Ngọc Anh được biết đến là một nữ ca sĩ nổi tiếng ở cả trong nước lẫn hải ngoại. Cô sở hữu chất giọng trầm khàn đầy nội lực, kỹ thuật chuẩn chỉ nhưng cũng da diết, nức nở cảm xúc.
Như "cá tức trứng", Ngọc Anh trải lòng với chúng tôi về mọi thứ giấu kín bấy lâu nay. Cô muốn nói nhiều về chuyên môn, những thứ chưa bao giờ được giãi bày trước công chúng.
Chưa đủ tuổi đã được cô giáo dắt tay xin cho vào Nhạc viện
Bố mẹ chị đều là nghệ sĩ sân khấu. Việc được sinh trưởng trong môi trường nghệ thuật từ nhỏ đã tạo thuận lợi gì cho chị?
Tôi may mắn khi được chào đời trong cái nôi nghệ thuật. Gia đình tôi ngày ấy sống ở khu văn công dành cho nghệ sĩ, xung quanh nhà đều là nghệ sĩ từ chèo, tuồng tới nhạc dân tộc, xiếc, múa, điện ảnh… Tất cả đều sống trong khu văn công đó.
Tôi vừa mở mắt ra đời đã ngày đêm được nghe những âm thanh nghệ thuật đó. Tôi nghe ngày nghe đêm, nghe cả trong giấc ngủ nên nghệ thuật thấm vào máu tôi từ nhỏ.
Bố cho tôi đi học nhạc từ rất sớm. Tôi còn được học cả đàn thập lục. Vì thế nên ngay từ nhỏ tôi đã được tiếp xúc, học hành và có kiến thức về âm nhạc. Tôi còn chơi đàn thập lục rất giỏi và sau này chơi được cả trống/
Chị vào Nhạc viện từ khi nào?
Năm 16 tuổi, tôi đã chính thức bước chân vào Nhạc viện. Tôi nhớ khi đăng ký đi thi còn không được nhận vì theo tiêu chuẩn của Nhạc viện ngày ấy, thấp nhất là 17 tuổi.
Cô Diệu Thúy – trưởng khoa Thanh nhạc của Nhạc viện ngày ấy còn phải dắt tay tôi tới gặp Ban giám hiệu để xin cho tôi vào học vì lúc thi, tôi đạt thủ khoa với điểm số cao nhất. Cô bảo rằng, tuy tôi chưa đủ 17 tuổi nhưng cơ thể đã trưởng thành, thanh quản đã phát triển đầy đủ, lại thi đỗ thủ khoa, đủ tư chất để theo học nhạc. Thế là tôi được nhận vào học.
Tôi theo học Nhạc viện từ năm 1990 tới 2000 là tròn 10 năm và chỉ học thanh nhạc. 4 năm đầu trung cấp, tôi học NSƯT Mỹ Bình, 2 năm cao đẳng và 4 năm đại học thì được học NSND Lê Dung. Học cùng cô Mỹ Bình với tôi là nhiều nghệ sĩ lớn như chị Thanh Lam, chị Hồng Nhung, Thùy Dung, Minh Thúy…
Những điều chưa từng hé lộ về huyền thoại Lê Dung
Cơ duyên nào dẫn chị đến với NSND Lê Dung, một bậc thầy âm nhạc cổ điển Việt Nam?
Cô Lê Dung vốn dĩ không theo nghiệp sư phạm từ đầu. Cô là ca sĩ nổi tiếng, lại đi học ở Bulgaria nhiều năm. Về nước, cô công tác tại Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam. Nhưng cô cũng thích giảng dạy nên xin về Nhạc viện.
Khi cô Lê Dung về Nhạc viện, các sinh viên đã học sẵn trong những lớp cố định. Để có được sinh viên cho mình, cô Lê Dung phải xin với Khoa Thanh nhạc lấy những sinh viên cô muốn dạy. Bản thân tôi cũng được cô Lê Dung nhắm trước rồi xin từ cô Mỹ Bình ra để dạy.
Lúc đó tôi và cô chưa thân quen, tôi nghĩ cô chọn tôi vì cá tính trong giọng hát và chắc cô biết tôi là đứa khá đặc biệt lúc bấy giờ.
