Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hùng Vương, Phó Ban quản lý Hồ Tây (Hà Nội) cho biết, trong sáng nay (3/10), các lực lượng chức năng bao gồm bộ đội, công an, nhân viên y tế, công nhân các đơn vị môi trường, thoát nước... vẫn đang được huy động cao cngf nhiều phương tiện để rà, thu, vớt, vận chuyển cá chết ở Hồ Tây.
Theo ghi nhận, mặc dù nhiều máy tạo oxy đã được đưa xuống hồ Tây để sục khí nhưng lượng cá Hồ Tây chết vẫn tiếp tục diễn ra.
Cũng theo ông Vương, toàn bộ số cá chết sau khi được thu, vớt, sẽ được đưa vào các điểm tập kết trên bờ, sau đó, được nhân viên y tế dự phòng phun các dung dịch, thuốc khử khuẩn Cloramin B nhằm tránh ô nhiễm, dịch bệnh lây lan.
Ngoài phun trực tiếp lên các xe thu gom cá chết thì các khu vực xung quanh điểm tập kết cá chết cũng thường xuyên được phun thuốc khử khuẩn.
Tiếp đó, số cá chết này được chuyển lên các xe chuyên chở và do số lượng cá chết lớn nên các đơn vị phải huy động cả xe chở rác để đưa về bãi rác Nam Sơn xử lý.
"Theo chỉ đạo của UBND TP, toàn bộ số cá chết được đưa về bãi rác Lam Sơn để xử lý, chôn lấp, đảm bảo môi trường", ông Vương nói.
Các xe thu gom cá chết. Ảnh: Thành Đạt.
Còn theo đại diện Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội thành phố cho hay, cá chết sau khi được vớt lên ở Hồ Tây sẽ được cho vào các bao tải và sẽ dùng các xe chuyên dụng chở lên khu liên hợp xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) để tiêu hủy theo quy định, đảm bảo môi trường.
Cá chết được tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Trước khi chôn, sẽ được rải một lớp vôi bột xuống đáy. Sau khi các bao tải cá được chôn xuống sẽ tiếp tục rắc vôi bột và lấp đất, nén chặt. Ngoài ra, các công nhân còn tiến hành phun thuốc khử trùng để đảm bảo không phát sinh dịch bệnh.
Trong vòng 1- 3 tuần đầu sau khi chôn lấp, công nhân sẽ thường xuyên kiểm tra hố chôn để phát hiện sớm hiện tượng lún sụt, bốc mùi để xử lý kịp thời.
Liên quan đến việc, một số người dân còn có hiện tượng sử dụng cá chết ở Hồ Tây để ăn, UBND TP Hà Nội đã có khuyến cáo, cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại Hồ Tây làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cá chết nổi trắng Hồ Tây sáng 3/10 chủ yếu là các loại cá to cỡ 3-4kg, thậm chí cá chép, cá trắm cỡ 5-6kg cũng đã chết nổi trắng mặt hồ.
Dù đã dùng nhiều xuồng máy, ca nô để kéo và vớt cá chết nổi trên hồ nhưng theo các lực lượng làm nhiệm vụ, số cá vớt được vẫn không thấm vào đâu so với lượng cá chết tiếp tục nổi lên.
Ngay trong sáng 3-10, cơ quan y tế thành phố Hà Nội đã phải đưa các máy khử khuẩn phòng bệnh dịch tới phun ở những nơi đưa cá chết lên.
Theo ước tính ban đầu của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội, lượng cá chết lên đến nhiều tấn. Theo UBND TP Hà Nội, kết quả kiểm tra nhanh (test nhanh) mẫu nước cho thấy toàn bộ nước mặt của hồ Tây không có ôxy, chỉ số oxy bằng 0.