Ảnh: Cắt từ video trong bài
Người dân ở những ngôi làng tại Bangladesh thường buộc dây thừng vào cổ của những con rái cá, phải chăng đây là một sở thích nuôi thú cưng kỳ lạ của họ? Không hẳn.
Thực ra đây là một truyền thống ở những ngôi làng mưu sinh bằng nghề chài lưới, họ huấn luyện những con rái cá để trợ giúp việc bắt cá và thường mang chúng lên thuyền mỗi khi làm việc.
Bắt cá tôm bằng rái cá. Ảnh: ResearchGate
Việc sử dụng một loài động vật nào đó để bắt cá cũng đã có từ lâu đời ở nhiều nơi trên thế giới như kỹ thuật đánh cá bằng chim cốc của Nhật Bản và Trung Quốc, còn ở Bangladesh người ta sử dụng loài rái cá thường (Lutra lutra) hoặc loài rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata).
Xem video:
Nghề bắt cá bằng rái cá của người dân làng chài thuộc Bangladesh
Người ngư dân sẽ huấn luyện những con rái cá này với mục đích lùa tôm hay cá vào lưới, đây là một kỹ thuật có từ lâu đời và đã trở thành truyền thống 'cha truyền con nối' ở các làng chài miền tây nam Bangladesh.
Những con rái cá được buộc cố định vào thuyền để chúng không bơi quá xa 6m (những con rái cá con cũng được tham gia công việc với bố mẹ nhưng không bị buộc dây). Sợi dây buộc vào người rái cá còn đóng vai trò truyền tín hiệu của người chủ để rái cá có hành động phù hợp.
Ngày nay, số lượng các hộ gia đình theo nghề truyền thống này đã giảm sút rất nhiều so với thời gian trước đây (giảm tới 90%), nguyên nhân là do các con sông bị ô nhiễm, việc bắt cá trở nên khó khăn khiến người dân dần bỏ nghề để tìm công việc khác.