứng dậy
Có bao giờ chị đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ đẻ, để lý giải và thấu hiểu được hoàn cảnh của mẹ chị không?
Tôi cũng tìm hiểu kỹ những gì diễn ra trong quá khứ, thì biết rằng, mẹ tôi là một phụ nữ khờ khạo, lại sống trong gia đình mà bà ngoại lại quá nghiêm khắc.
Có lần, một ông chú kể, khi mẹ đẻ của tôi đi vắng, bà ngoại tôi gọi chú đến bảo bây giờ dì của tôi nhàn rỗi, chưa có con, lại có tiền, nên đưa tôi cho dì làm con nuôi.
Dì đến thấy tôi nằm trong nôi thì ẵm về nhà, lo toan chăm sóc cho tôi. Điều mà tôi thấy khó hiểu, là với trái tim một người mẹ, khi mẹ về nhà không thấy tôi nằm trong nôi nữa thì hãy đi tìm con mình chứ? Mẹ tôi đã không hề đi tìm hay thăm tôi ở những tháng ngày mà tôi còn chưa biết gì.
Bà có nói cho chị biết là tại sao bà im lặng suốt từng ấy năm trời? Chị có nghĩ rằng đó cũng là một sự hy sinh của mẹ, khi chị đang hoàn toàn có một cuộc sống bình thường và yên ấm?
Tôi từng nghĩ như thế, cho đến một ngày dì tôi nói ra một sự thật: Khi biết tôi lớn, sạch sẽ khỏe mạnh, mẹ tôi cũng tìm đến khá nhiều lần, nhưng không phải để thăm tôi mà đến để mặc cả với dì tôi là phải đưa tiền thì mẹ tôi mới im lặng.
Tôi cũng chứng kiến có lần mẹ tôi đến vội vàng, nhận một ít tiền rồi đi chóng vánh. Tôi không thể lý giải được mẹ tôi đã nghĩ và hành động về tôi như thế nào nữa suốt những năm tháng trong quá khứ.
Sau này, khi tôi hỏi về những điều này, thì bà nói: "Giờ mày lớn rồi, đủ lông đủ cánh rồi, muốn nói gì mà chẳng được!".
Như chị đã hiểu mẹ vốn "khờ khạo", nhưng trong trường hợp này thì khờ đến... không bình thường. Có bao giờ chị nghĩ đến điều này ở bà, để rồi có trách móc cũng càng thêm tội nghiệp cho bà?
Tôi hoàn toàn hiểu rằng làm phụ nữ đã khổ, phụ nữ sinh con ngoài giá thú với lính ngoại quốc lại càng khổ trăm bề.
Nhưng mẹ tôi biết xài tiền, biết nói tôi hãy lo cho những đứa em con của mẹ, có nghĩa là mẹ vẫn biết nghĩ cho bản thân, cho người khác. Vậy tại sao mẹ lại đối xử như vậy đối với tôi? Tôi là con của mẹ cơ mà?
Một sự thật khác, là một số không ít người thân thường trông đợi ở "Việt kiều" tiền bạc vì họ nghĩ những người đi Mỹ kiếm tiền dễ lắm. Sao chị không lý giải cho mẹ chị hiểu sự cơ cực của chị?
Tôi đã có lần nói với mẹ điều đó, và tôi nhận thấy rằng mẹ không hề thương tôi, chứ chưa nói đến sự bù đắp. Đôi lúc tôi cũng muốn đến bên mẹ, cũng muốn bấu víu vào phương châm sống "giọt máu đào" nhưng cách mẹ sống lại đẩy tôi ra xa hơn bằng sự lạnh nhạt của mẹ.
Lần về Đà Nẵng diễn, tôi có nhắn với người thân là tôi muốn gặp mẹ, suốt 3 đêm tôi mong mẹ đến để gặp, nhưng rồi mẹ cũng không đến. Nếu tình mẫu tử thiêng liêng thì mẹ đã đến với tôi chứ.
Hình như, những người thân mà mình thương yêu, lại thường hay làm khổ mình nhất. Ai nói tôi phũ phàng tôi cũng chịu, nhưng giờ tôi phải sống cho bản thân mình trước đã. Những người thân không lo được cho mình, mình buồn khổ thêm thì càng làm cho mình trở nên bế tắc.
Chị có nghĩ rằng cả hai đang làm tổn thương nhau chỉ vì một thì đơn giản quá mức, và một thì nhạy cảm quá mức?
Cũng có thể. Nhưng khó mà thay đổi được tính cách của từng người. Hoàn cảnh cũng lăn theo những tính cách đó và mọi cách cư xử cũng cứ thế mà thuận thiên. Và mỗi người tự sống đời của mình. Mẹ không thương tôi, thì tôi phải thương mình và bù đắp cho con mình.