NSND Lê Dung là ca sĩ dòng Opera/nhạc cổ điển, lại còn là nữ cao. Trong khi đó, chị theo nhạc nhẹ, lại là nữ trung. Với sự khác biệt lớn như vậy, hai cô trò phải làm sao để khớp với nhau trong quá trình giảng dạy, thực hành?
Câu hỏi của bạn rất hay, tôi đã chờ đợi lâu lắm để được hỏi về những vấn đề chuyên môn như vậy.
Thực ra, bản thân cô Lê Dung khi ấy cũng không biết tôi là giọng gì. Khi luyện thanh cho tôi, cô còn hỏi:
"Thế giọng Ngọc Anh là giọng gì? Cô không hiểu giọng em là giọng gì luôn. Giọng em vừa có trung vừa có cao, xuống thấp cũng được, lên cao cũng được, quãng rất rộng, hát được cả hai loại giọng nữ trung lẫn nữ cao. Vì thế, cô không thể khẳng định về loại giọng của em".
Chính tôi cũng thấy lời cô nói là đúng. Thời còn ở tam ca 3A, tôi đảm nhiệm hết phần bè trầm nhưng hát cao cũng được. Trong lúc thi vào Nhạc viện, NSND Trần Hiếu trực tiếp lên đệm đàn cho tôi thử giọng và một phát lên được tới tận G5 (note rất cao) bằng giọng thật, khiến thầy cô chấm thi ai cũng ngạc nhiên.
Đó là bản năng của tôi, nhưng chỉ có lúc trẻ, nếu dùng nhiều thì khi có tuổi sẽ đánh mất. Vì vậy, cô Lê Dung dạy tôi cách hát học thuật, dùng giọng pha (mixed voice), nghe mượt mà, không chói.
Có lẽ vì vậy mà cách giảng dạy của cô Lê Dung dành cho tôi cũng thoải mái, phóng khoáng hơn. Dù cô là nữ cao cổ điển nhưng vẫn dạy cho tôi được.
Bản thân tôi khi hát cũng luôn nhớ tới bài học khẩu hình của cô nên có vẻ giống cô về mặt âm thanh, phần vang hốc xoang của cô để lại cho tôi như một báu vật trong sự nghiệp.
Được một giáo viên là ca sĩ cổ điển tài năng đào tạo, tại sao chị lại theo nhạc nhẹ?
Nói thật là vì cơm áo gạo tiền. Nếu chọn theo cổ điển, tôi không hát nhạc nhẹ được vì phải thay đổi giọng hát, vị trí âm thanh. Tôi đã chọn nhạc nhẹ thì phải theo nó đến cùng.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, tôi nhận ra nhạc nhẹ hay cổ điển thì cũng giống nhau ở chỗ phải có kỹ thuật tốt. Cái nền kỹ thuật cơ bản thì cả nhạc nhẹ lẫn cổ điển đều phải có, ví dụ như cột hơi, khẩu hình…
Chỉ có điều, hát cổ điển thì nâng cầu nối của vòm trên lên để phát huy hết sức mạnh, độ cộng hưởng trong giọng hát.
Khi biết chị chọn nhạc nhẹ mà không theo cổ điển, NSND Lê Dung có phản ứng thế nào?
Cô Lê Dung khá tiếc khi biết tôi chọn theo nhạc nhẹ. Không chỉ cô Lê Dung mà cô Mỹ Bình và mẹ chồng cũ của tôi là NSND Tường Vi đều nhắc đi nhắc lại và rất tiếc. Ai cũng muốn tôi theo cổ điển vì thấy tiềm năng ở tôi, nhưng vì cơm áo gạo tiền thời bấy giờ, cộng thêm sự thích phá cách của tuổi trẻ nên tôi không thể theo cổ điển được.
NSND Lê Dung là một huyền thoại, tài năng lớn của nền âm nhạc Việt Nam, được nhiều khán giả ái mộ. Nhưng cho đến nay, những thông tin, câu chuyện về bà vẫn còn rất ít. Là người học trò cưng của Lê Dung, chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm về bà?
Cô Lê Dung là một viên ngọc quý của nền âm nhạc Việt Nam. Việt cô ra đi quá sớm như vậy vô cùng đáng tiếc.
Cuộc đời cô Lê Dung cũng nhiều nỗi đau và trắc trở. Cô là người đã cho tôi một bài học đáng nhớ. Tôi nhìn vào cuộc đời cô để tự rút ra bài học cho mình, không giẫm chân vào vết xe đổ của cô.