Nên quên cho nó nhẹ nhàng chị ạ!
Không nhắc đến thôi, nhưng quên thì không quên được. Ngay cả các em tôi cũng đối xử với tôi không khác gì mẹ.
Khi tôi về, các em gặp tôi chớp nhoáng, không một lời thăm hỏi rồi đi biệt luôn. Cũng cảm ơn nghịch cảnh, nó đã cho tôi một sự vươn lên mạnh mẽ hơn để làm tốt mọi thứ như hôm nay.
Vậy bây giờ ai là người phụng dưỡng mẹ đẻ chị, những khi tuổi già sức yếu, ở Việt Nam?
Mấy đứa em con của mẹ. Giờ tôi không có khả năng lo cho mẹ nữa, vì tôi phải lo cho tôi, cho con tôi khi giờ đây tôi không còn tuổi trẻ để lao động kiếm tiền quần quật như trước.
Hơn nữa, những tình cảm của tôi dành cho mẹ, mẹ chỉ xem như "nghĩa vụ" và không biết quý trọng, thì tôi cũng chỉ làm những nghĩa vụ cần thiết của mình, với mẹ.
Và chị đã đối xử với dì ruột - người mà chị gọi là mẹ - như thế nào sau khi chị biết mọi sự thật?
Trong tim tôi, dì là người mà tôi gọi từ "mẹ" một cách thiêng liêng. Sự im lặng của dì cũng thể hiện tình thương, tôi không bao giờ cảm thấy mình chỉ là một đứa con nuôi.
Đó là niềm an ủi lớn nhất cho tuổi thơ cũng như những hành trình cuộc sống tôi sau này, để tôi có một niềm tin rằng tình thương trong đời là có thật.
Dì không sống kiểu thực dụng vật chất, mà rất bao dung. Nếu không có dì, chắc chắn tôi bệnh hoạn và chết ngay từ nhỏ rồi.
Giờ bà sống với tôi ở Mỹ. Chữ hiếu tôi xin được đền trả cho dì mình. Tôi nghĩ, sự đền trả ấy hoàn toàn đúng địa chỉ. Hãy yêu thương những ai yêu thương mình thực sự.
Thương ai thì tôi cho hết...
Chị có nhiều bạn bè ở Mỹ để chia sẻ những lúc buồn chán không?
Ngoài khán giả yêu mến, tôi luôn có những người bạn thân để động viên, an ủi và học cách xử lý tình huống từ phía họ. Ví dụ như Kỳ Duyên, một người bạn rất thân, sẵn sàng chia sẻ những lúc tôi cảm thấy cô đơn, chới với nhất. Duyên luôn cho tôi nhìn cuộc sống theo những hướng tích cực nhất.
Công việc và cuộc sống đã đưa chúng tôi gần nhau. Có những ngày cả hai cùng rảnh, tôi thường hay đến chơi với Duyên, nấu một món gì đó, rồi Duyên gọi vài người bạn nữa đến thắp nến lên đàn và hát.
Cách mà Duyên giải quyết chuyện không vui là đi ngủ một giấc thật sâu, sáng dậy lại thấy nụ cười trở lại. Duyên để những chuyện đó phía sau giấc ngủ và lấy lại sự cân bằng nhanh chóng. Tôi thì khác, là cứ phải hành hạ mình.
Ca sĩ Thanh Hà tên thật là Trương Minh Hà. Cô sinh năm 1969 tại Đà Nẵng.
Thanh Hà có mẹ là người Việt Nam và cha là người Mỹ.
Thuở nhỏ, cô sinh sống và học tập ở Đà Nẵng và đã từng hát trên đài phát thanh của Đà Nẵng. Sau khi học hết lớp 12, cô chuyển vào Sài Gòn sinh sống
Khoảng năm 1991, Thanh Hà sang Mỹ định cư. Cô đã trải qua hai lần kết hôn và hiện đang yêu một người đàn ông kém 11 tuổi.
Được học một bài học nghiệt ngã về tình yêu thương, chị áp dụng như thế nào trong đời mình?
Với con mình, nếu gần gũi, săn sóc và thấu hiểu thì yêu thương đến tự nhiên thôi. Nếu mình không gần gũi, không gắn bó từ khi còn nhỏ với đứa trẻ thì việc nó có ít hoặc không có tình thương đối với mình cũng là điều hết sức bình thường.
Từ bài học của mẹ, trước đây tôi kỹ càng trong tình cảm, như chim sợ cành cong. Nhưng giờ thì khác rồi, tôi cũng đã thay đổi suy nghĩ: Đâu ai cấm mình yêu nhiều đâu chứ? Gãy đổ trong hạnh phúc riêng tư thì cứ tìm hạnh phúc khác, khi nào có hạnh phúc thực sự thì hãy dừng cuộc kiếm tìm đó lại.