Cô Lê Dung là người yêu say đắm, yêu là để chết. Còn tôi yêu là để sống. Nói cách khác, tình yêu với cô Lê Dung quá tha thiết, dốc hết tâm sức nên dẫn tới đau tim, đau não và ảnh hưởng tới sức khỏe. Cô Lê Dung qua đời do huyết áp tăng dẫn tới đột quỵ. Nhưng tôi biết, cô bị như vậy vì đau đớn quá nhiều trong tình yêu, tình yêu của cô trao đi nhiều quá.
Tôi cũng đau đớn trong tình yêu nhưng vì nhìn thấy tấm gương từ cô Lê Dung nên tự dặn lòng không được để bản thân bị như thầy mình. Tôi học cách dừng lại đúng lúc, không để sự đau đớn trong tình yêu ảnh hưởng đến cuộc sống, tính mạng của mình.
Hiểu lầm với cố nhạc sĩ Phú Quang và những thiệt thòi phải chịu đựng
Ngoài NSND Lê Dung, chị còn gắn bó với một cây đại thụ khác là nhạc sĩ Phú Quang. Cơ duyên nào khiến chị gặp ông?
Tôi gặp nhạc sĩ Phú Quang từ năm 1993. Chú Phú Quang khi ấy chuyên đi "săn" các ca sĩ mới để lăng xê, đào tạo, hát cho mình.
Chú Phú Quang có hướng dẫn tôi hát, chỉ cho tôi cách hát thả lỏng, vuốt nhẹ chỗ này, lên cao chỗ kia. Nhưng tất nhiên, chú Phú Quang chỉ hướng dẫn một cách trừu tượng chứ không cụ thể. Tôi phải tự tư duy, vận dụng kiến thức mình có để xử lý ca khúc của chú.
Chị có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ về nhạc sĩ Phú Quang?
Kỷ niệm thì nhiều lắm nhưng cái khiến tôi nhớ nhất là hình ảnh chú Phú Quang cầm đũa chỉ huy dàn nhạc. Đó là một Phú Quang thật nhất. Những lúc đó, tôi đứng trên sân khấu, vừa nghe âm nhạc vừa ngắm nhìn chú Phú Quang đang chỉ huy dàn nhạc.
Bao nhiêu sự từng trải, đau khổ, hân hoan, thăng hoa nhất chú đều dồn vào khoảnh khắc đó, khiến tôi ngưỡng mộ. Tôi cũng nhớ và thương chú nhất trong những lúc đó, chứ không phải ở ngoài đời. Có lẽ vì tôi và chú có chung một dòng chảy âm nhạc nên tôi cảm nhận rõ nhất được chú khi đứng trên sân khấu.
Tôi có một bệnh là hễ cứ hát xong nhạc Phú Quang, vào hậu trường là tay cầm mic lại run. Ban đầu, tôi cứ tưởng do sức khỏe có vấn đề nhưng sau này tôi nhận ra do mình xúc động quá.
Cứ hễ hát nhạc Phú Quang là tôi lại xúc động, bị đưa vào một trạng thái khó tả, 10 lần như 1. Tôi cứ bước ra khỏi sân khấu là chân tay bủn rủn, đứng không vững vì cảm xúc đang quá dàn dụa trong cơ thể. Chú Phú Quang luôn là người đỡ tôi vào tận cánh gà và hỏi han, động viên tôi.
Chị từng có một scandal với nhạc sĩ Phú Quang ngày trước liên quan đến cát xê. Tại sao chị không lên tiếng thanh minh cho mình?
Đó là một hiểu lầm, chỉ có vợ chú Phú Quang là hiểu. Ai muốn hỏi thì hãy hỏi những người gần gũi chú Phú Quang. Nếu tôi lên tiếng mọi người sẽ nghĩ tôi biện hộ, tự bảo vệ mình.
Tôi chọn im lặng và có là cách tôi ứng xử với biến cố. Bây giờ tôi cũng không nói lại vì có nói ra cũng chỉ làm đau lòng người khác. Tôi nghĩ, những người xung quanh hay các bầu show đều hiểu tôi.
Đó là lí do vì sao tôi không bao giờ khoe giá cát xê như một số nghệ sĩ khác. Khán giả có nhiều tầng lớp và còn nhiều người nghèo khổ lắm, họ nhìn vào lại nghĩ nghệ sĩ kiếm tiền dễ thế, rồi chạnh lòng, có những suy nghĩ thiếu tích cực.
Nhưng đâu ai hiểu đó là cái giá cho 10 năm ăn học, khổ luyện và hát tới khạc nhổ ra máu của tôi. Đâu phải tự nhiên mà tôi có được cát xê như bây giờ. Đó là thành quả tôi tích lũy từ nhiều năm, phấn đấu bằng toàn bộ tâm trí, sức lực.
Buồn cho thời của chính mình, nhiều người không có kỹ thuật vẫn nổi tiếng khủng khiếp
Được biết, chị có lập một kênh Youtube riêng để dạy thanh nhạc online. Nguyên nhân nào khiến chị làm vậy?
Tôi lập kênh Youtube đơn giản vì muốn giúp những người không biết hát. Những người đã đi học thanh nhạc trường lớp rồi chắc gì đã xem kênh Youtube của tôi. Vì vậy, tôi dạy sao cho dễ hiểu nhất, để giúp mọi người hát hay hơn ngay cả khi hát karaoke, hát vui chơi.
Nhiều ca sĩ trẻ ngày nay dù không có kỹ thuật tốt, không đầu tư học hành nhưng vẫn nổi tiếng. Chị nghĩ sao về điều này?
Nổi tiếng hay không là cái duyên cái số, nhưng nếu muốn tồn tại với nghề, các bạn ấy vẫn phải đi học.
Chị có buồn vì điều này?
Không có gì đáng buồn. Nếu buồn thì tôi phải buồn cho chính thời của tôi, nhiều người không có chút kỹ thuật nào nhưng vẫn nổi tiếng khủng khiếp. Còn ca sĩ trẻ ngày nay, tôi lại thấy các bạn ấy nổi tiếng là xứng đáng.
Nhiều khi các bạn trẻ ngày nay tuy không học trường lớp nhưng vẫn học người nọ người kia. Các bạn ấy có thể mời thầy đến dạy riêng hoặc học online… Nhiều bạn trẻ ngày nay hát rất hay.
Trong nghề ca hát này, không nhất thiết học trường lớp mới là học. Học trường lớp chỉ để chính quy, có bằng cấp rồi đi dạy. Nhiều nghệ sĩ không hề học trường lớp vẫn tài năng và là bậc thầy ai cũng nể.
Việc học trường lớp không thể hiện điều gì nếu người đó học không tới nơi tới chốn. Và may mắn nhất là phải học được đúng thầy đúng lớp.
Khi ca hát, chị đặt cảm xúc hay kỹ thuật nhiều hơn?
Thời còn trẻ, tôi đặt cảm xúc nhiều hơn nhưng đến giờ tôi cân bằng cả hai. Cảm xúc nhiều quá thì hát mất chất lượng còn kỹ thuật nặng quá lại đánh mất cảm xúc.
Trong ca hát, cách tốt nhất là cân bằng cảm xúc lẫn kỹ thuật. Nhưng nếu không cân bằng được thì nên để cảm xúc nhiều hơn. Dù sao đi nữa, hát cảm xúc sẽ dễ chạm tới trái tim khán giả hơn.
Khán giả đôi khi không quan tâm tới kỹ thuật. Kỹ thuật để ca sĩ dành cho chính họ chứ không dành cho khán giả. Kỹ thuật chỉ để giúp hát hay, hát đúng chứ không giúp chạm tới khán giả, nó không giúp gì cho khán giả.
Ca sĩ hát là muốn khán giả được nghe sướng lỗ tai, chứ không phải để khoe khoang kỹ thuật.
Vậy, chị có đề cao việc thể hiện cái tôi cá nhân khi hát?
Hồi xưa tôi đặt nặng cái tôi khi hát nhưng bây giờ, tôi hát cho khán giả nhiều hơn. Tất nhiên, hát cho khán giả không có nghĩa xóa nhòa cái tôi cá nhân hay lúc nào cũng phải để ý tới khán giả.
Nói cách khác, khi hát hãy đặt cảm xúc hết vào bài hát rồi đưa tới khán giả. Mỗi khi hát, tôi không nhìn thấy bên dưới là ai, chỉ biết hát hết mình. Lúc ấy, tôi và khán giả sẽ được gặp nhau tại một điểm chung của cảm xúc.