Khi thương ai tôi thương hết lòng. Và tôi cho hết tất cả.
Cho hết thì còn gì cho mình?
Tôi may mắn là với những cuộc tình tôi trải qua, những người yêu đều đã tặng tôi một trái tim trọn vẹn trong suốt quãng đời yêu nhau và rất yêu thương tôi. Dĩ nhiên, đổ vỡ cũng xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Như cuộc hôn nhân đầu tiên, tôi có nhiều suy nghĩ không được chín chắn.
Tôi đã làm hết sức mình, cố gắng để hàn gắn nhưng mọi thứ đều không như ý. Có ai hỏi tôi nguyên nhân thì tôi đều thấy là do tôi cả. Có thể vì như thế nên giờ đây tôi và anh ấy vẫn là bạn, vẫn có thể nói chuyện được.
Chia tay nhiều khi cũng là một giải pháp tốt để vẫn giữ những gì đẹp đẽ cho nhau ấy chứ?
Một hai năm đầu không được như vậy đâu. Có lẽ tôi phải cảm ơn con gái, mối liên kết duy nhất của tôi và anh sau khi chia tay. Tôi chủ động nói với anh: "Thôi thì đừng vì mình nữa.
Đừng vì tự ái của người lớn, mà là vì con, để không cáu gắt cãi cọ nữa, con không được vui vẻ. Phải cho con thấy bố mẹ có yêu nhau mới có con, còn không hợp với nhau thì mới chia tay". Sau một thời gian thì anh nhận thấy điều đó là đúng thì mọi chuyện nhẹ nhàng hơn nhiều.
Người ta không chấp nhận đổ vỡ để rồi hành hạ nhau mới là điều đáng sợ. Nếu đổ vỡ để tương lai đẹp hơn, tốt hơn, thì cũng nên đối với những gia đình vốn thiếu hạnh phúc, phải không?
Đúng.
Bao lâu sau chị đến với một cuộc tình mới?
7 năm sau tôi mới lập gia đình lại nhưng chỉ được 2,5 năm thì lại chia tay một lần nữa. Tôi để nỗi đau đánh gục mình, khóc cho cạn nước mắt rồi tôi đứng dậy. Đó là vũ khí duy nhất mà tôi đối kháng với sự mất mát.
Bị vùi dập trong khổ đau nhưng tôi là người vươn lên chứ không phải gục xuống. Có những giai đoạn tôi hát bằng niềm vui, có những giai đoạn tôi hát bằng nỗi buồn. Nhưng dù buồn đau đến đâu cũng có những hy vọng về hạnh phúc.
Vậy giai đoạn này chị đang hát bằng hạnh phúc hay đau khổ?
Cả hai. Quá khứ thì khó quên nhưng hiện tại tôi đang hạnh phúc. Với một người từng trải, họ sẽ vượt qua được khổ đau và cân bằng được với hạnh phúc để hát một cách tỉnh táo.
Ngoài niềm vui của một người đang ở giai đoạn sung mãn nhất của giọng hát, và hạnh phúc nhất của một người đàn bà yêu, tôi thấy cuộc đời rất đáng sống.
Người bạn đời đã giúp đỡ hết lòng trong nghề nghiệp cho tôi. Anh ấy hiền lành, là dân chơi nhạc, vừa là nhạc sĩ hòa âm và cũng là người làm âm thanh rất hay. Chúng tôi gần gũi hơn nữa là nhờ âm nhạc.
Yêu lại qua hai lần đổ vỡ, cảm giác của chị thế nào? Từng trải, chai sạn hay "đập hết xây lại"?
Một cuộc tình mới với tôi là một hồi sinh khác. Tôi vẫn là tôi, hết lòng, đắm say và cùng tận hưởng hạnh húc. Chúng tôi đã đi với nhau một hành trình 6 năm, mà anh khẳng định là 7 năm, anh trân trọng từng giây phút sống bên nhau.
Anh tính luôn cả ngày nhắn tin hẹn hò lần đầu, thế tôi mới chịu 7 năm đấy. Ở đất Mỹ, có một người đàn ông kỹ càng với tình yêu như vậy là hiếm lắm.
Không biết ngày mai thế nào, nhưng giờ có hạnh phúc thì cứ hưởng thụ cái đã. Hết yêu một ai đó thì cũng không còn Thanh Hà trên đời nữa đâu.
Thanh Hà và bạn trai kém 11 tuổi.
Giống bản tình ca Tô Chấn Phong và Khánh Hà quá nhỉ?