Kỷ niệm với cố nhạc sĩ Lam Phương
Chị từng làm nhiều sản phẩm âm nhạc cùng cố nhạc sĩ Lam Phương, một cây đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam. Chị có kỷ niệm nào với ông?
Nhà chú Lam Phương ngay gần nhà tôi, đi xe vài phút là đến. Ở ngoài, chú Lam Phương dịu dàng, hiền lành lắm và đặc biệt không bao giờ nói đến tiền bạc. Vì thế nên mọi người rất thương chú.
Chú Lam Phương ở nhà có một mình nên tôi hay sang chơi, để chú không bị cô đơn. Nhiều lúc tôi ngồi tâm sự với chú đến 3, 4 tiếng đồng hồ. Chú tâm sự với tôi nhiều chuyện thầm kín nhưng tôi không thể chia sẻ được.
Chú Lam Phương rất thích người ta hát nhạc của mình, ai hát chú cũng thích, mê lắm. Chú muốn âm nhạc của mình được sống mãi. Tôi thường ngồi nghe chú kể về ca sĩ này, ca sĩ kia làm lại nhạc của chú.
Chị có chạnh lòng khi nhiều đồng nghiệp của chị như Hồng Nhung, Mỹ Linh… đã leo lên đỉnh cao, được phong làm Diva, trong khi chị sở hữu giọng hát lẫn kỹ thuật không hề kém cạnh mà lại không có được ánh hào quang như họ?
Những ca sĩ đó là người đi trước tôi, mở đường cho nhạc nhẹ hiện đại. Các chị ấy có công nên xứng đáng được hưởng hào quang đó. Tôi chỉ là đàn em đi sau, lại còn đi lang thang, dạo chơi chứ không nhảy ngay ra thị trường bằng mọi giá để lên đỉnh luôn.
Ngay từ lúc còn trẻ, tôi đã không muốn leo lên đỉnh cao ngay mà muốn từ từ hưởng thụ con đường âm nhạc mình đi. Cho đến giờ, tôi tự thấy mình đang ở trên đỉnh của riêng mình, không thua kém gì ai. Tôi là người đi chậm nhưng chắc, cứ từ từ đi, rồi vẫn tới nơi. Tôi đã nhìn thấy nhiều người cùng thời với tôi lên đỉnh rất nhanh nhưng rơi xuống cũng nhanh. Tôi sợ bị như vậy.
Tôi làm việc hết lòng với chuyên môn, đam mê và nghề nghiệp nên ông trời không phụ lòng tôi. Tôi đã có những gì mình cần nên không có gì phải nuối tiếc.
Người phụ nữ thuần Việt với lòng dạ sắt son, vượt khó khăn cùng chồng
Thời gian đầu mới sang Mỹ, chị có gặp nhiều khó khăn?
Ai cũng gặp khó khăn khi lập nghiệp nơi đất khách quê người, tôi cũng vậy. Nhưng tôi không phải kiểu người chỉ biết ngồi một chỗ than thân trách phận. Tôi cứ lao vào làm việc, tận hưởng chính cái vất vả, khổ sở đó.
Tôi nhớ nhất những lúc chở con đi học, chờ trong xe đón con về. Lúc đó tôi nghĩ, bao nhiêu cái vất vả tôi chấp nhận hết để con có tương lai tốt đẹp.
Chị và chồng hiện tại quen nhau như thế nào?
Nói ra thì khó tin nhưng tôi và anh John quen nhau qua Facebook. Anh John là bạn của bạn tôi, lại từng làm việc, sinh sống tại Việt Nam. Anh ấy rất thích phụ nữ Việt Nam và muốn quen một cô gái Hà Nội.
Anh John đã theo dõi Facebook tôi từ lâu rồi nhưng không hề biết tôi là ca sĩ nổi tiếng vì tôi rất ít khi trưng trổ hát hò, công việc lên đó, chỉ đăng ảnh cuộc sống đời thường. Anh để ý tôi vì tôi là cô gái Hà Nội, lại hay về Việt Nam.
Anh ấy nhắn tin cho tôi từ rất lâu nhưng tôi không trả lời vì tôi không có thói quen trả lời người lạ, nhất lại là đàn ông Tây. Rất nhiều đàn ông Tây nhắn tin, tôi xóa luôn.
Nhưng anh John lại khá lịch sự, không bao giờ mời mọc sỗ sàng, hẹn đi chơi này nọ. Anh ấy chỉ nói chuyện về Hà Nội, về Việt Nam. Đến một lúc tôi rơi vào trạng thái buồn cùng cực, cần được nói chuyện, cần một mối quan hệ bạn bè, sẻ chia, tôi mới nhắn lại với anh ấy.
Thế rồi, chỉ qua tin nhắn mà anh ấy có thể tả cho tôi về một quán phở gà ở Hà Nội, cách đi từ đâu để đến đó. Anh ấy nắm rõ đường Hà Nội, thuộc hết các con đường vì đi làm nhiều năm tại đây. Anh chỉ cho tôi từng con đường một. Tôi cảm thấy sự thú vị ở anh nên khi về lại Mỹ mới đồng ý gặp.
Anh ở Chicago còn tôi ở Cali, mỗi lần hẹn hò khá mệt vì anh phải bay sang Cali, lần thì tôi phải bay sang Chicago.
Tròn một năm sau, anh chuyển hẳn sang Cali ở cùng tôi để đỡ phải đi lại nhiều. Chúng tôi kết hôn từ năm 2018, sau một năm quen biết.
Chỉ một năm sau khi kết hôn, chồng chị bị tai biến. Chị phải trải qua cú sốc lớn đó như thế nào?
Chồng tôi bị tai biến khá nặng nhưng may mắn là cứu kịp. Bác sĩ nói, chỉ cần trễ 20 phút thôi là khỏi cứu, đi luôn. Tôi nhớ hôm đó, anh John đang ngủ thì có dấu hiệu méo miệng. Nhờ có con chó và tôi làm ồn nên anh tỉnh dậy.
Khi thức dậy, anh cảm thấy nửa người bị nặng, không cử động được. Ngay lập tức, tôi gọi cấp cứu đến và chỉ sau 4 phút là họ có mặt. Bệnh viện cách nhà tôi đúng 2 phút di chuyển.
May mắn hơn nữa, người điều trị cho chồng tôi hôm ấy lại là một bác sĩ giỏi, hút được hết máu đông trong người chồng tôi ra. Sau này tôi mới nhận thấy nguyên nhân tai biến của chồng tôi là do ăn mặn và hay ăn tôm. Cái này mọi người nên tránh.
Hơn nữa, chồng tôi cũng chủ quan. Cách đó hai ngày, tôi còn bảo anh đi khám tổng quát nhưng anh không chịu. Tính tôi lại cẩn thận, hễ trong nhà có đau ốm gì là phải đi khám ngay.
Chị phải chăm chồng tai biến trong 6 tháng. Chị đã vượt qua quãng thời gian đó như thế nào?
Tôi khó khăn từ bé nên quen rồi, không thấy hề hấn gì. Lúc đó, chỉ cần còn mạng sống là tôi mừng rồi.
Sau khi ở bệnh viện về, chồng tôi liệt hoàn toàn chân trái, phải vật lý trị liệu, tập luyện, thuốc thang nhiều lắm mới khỏi được. Tôi là người theo sát hết nên không dám đi show xa, không cố đấm ăn xôi, chỉ ở nhà chăm chồng.
Trộm vía, ngay sau 3 tuần là chồng tôi đã ổn một chút, sinh hoạt bình thường.
Hiện tại, chồng tôi vẫn duy trì phương pháp vậy lý trị liệu, châm cứu, bấm huyệt.
Chỉ kiếm tiền nhờ nghề hát và thay đổi bản thân sau đại phẫu
Chị có nguồn thu nhập nào ngoài công việc đi hát?
Thu nhập của tôi chỉ đến từ nghề hát, chưa bao giờ kinh doanh ngoài. Tôi là kiểu người cự tuyệt kinh doanh để tập trung vào nghệ thuật. Bây giờ, tôi chỉ chăm chỉ cày show kiếm tiền.
Nhiều đồng nghiệp của tôi rất giỏi, biết dùng tiền cát xê đi đầu tư bất động sản và giàu lên, từ 1 thành 10. Riêng tôi chỉ đi hát nên 1 vẫn là 1.
Tôi cự tuyệt kinh doanh vì tôi biết tính tôi nếu dính đến tiền bạc thì không còn hát được nữa. Đó là điểm yếu của tôi.