Tôi biết là anh Phong và chị Khánh Hà yêu nhau lắm. Có điểm giống là bạn trai của tôi cũng nhỏ tuổi hơn tôi, những 11 tuổi.
Anh đối xử với con của chị như thế nào?
Rất tốt với con tôi. Con tôi cũng từng nói với tôi điều đó. Trong thời gian đầu, tôi có hỏi con tôi hàng tuần là con thấy chú thế nào. Con bé trả lời: Chú tốt. Nhưng càng về sau con hỏi tôi: "Sao mẹ không làm đám cưới với chú đi. Chú thật tuyệt".
Tôi chỉ trả lời con: "Thôi, mẹ không muốn lấy chồng nữa. Mẹ đủ chồng rồi con ạ". Thực ra hạnh phúc thì không nhất thiết phải tính bằng hôn lễ rình rang hay một tấm giấy kết hôn. Trên đời này còn yêu được và còn được yêu mới thấy cuộc sống đẹp lắm rồi.
Khi con nói vậy, là con đã sẵn sàng cho một gia đình có đầy đủ bố mẹ và con, chứ không phải những mảnh ghép nối nhân danh tình yêu, chị có nghĩ vậy không?
Tôi hiểu chứ. Mới đây nhất, trong nhà trường, con gái tôi được chọn đứng lên để phát biểu suy nghĩ của mình. Trong bài soạn trước để diễn thuyết của con mà tôi được đọc qua, con có nhắc đến anh, tôi xúc động lắm.
Con viết: "Ông bố đẻ của tôi nhắc tôi rằng, những năm ở trung học vô cùng quý báu. Con sẽ học được rất nhiều điều thú vị vì con đang ở độ tuổi phát triển và đón nhận mọi điều tuyệt vời trong cuộc sống. Con sẽ có một thế giới riêng khi đến trường học.
Và một trong những điều tuyệt vời là mỗi sáng, chú ấy đưa tôi đến trường và căn dặn tôi rất nhiều điều bổ ích".
Con bắt đầu bước sang tuổi 15, mọi cảm nhận của con về những người xung quanh rất đặc biệt. Và dĩ nhiên, người đàn ông này phải thương con như thế nào thì con mới viết về anh ta như thế.
Đi qua mọi vui buồn, khổ đau, hạnh phúc thì giá trị cuối cùng chị muốn hướng tới là điều gì?
Sống cho mình, sống thật và sống bình yên. Thật như không thể thật hơn. Nếu hạnh phúc thì hãy cười thật to lên và nếu đau khổ thì cứ khóc thật to cho nhẹ nhàng lại.
Đừng sợ hãi, đừng giấu kín điều gì, nhất là những nỗi đau khổ. Hãy hưởng thụ nó dù hạnh phúc hay đau khổ.
Nếu bạn hỏi tôi rằng một cuộc đời có ý nghĩa là cuộc đời như thế nào. Là khóc thật. Là cười thật. Là gào thét thật.
Mọi người có một cuộc đời thôi, nên hãy sống một cuộc đời thật nhất với mọi trạng thái của chính mình, thì mình sẽ ở lại trong trái tim của người khác một cách chân thật.
Năm 1992, thiếu nữ 18 tuổi qua Mỹ, mang theo một sự thật phũ phàng về xuất xứ của mình. Cô gác lại điều đó, một thân một mình mưu sinh nơi đất khách, bằng những công việc lao động thủ công.
Rồi cô cất cao giọng hát, mở ra lối thoát riêng cho cuộc đời mình. Một tiếng hát chất chứa nhiều tâm sự, nhưng cũng ẩn chứa một nghị lực mạnh mẽ. Tiếng hát đó mang tên Thanh Hà.
"Thân phận và hào quang" là tên cuốn sách của nhà báo Hoàng Nguyên Vũ được Alpha Books phát hành trong tháng 3-2016.
Cuốn sách dày hơn 400 trang viết về những góc khuất cuộc đời của 30 nghệ sĩ nổi tiếng trong showbiz Việt.
Nhận xét về cuốn sách này, nhạc sĩ, nhà báo Trần Lê Quỳnh nói: "Những người nổi tiếng luôn giằng xé giữa hai cái tôi: một cái tôi riêng tư và cái tôi hiện ra trước công chúng...
Những bài phỏng vấn của Hoàng Nguyên Vũ cho thấy đằng sau hào quang nghệ sĩ là những thân phận đôi khi cũng bé nhỏ, cơ cực giữa trần gian".
Báo Điện tử Trí Thức Trẻ xin trích đăng bài phỏng vấn ca sĩ Thanh Hà do nhà báo Hoàng Nguyên Vũ thực hiện và được in trong cuốn sách "Thân phận và Hào quang".