Trước khi hát, tôi không bao giờ nói chuyện với ai, chỉ ngồi một chỗ để tịnh tâm, nhìn vào tác phẩm. Tôi không thích những người hát kiểu vui đùa, hát như trả bài. Trước khi lên sân khấu còn đùa giỡn, nói tục tĩu mà lên sân khấu vẫn hát được thì tôi chịu. Tôi không làm được như họ. Và kết quả hát của tôi cũng khác họ.
Tôi may mắn được Tổ độ, khán giả thương. Tôi cố gắng nói không với kinh doanh để giữ cảm xúc nhất cho nghệ thuật. Bây giờ, sau Covid, tôi lại tiếp tục chăm chỉ bay show.
Cách đây một năm, danh hài Thúy Nga có đăng tải clip quay lại cảnh chị cầu chuyện cho một ca phẫu thuật của mình. Tình hình ca phẫu thuật đó ra sao?
Tôi bị một ung bướu nên phải phẫu thuật và may mắn là đã thành công tốt đẹp. Thậm chí, sau phẫu thuật tôi còn cảm thấy khỏe hơn trước đây, đi lại, nói chuyện thoải mái.
Nhờ khỏe hơn nên tôi có nhiều năng lượng tích cực, muốn gặp gỡ, giao lưu bạn bè nhiều hơn, hát cũng thoải mái, sung sức hơn. Tôi cũng thay đổi bản thân theo chiều hướng cởi mở, sẵn sàng chia sẻ.
Dạy học sinh bằng kiến thức quý báu và nghiêm túc
Cuộc sống hiện tại của chị ở Mỹ thế nào?
Tôi sống rất ổn. Nhà tôi gần biển nên khí hậu trong lành, ấm áp, đồ ăn sạch và ngon. Tôi muốn ăn đồ gì cũng có, đồ Việt không thiếu. Tôi là người thích nghi tốt với các môi trường sống khác nhau.
Càng có tuổi, giọng hát chị càng khỏe khoắn, nội lực hơn xưa, không hề có dấu hiệu mất giọng. Chị có thể chia sẻ bí quyết giữ giọng hát của mình?
Hồi trẻ, tôi hát giọng thật nhiều quá, lại chơi bời đêm khuya vì còn thanh niên. Khi có tuổi, tôi biết giữ sức khỏe, ăn đủ, ngủ đủ 8 tiếng một ngày, không thức khuya. Tôi không biết ca sĩ khác thế nào nhưng tôi luôn thu âm lúc 12 giờ trưa.
Trước khi vào hát, tôi luôn dành 30 phút luyện thanh để giọng hát được warm up, mềm mại, thoải mái.
Hiện tại, ngoài đi hát, chị còn giảng dạy thanh nhạc tại nhà?
Tôi vẫn dạy nhạc từ trước tới giờ. Những năm đầu sang Mỹ, tôi chưa có show đi hát nên kiếm sống bằng công việc dạy học, nên mới đủ kinh tế trang trải cuộc sống.
Tôi lấy tiền học không rẻ. Dù so với tiền đi hát, học phí đó chẳng thấm vào đâu nhưng tôi phải làm vậy để người học thấy được giá trị trong những giáo trình, bài giảng của tôi, từ đó học tới nơi tới chốn. Học với tôi là nghiêm túc chứ không phải chuyện đùa.
Những bài giảng tôi xây dựng đều là những kiến thức quý giá tôi tích lũy được từ các thầy cô năm xưa, chưa kể tôi tự khám phá thêm qua nhiều năm ca hát, tập luyện.
Trong các ca sĩ đàn em, chị đánh giá cao và thích ai nhất?
Tôi thích nhiều lắm nhưng về giọng nữ, tôi mê nhất Hồ Quỳnh Hương. Người tôi thích không nhất thiết phải kỹ thuật giỏi hay hát hay mà là người khiến tôi khóc được khi nghe họ hát. Chỉ có Hồ Quỳnh Hương làm được điều đó.
Bản thân tôi khi hát cho khán giả của tôi cũng khiến họ khóc, nên khi nghe một ca sĩ khác, tôi chỉ mê người nào làm tôi khóc được.
Trời cho Hồ Quỳnh Hương một thanh đới tốt, khung hàm đặc biệt giúp giọng hát sáng. Trong giọng hát Hồ Quỳnh Hương có gì đó rất tội, nghe rất thương. Tôi thích nghe Hồ Quỳnh Hương hát nhạc Đức Trí.